Tổng giám đốc IMF: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là mối đe dọa đối với kinh tế thế giới
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 6/5 cảnh báo những căng thẳng mới nhất trong vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với kinh tế thế giới.
Phát biểu trước báo giới tại một hội nghị ở Paris (Pháp), người đứng đầu IMF khẳng định: "Rõ ràng những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc là mối đe dọa đối với kinh tế thế giới". Bà Lagarde cho rằng "những tin đồn và những tuyên bố trên mạng xã hội" khiến khả năng hình thành một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như ít đi.
Bà Lagarde đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang bế tắc trong các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại nhiều tháng qua khiến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, người lâu nay cho rằng các cuộc đàm phán giữa hai nước đã hoàn thành tới 90%, mới đây thông báo các cuộc đàm phán gần đây đã "tụt lùi" mà theo ông nguyên nhân là do Trung Quốc quay lưng với những cam kết trước đó. Tổng thống Donald Trump ngày 5/5 đe dọa sẽ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, từ mức 10% lên 25%, bắt đầu từ ngày 10/5 tới.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 7/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định vấn đề thuế quan sẽ không giải quyết bất cứ các vấn đề tồn tại trong tranh chấp thương mại giữa hai nước. Theo ông, sự tồn tại những bất đồng giữa hai bên là điều bình thường. Ông thể hiện rõ lập trường của Bắc Kinh tiếp tục các cuộc đàm phán, đồng thời bày tỏ hy vọng Washington sẽ cùng Bắc Kinh phối hợp giải quyết những mối quan ngại của cả hai bên.
Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo Phó Thủ tướng nước này Lưu Hạc sẽ đi Mỹ từ ngày 9-10/5 để tiến hành vòng phán thương mại song phương lần thứ 11 theo lời mời của các quan chức cấp cao nước chủ nhà. Tuy nhiên, Bộ này không công bố thêm thông tin về cuộc đàm phán cũng như các chủ đề dự kiến sẽ được thảo luận lần này.
Bình luận về diễn biến trên, thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc nhận định việc Bắc Kinh quyết định tiếp tục các cuộc đàm phán sau tuyên bố đe dọa tăng thuế của Tổng thống Donald Trump cho thấy Trung Quốc vẫn thể hiện sự bình tĩnh và "tập trung vào các cuộc đàm phán hơn là bước vào cuộc chiến tranh dư luận". Bài viết nêu rõ ngay cả khi các cuộc đàm phán đổ vỡ và Washington tăng thuế, điều này không có nghĩa cánh cửa đàm phán đóng lại.
Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc trên phần nào hỗ trợ thị trường chứng khoán Trung Quốc khởi sắc trở lại trong ngày giao dịch 7/5 sau khi tràn ngập sắc đỏ trong ngày trước đó. Cụ thể, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite Index chốt phiên tăng 0,69% điểm, dừng ở mức 2.926,39 điểm, còn chỉ số Shenzhen Component Index chốt phiên ở mức 9.089,46 điểm, tăng 1,9% so với ngày trước đó.
Tuy nhiên, tâm lý quan ngại vẫn bao trùm giới đầu tư tại châu Âu và một số thị trường chứng khoán châu Á khác như Hàn Quốc và Nhật Bản. Tâm lý do dự của giới đầu tư tại châu Âu đã khiến chỉ số chứng khoán châu Âu STOXX 600 liên tục tăng giảm xen kẽ trong phiên giao dịch ngày 7/5. Còn tại thị trường giao dịch Nhật Bản, chốt phiên giao dịch ngày 7/5, chỉ số Nikkei-225 giảm mạnh 1,51% điểm, trong khi chỉ số Topix giảm 1,12% điểm. Trong khi đó, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 0,88% điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận