Tổng cục Thống kê: GDP Việt Nam tăng 3,82% trong khi cả thế giới suy giảm
Quý I năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 3,82% trong khi những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU lao đao trước đại dịch COVID-19, đối mặt mới tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế so với cùng kỳ năm trước.
38,8% doanh nghiệp tin kinh doanh sẽ tốt lên?
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố trong buổi họp báo chiều 27-3 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm nay đạt 3,82%, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm giai đoạn từ 2011-2020.
Ông Lâm nhấn mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, công tác phòng chống và dập dịch được đặt lên hàng đầu, phải hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng và các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân vẫn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng để nền kinh tế không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, trong quý I năm nay khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 0,08%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, mức tăng không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Khu vực dịch vụ thì tốc độ tăng 3,27%, trong đó, các ngành bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,19%.
Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận trong quý I năm 2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 ngàn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Về xu hướng đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong Quý I năm 2020, có 20,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn quý IV năm 2019, khoảng 42% số doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn, 37,1% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh trong quý 2 năm nay sẽ tốt lên; 25,9% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,3% số doanh nghiệp tin tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Đối mặt nhiều khó khăn
Tổng cục Thống kê nhận định năm 2020 kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% đã đề ra là thách thức lớn.
Muốn vượt qua thách thức cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Trước mắt, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan, ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.
Đồng thời, cần tập trung thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận