Tổng cục Thống kê: Đánh giá lại quy mô GDP không phải là ‘cách tính mới’
Tổng cục Thống kê (GSO) khẳng định việc đánh giá lại quy mô GDP được thực hiện theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới.
Theo GSO, có 3 phương pháp dùng để biên soạn chỉ tiêu thống kê tổng sản phẩm trong nước (GDP): phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập. Hiện nay, GSO đang sử 3 phương pháp này trong biên soạn GDP. Hàng quý GSO dùng phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng và 5 năm sử dụng phương pháp thu nhập.
GSO cho biết cơ quan này đang tiến hành “đánh giá lại quy mô GDP” và đây là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới.
"Đánh giá lại quy mô GDP được thực hiện theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới", GSO khẳng định và cho hay việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP dựa trên phương pháp luận do cơ quan thống kê Liên hợp quốc khuyến nghị, xuất phát từ có nguồn thông tin phản ánh đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hoàn toàn không có sự thay đổi về phương pháp tính. GSO nhấn mạnh cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ quốc tế.
Được biết đây không phải là lần đầu tiên GSO tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. Năm 2013, GSO đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012, trong đó tập trung đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản (hoạt động nhà ở tự ở, tự có); thay đổi phân ngành kinh tế từ Hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân năm 1993 sang Hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam năm 2007.
Theo GSO, có 3 nguyên tắc khi đánh giá lại quy mô GDP: đảm bảo tính toàn diện, đảm bảo tính thống nhất quy trình và phương pháp tính, đảm bảo tính lịch sử và tính so sánh.
Phạm vi đánh giá lại quy mô GDP chỉ dừng lại ở các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.
GSO cho biết có 5 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thay đổi quy mô GDP, trong đó có 4 nhóm nguyên nhân làm tăng quy mô GDP và 1 nhóm nguyên nhân làm giảm quy mô GDP.
Cụ thể, 4 nhóm nguyên nhân làm tăng quy mô GDP gồm: bổ sung thông tin từ tổng điều tra; bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008; rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế.
Nhóm nguyên nhân làm giảm quy mô GDP là cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước.
GSO nhận định kết quả đánh giá lại quy mô GDP sẽ tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.
Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Bên cạnh đó, việc đánh giá lại quy mô GDP cũng làm thay đổi cơ cấu GDP: tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tuy nhiên mức thay đổi không lớn.
GSO khẳng định việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.
Ngoài ra, GSO cho rằng dù GDP mới phản ánh số liệu thấp hơn đối với nhiều chỉ tiêu tài chính/tài khóa và sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu/vay nợ của Chính phủ nhưng khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí, các tỷ lệ thu liên quan và được quy định bởi các văn bản pháp luật.
Hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga, Italia, Croatia, Inđônêxia... đã tiến hành điều chỉnh, công bố lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan. Cuối tháng 7 năm 2013, Mỹ công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP năm 2012 tăng thêm 560 tỷ USD, tăng 3,6% so với số liệu đã công bố. Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành đánh giá lại quy mô GDP (năm 2004, năm 2008, năm 2013 và năm 2015), trong đó năm 2013 đã bổ sung khoảng 305 tỷ USD vào quy mô GDP, tương đương tăng thêm 3,4%; năm 2015 tiếp tục bổ sung 141 tỷ USD vào quy mô GDP, tương đương tăng thêm 1,3%. Năm 2013, GDP của Nga được đánh giá lại tăng 24,3%; Đức tăng 3%; Italia tăng 7%. Năm 2014, GDP của Bulgari đánh giá lại tăng 31,2%; Rumani và Croatia tăng 28,4%... Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng tiến hành cập nhật phương pháp luận tài khoản quốc gia 2008 (SNA 2008) theo khuyến nghị cơ quan Thống kê Liên hợp quốc và đánh giá lại quy mô GDP giá hiện hành cũng thay đổi đáng kể như: Ghana tăng 60%; Nigeria tăng 59,5%; Maldive tăng 37%; Kenya tăng 25%; Malaysia tăng 3,2%… |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận