Tồn tại trong Downtrend: Xây dựng kế hoạch lãi/ lỗ trong đầu tư
Đầu tư liệu có phải chỉ đơn thuần là việc mua rẻ bán đắt? Thật tuyệt vời nếu lúc cũng có thể mua được cổ phiếu lúc giá xuống thấp nhất và bán được lúc giá lên đỉnh điểm, song thực hiện được điều này một cách thường xuyên gần như là bất khả thi.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư xét cho cùng cũng chỉ là con người, do vậy các quyết định của chúng ta luôn bị chi phối bởi cảm xúc bởi chẳng ai muốn thua lỗ cả. Bao giờ cũng vậy các nhà đầu tư thường kiếm lời bằng việc bán đi các cổ phiếu đầu tư khi chúng tăng giá, nhưng lại giữ lại những cổ phiếu giảm giá với hi vọng chúng sẽ phục hồi; thông thường cách làm này sẽ làm cho túi tiền của chúng ta vơi đi nhanh chóng.
Vậy làm cách nào để nhà đầu tư tránh được kết cục như trên?Một giải pháp đưa ra là phải học cách trở thành một nhà đầu tư có tính kỉ luật cao và áp dụng một kế hoạch lãi/lỗ rõ ràng. Trong bài viết này, sẽ lướt qua chiến lược trên và chỉ ra cách làm thế nào để vượt qua những giai đoạn khó khăn khi đầu tư.
Kế hoạch lãi/lỗ là gì?
Kế hoạch này là một bước mà rất nhiều nhà đầu tư thường bỏ qua. Kế hoạch lãi/lỗ là một tập hợp các giới hạn xác định ra mức thua lỗ và lợi nhuận tối đa mà một nhà đầu tư chấp nhận đối với một cổ phiếu. Tính đến chuyện thua lỗ là một phần tất yếu của hoạt động đầu tư, vì vậy kế hoạch lãi lỗ có vai trò rất quan trọng để xây dựng nên một chiến lược đầu tư tốt.
Tất cả chúng ta đều đã từng mắc sai lầm và phần lớn từng thua lỗ trên thị trường chứng khoán, nhưng, cái tạo nên sự khác biệt giữa một nhà đầu tư sành sỏi và những người còn lại là họ biết cách nhận ra những quyết định sai lầm của mình để kịp thời sửa chữa sau đó. Một kế hoạch lãi/lỗ giúp bạn nhận ra những sai lầm của mình bằng cách cho phép bạn tách biệt những quyết định đầu tư khỏi yếu tố cảm xúc. Nếu bạn không tỏ ra quá phấn khích về những khoản lợi nhuận của mình và chỉ coi đó đơn thuần nhưng một phương tiện để tăng dòng tiền (chứ không phải để nâng cái tôi của bạn lên), thì bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi bị thua lỗ, và do đó, có thể kiểm soát được chúng.
Thiết lập nên kế hoạch của riêng bạn
Thiết lập nên một kế hoạch có thể khó hơn bạn tưởng. Trước hết, bạn cần phải đặt ra mức lợi nhuận và mức thua lỗ tối đa mà bạn cảm thấy chấp nhận được, tuy nhiên, những mức giới hạn này không nhất thiết giống nhau giữa các loại cổ phiếu. Ví dụ, một cổ phiếu bluechip nhiều khả năng chỉ biến động trong khoảng 10% mỗi năm, trong khi đó một cổ phiếu small-cap tăng trưởng cao có thể biến động giá vài chục lần. Nói cách khác, bạn phải phân tích từng cổ phiếu riêng biệt để ước tính mức độ tăng giảm khả dĩ của nó.
Một số nhà đầu tư sử dụng phân tích kĩ thuật, phân tích cơ bản, hoặc sự kết hợp của cả hai để xác định ra các giới hạn lãi/lỗ phù hợp, vì vậy mới xuất hiện một thuật ngữ là "technimental analysis" để chỉ phương pháp kết hợp hai loại phân tích tài chính này trong hoạt động đầu tư. Một cách khác nữa để xác định những giới hạn đầu tư là áp dụng các mô hình đầu tư dựa trên những chuẩn mực sẵn có, như các chỉ số chứng khoán hay thậm chí là kết quả của danh mục đầu tư của chính bạn trong quá khứ.
Một yếu tố khác mà bạn phải xem xét khi xác định kế hoạch lãi/lỗ là khả năng chấp nhận rủi ro của chính bạn, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cá tính, khung thời gian hay lượng vốn sẵn có của bạn. Về căn bản, những người ngại rủi ro luôn đặt ra những giới hạn chặt chẽ hơn những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Những người ưa thích rủi ro cố gắng thu lợi càng nhiều càng tốt từ những cổ phiếu có tính phiêu lưu cao, nhưng một nhà đầu tư chắc ăn có thể sẽ bán cổ phiếu khi giá tăng chút ít để đề phòng nguy cơ thua lỗ sẽ xảy ra khi chẳng may cổ phiếu đột nhiên giảm giá. Nếu bạn thích né tránh rủi ro, một kế hoạch lãi/lỗ có mức giới hạn tăng/giảm 10% mỗi chiều là không phù hợp hay thậm chí là không thực tế đối với bạn. Ngược lại, nếu bạn sẵn sàng gánh chịu thêm rủi ro gắn với những khoản lợi nhuận tiềm năng hấp dẫn thì mức 10% có lẽ sẽ phù hợp hơn.
Thực hiện kế hoạch
Một khi bạn đã quyết định được những con số phù hợp, dù cho bạn là nhà đầu tư chắc ăn hay phiêu lưu, bạn cũng phải thực thi kế hoạch hành động một cách nhất quán nhất có thể. Hãy nhớ rằng, kế hoạch này luôn đặt ra một yêu cầu kép: bạn phải bán cổ phiếu của bạn nếu, một là, chúng rớt giá xuống một mức nhất định và, hai là, khi chúng tăng đến một mức giá nhất định.
Luôn giữ kỉ luật
Một khi bạn đang thực thi một kế hoạch lỗ/lãi như trên, bạn phải ghi nhớ một điều rằng ý tưởng bao trùm của kế hoạch này là phải thiết lập ra những chỉ dẫn nghiêm ngặt về thời điểm nào thì bán cổ phiếu. Chắc chắn, ai cũng thấy thật đau lòng khi chứng kiến cổ phiếu mà mình đã bán đi cứ liên tục tăng giá, nhưng, thà bán cổ phiếu lúc chúng đang trên đà tăng còn hơn là đợi đến lúc phải cố đẩy chúng đi khi cổ phiếu ấy đang sụt giá sau khi đã tăng đến đỉnh điểm. Jack Kennedy đã từng nói, "chỉ có kẻ ngốc mới cố vớt vát những đồng dollar cuối cùng".
Kết luận:
Lưu ý rằng, những con số minh họa chỉ có tính chất chung chung. Để thiết lập được kế hoạch của bạn cần phải có những nghiên cứu, phân tích, tự đánh giá một cách chi tiết và một triển vọng thực tế. Đặt ra mức lợi nhuận giới hạn 100% (nhân đôi số tiền của bạn), sẽ là vô nghĩa nếu bạn đầu tư vào những công ty có rủi ro thấp, tăng trưởng đều đặn 15%/năm. Và đây là những điều cần ghi nhớ:
1. Một cổ phiếu giảm giá 50% đồng nghĩa với việc sau đó bạn phải thu lại lợi nhuận 100% mới trở lại điểm hòa vốn, do vậy kiểm soát lỗ chính là điểm mấu chốt trong một chiến lược đầu tư tốt.
2. Mắc sai lầm là điều hoàn toàn bình thường. Một khi bạn nhận thức được điều này, bạn sẽ bước tiếp về phía trước một cách nhẹ nhàng hơn.
3. Mua một cổ phiếu và giữ nó trong một thời gian dài không có nghĩa là bạn sẽ có lãi. Chiến lược mua - giữ sẽ chỉ có tác dụng nếu bạn chọn lựa đúng công ty.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận