Tới quốc gia giàu dầu mỏ bàn về tương lai của nhiên liệu hóa thạch
Hội nghị về biến đổi khí hậu COP28 diễn ra ở Dubai – một thành phố công nghệ cao rực rỡ ở một đất nước tràn ngập Petrodollar (đô la dầu mỏ).
Hai tuần kể từ ngày 30/11, các đại biểu từ gần 200 quốc gia sẽ hội tụ tại Dubai để tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2023, còn được gọi là COP28.
Hội nghị Thượng đỉnh sẽ chứng kiến các nền kinh tế lớn trên thế giới bàn luận về các bước tiếp theo trong việc chống biến đổi khí hậu đồng thời bảo vệ mối quan tâm và lợi ích của họ. Và trong số các chủ đề gây tranh cãi sẽ bao gồm tương lai của nhiên liệu hóa thạch.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – nước chủ nhà COP28 đồng thời là một thành viên OPEC – hy vọng sẽ đưa ra tầm nhìn về một tương lai ít carbon chứ không phải là xa lánh nguồn năng lượng này.
Lập luận trên, cũng được các quốc gia sản xuất dầu lớn khác ủng hộ, sẽ làm nổi bật sự chia rẽ quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh về cách tốt nhất để chống lại sự nóng lên toàn cầu: Nên ưu tiên loại bỏ than đá, dầu mỏ và khí đốt, hay nên mở rộng quy mô các công nghệ như công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) để loại bỏ tác động của nó lên khí hậu.
“Xứ sở Petrodollar”
Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28), khai mạc ngày 30/11 và kéo dài đến ngày 12/12, đến vào thời điểm thế giới đang trên đà ghi nhận một kỷ lục khác về năm nóng nhất vào năm 2023, và khi các báo cáo mới cho thấy những cam kết về khí hậu hiện tại của các quốc gia là không đủ để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu.
Trong số những quyết định quan trọng mà các quốc gia phải đưa ra ở Dubai – một thành phố công nghệ cao rực rỡ ở một đất nước tràn ngập Petrodollar (đô la dầu mỏ) – sẽ có câu hỏi là liệu có nên đồng ý loại bỏ dần việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu và thay thế chúng bằng các nguồn khác như điện gió và điện mặt trời.
Mặc dù các quốc gia đã đồng ý giảm dần việc sử dụng than tại COP26, nhưng họ chưa bao giờ đồng ý từ bỏ tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch.
Sự rạn nứt được làm nổi bật thêm khi ngay trước thềm Hội nghị COP28, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố một báo cáo nêu lên quan điểm của mình.
IEA gọi ý tưởng thu giữ carbon trên diện rộng là một “ảo tưởng”, và cho biết ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch phải quyết định giữa việc làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng khí hậu hay chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.
Báo cáo đã gây ra phản ứng giận dữ từ OPEC. Tổ chức các nước giàu dầu mỏ cáo buộc IEA phỉ báng các nhà sản xuất dầu.
“Điều này đưa ra một khuôn khổ cực kỳ hẹp về những thách thức trước mắt chúng ta, và có lẽ đã xem nhẹ các vấn đề như an ninh năng lượng, tiếp cận năng lượng và khả năng chi trả năng lượng một cách hợp lý”, OPEC cho biết trong một tuyên bố.
Phát thải khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu. Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào vị Chủ tịch của COP28, Sultan Al-Jaber, người hiện đang là CEO của công ty dầu khí quốc gia ADNOC của UAE. Câu hỏi đã được đặt ra là liệu ông Al-Jaber có thể trở thành nhà môi giới trung thực cho một thỏa thuận về khí hậu hay không.
Câu hỏi càng thêm lớn khi UAE phải đối mặt với cáo buộc sử dụng vị thế của mình với tư cách là nước chủ nhà COP28 để thảo luận về các thỏa thuận dầu khí với 15 quốc gia, Trung tâm Báo cáo Khí hậu và Đài BBC đưa tin hôm 26/11, dựa trên các tài liệu tóm tắt mà họ được tiếp cận.
“Các tài liệu được đề cập trong bài viết của BBC là không chính xác và không được COP28 sử dụng trong các cuộc họp”, người phát ngôn của COP28 cho biết hôm 28/11. “Thật vô cùng thất vọng khi thấy BBC sử dụng các tài liệu chưa được xác minh trong bài viết của họ”.
“Chúng ta có một thế giới có nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn bao giờ hết”, ông Ani Dasgupta, chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới, một tổ chức phi chính phủ về khí hậu, cho biết. “Điều chúng ta nên tìm kiếm là một cam kết về việc thực sự giảm nhiên liệu hóa thạch”.
Ông Al-Jaber cho biết việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch là “không thể tránh khỏi”, nhưng cũng cho rằng ngành dầu mỏ phải tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông đã vận động sự ủng hộ từ các công ty đối với các cam kết COP28 nhằm giảm lượng phát thải từ các hoạt động dầu khí.
Kiểm kê toàn cầu
Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu năm nay sẽ mang lại cảm giác giống như một triển lãm thương mại hơn so với các kỳ COP trước đó, với việc Ban tổ chức mong đợi con số kỷ lục 70.000 người tham dự – bao gồm cả sự tham gia của số lượng lớn nhất các doanh nghiệp cho bất kỳ hội nghị về khí hậu nào của Liên Hợp Quốc.
Những nhân vật cấp cao như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Vua Charles của Anh đã xác nhận họ sẽ tham dự COP28. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang thúc đẩy các chính sách khử carbon cho nền kinh tế Mỹ vào giữa thế kỷ này, sẽ không tham dự. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Phó Tổng thống Kamala Harris.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ không xuất hiện ở COP28, nhưng Bắc Kinh đã yêu cầu các quốc gia giàu hơn cam kết tài trợ khí hậu hàng năm 100 tỷ USD cho các nước nghèo hơn.
Mặc dù Trung Quốc tự coi mình là một quốc gia đang phát triển trong các cuộc đàm phán về khí hậu, nhưng nước này lại là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới và tiêu thụ than nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Trung Quốc cũng phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong năm nay khi phải đối mặt với các đợt nắng nóng, lũ lụt và hạn hán khắc nghiệt.
Một công việc quan trọng đối với các quốc gia tại COP28 sẽ là đánh giá xem họ còn cách bao xa so với mục tiêu về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Quá trình này, được gọi là “kiểm kê toàn cầu”, sẽ đưa ra một kế hoạch cấp cao cho các quốc gia biết phải làm gì để đạt được mục tiêu đó. Sau đó, các chính phủ sẽ phải biến kế hoạch toàn cầu đó thành các chính sách và mục tiêu quốc gia mà họ sẽ phải đệ trình lên Liên Hợp Quốc vào năm 2025.
Trước thềm hội nghị, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và UAE đã tập hợp sự ủng hộ cho thỏa thuận tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo toàn cầu được lắp đặt vào năm 2030. Hơn 100 quốc gia đã ủng hộ thỏa thuận này, các quan chức nói với Reuters, nhưng một số quốc gia bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa hoàn toàn nhất trí.
Các quan chức Mỹ và những người khác đang hy vọng một thỏa thuận khí hậu gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể tạo ra một không khí tích cực cho các cuộc đàm phán. Trong thỏa thuận đó, hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới đã đồng ý tăng cường năng lượng tái tạo.
Mặc dù thỏa thuận đó không bao gồm việc giảm dần sử dụng than đá, nhưng đã kêu gọi “đẩy nhanh việc thay thế than, dầu và khí đốt” để dẫn đến việc giảm phát thải “có ý nghĩa” của ngành điện.
Không đánh mất hy vọng
Một vấn đề gây tranh cãi khác là quỹ bồi thường thiệt hại, nhằm giúp đỡ các quốc gia đã phải chịu thiệt hại không thể khắc phục do tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt và mực nước biển dâng cao.
Lần đầu tiên quỹ này được đề cập đến là trong văn bản chính thức của COP năm 2007, và phải mất 15 năm để các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc tế về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) đồng ý thành lập quỹ (tại COP27 ở Sharm el Sheikh, Ai Cập, năm 2022).
Đầu tháng này, Chủ tịch COP28 và các quốc gia G77 đã đồng ý tạm thời đặt quỹ này tại Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi, từ việc đảm bảo sự tham gia của các quốc gia giàu có và sự giám sát của các nước Nam Bán cầu cho đến việc xác định ai sẽ đủ điều kiện nhận tiền quỹ.
Các quốc gia giàu có lập luận rằng các định nghĩa hiện tại về “các quốc gia đang phát triển” đã có từ hàng thập kỷ trước. Đại diện từ các nước phát triển và đang phát triển đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về thiết kế của quỹ này. Tất cả các nước sẽ xem xét lại thỏa thuận đó và một số nước có thể phản đối. Thỏa thuận đó không phải là cuối cùng cho đến khi các quốc gia tại COP28 chấp thuận.
Ông Gayane Gabrielyan, nhà đàm phán của Armenia về quỹ này, nói với Reuters rằng điều quan trọng là thỏa thuận về Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” phải được thông qua ngay bây giờ, trước cuộc bầu cử vào năm tới ở các quốc gia như Mỹ, nếu không nó có thể phá vỡ sự đồng thuận chính trị.
Một phép thử khác là liệu các quốc gia giàu có có công bố khoản đóng góp cho quỹ này tại COP28 hay không – với số tiền hàng trăm triệu USD. EU và Mỹ tuyên bố họ sẽ đóng góp, và cho biết đang gây áp lực buộc các nước như Trung Quốc và UAE phải làm theo.
“Dựa trên kinh nghiệm từ trước tới giờ, thật không may là hầu hết các thỏa thuận toàn cầu, hầu hết các cam kết liên quan đến khí hậu toàn cầu đều chưa được hoàn thành” ông Najib Ahmed, Cố vấn quốc gia tại Bộ Khí hậu Somalia, cho biết. “Nhưng một lần nữa, chúng ta không thể đánh mất hy vọng”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận