Tốc độ dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu giảm mạnh
Số liệu do GIE công bố ngày 2/7 cho biết tỷ lệ dự trữ khí đốt trong các kho chứa ngầm của châu Âu tính đến tháng 6 vừa qua đạt 60%. Tuy nhiên, tốc độ bơm khí đốt dự trữ đã giảm mạnh so với trước.
Số liệu do Gas Infrastructure Europe (GIE) công bố ngày 2/7 cho biết tỷ lệ dự trữ khí đốt trong các kho chứa ngầm của châu Âu tính đến tháng 6 vừa qua đạt 60%. Tuy nhiên, tốc độ bơm khí đốt dự trữ đã giảm mạnh so với các tháng trước.
Theo GIE, trong tháng 6, các kho chứa ngầm châu Âu đã được bổ sung 12,75 tỷ m3 khí đốt, thấp hơn gần 3 tỷ m3 so với tháng 5, đưa lượng khí đốt dự trữ lên 62,5 tỷ m3. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đạt 58,18% năng lực dự trữ các kho ngầm và thấp hơn gần 2% so với mức trung bình 5 năm trở lại đây.
Các nước Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ đạt mức dự trữ khí đốt tối thiểu 80% trước mùa Đông năm nay và tăng lên 90% trong các giai đoạn tiếp theo. Mức độ dự trữ khí đốt của Bồ Đào Nha và Ba Lan hiện cao nhất trong EU với tỷ lệ tương ứng 100% và 97,44%.
Trong khi đó, lượng dự trữ khí đốt tại các kho chứa ngầm của Đức đạt 61,21%, Pháp đạt 62,42%, Italy đạt 58,9%, Hà Lan đạt 53,08%, Bulgaria đạt 35,14%, Đan Mạch đạt 79,36%, Hungary đạt 40,14%, Áo đạt 45,12%, CH Czech đạt 69,05%, Bỉ đạt 59,11% và Latvia đạt 44,91%.
Theo hãng tin TASS của Nga, một trong những nguyên nhân khiến tốc độ dự trữ khí đốt của châu Âu giảm là do lượng khí đốt của Nga chuyển cho châu Âu qua tuyến đường ống "Dòng chảy phương Bắc" chỉ đạt 40% công suất.
Việc Canada áp đặt trừng phạt đối với Nga khiến công ty Siemens Energy không thể chuyển một trong các tua-bin khí của tuyến đường ống này về Đức sau khi được sửa chữa ở Montreal (Canada).
Ngoài ra, Nga cũng đã dừng cung cấp khí đốt cho một loạt công ty của châu Âu vì các công ty này từ chối thanh toán bằng đồng ruble, trong khi việc xuất khẩu khí đốt của Nga qua tuyến đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" bị gián đoạn một tuần vì công tác sửa chữa.
Bên cạnh đó, tỷ lệ điện gió trong sản xuất điện của châu Âu chỉ đạt 11,3% trong tháng 6, giảm so với mức 14% trong tháng 5. Điều này khiến châu Âu phải sử dụng nhiều khí đốt hơn cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, góp phần làm giảm tỷ lệ dự trữ khí đốt. Các nước châu Âu cũng đang sử dụng lượng khí đốt từ các kho dự trữ nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 978 triệu m3 trong tháng 6 vừa qua.
Tính đến cuối tháng 6, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng lên mức 1.600 USD/1.000 m3. Trong tháng 7, tình hình được dự báo sẽ khó khăn hơn do việc cung cấp khí đốt của Nga qua tuyến đường ống "Dòng chảy phương Bắc" sẽ bị tạm dừng để tiến hành bảo dưỡng thường niên từ ngày 11-21/7.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận