Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh trả lời kiến nghị của cử tri thành phố sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chỉ được cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp theo đúng giấy phép Ngân hàng Nhà nước cấp và theo đúng quy định của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt, không cung cấp thông tin sai sự thật, dễ hiểu lầm về trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư; không để xảy ra trường hợp nhân viên/đơn vị kinh doanh cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, dễ gây hiểu lầm về trái phiếu cho nhà đầu tư để đạt chỉ tiêu kinh doanh.
Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, thời gian qua, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và hạn chế rủi ro đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Theo đó, quy định tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành; trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp, để tăng quy mô vốn hoạt động.
Ngân hàng Nhà nước cũng quy định, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành; trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Đặc biệt, tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó; trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán...
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của tổ chức tín dụng khi đầu tư, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước ổn định, phát triển bền vững. Phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định để khắc phục các bất cập, hạn chế đã phát sinh, tạo khung khổ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh.
Đối với kiến nghi của cử tri đề nghị các ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu đã trung gian chào bán cho các nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các quy định pháp luật có liên quan như Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (đã được sửa đổi, bổ sung); Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều nêu rõ doanh nghiệp phát hành phải thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Nếu không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi đến hạn bằng tài sản khác…
Ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp ngân hàng thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành. Trong hợp đồng ký với nhà đầu tư có nêu rõ điều kiện, điều khoản về việc mua lại trái phiếu, và phải tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng khi thực hiện cam kết này.
Trước đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Qua trao đổi, thống nhất đã thiết lập đường dây nóng của cả 2 cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng (trong giờ hành chính).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận