Tình hình “sức khoẻ” của các “ông lớn” ngành giao thông
Ngoài các doanh nghiệp hàng không, kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2019 của phần lớn tổng công ty giao thông - vận tải (GTVT) không có nhiều điểm sáng.
Điểm tối
Khó khăn vẫn chưa buông tha đối với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) - hậu thân của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), khi bức tranh sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn là những gam màu xám.
Theo ông Cao Thành Đồng, quyền Tổng giám đốc SBIC, mặc dù đạt chỉ tiêu về số sản phẩm bàn giao (68/69), nhưng doanh và thu nhập khác của SBIC với hơn 5.300 lao động chỉ đạt 2.498 tỷ đồng, hơn 1,1% so với kế hoạch. Điều này dẫn tới lợi nhuận toàn tổng công ty chỉ đạt 108 tỷ đồng, không đủ bù đắp các khoản chi phí tài chính (lãi vay cũ và chênh lệch tỷ giá). Tính tổng cộng, năm 2019, SBIC vẫn lỗ tới 3.984 tỷ đồng.
“Trong số các đơn vị thuộc SBIC, ngoài Công ty mẹ ghi nhận khoản lợi nhuận 40 tỷ đồng, thì các đơn vị còn lại đều rất khó khăn. Cụ thể, khối 8 đơn vị được giữ lại lỗ 2.009 tỷ đồng, khối đơn vị đang tái cơ cấu lỗ 2.014 tỷ đồng”, ông Đồng cho biết.
Điều đáng nói là, tình hình kinh doanh của SBIC trong năm 2020 được dự báo còn khó khăn hơn năm 2019. Do không có nhiều đơn hàng mới, SBIC chỉ xây dựng kế hoạch doanh thu toàn tổng công ty năm 2020 là 2.910 tỷ đồng, bằng 96,4% kế hoạch 2019 và bằng 98,8% so với ước thực hiện năm 2019. Với khoản lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh 329 tỷ đồng (không tính chi phí tài chính), SBIC dự kiến lỗ khoảng 3.900 tỷ đồng trong năm 2020.
“Giáp hạt” việc làm kéo theo doanh thu, lợi nhuận giảm sút cũng đang diễn ra gay gắt đối với các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco) - những đơn vị đã không còn vốn góp của Nhà nước kể từ năm 2015.
Năm 2019, kết quả kinh doanh của toàn Tổng công ty chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí còn là một trong những giai đoạn khó khăn nhất lịch sử ngành đường sắt, tương tự như các năm 1979, 1984.
Từng là “cánh chim đầu đàn” ngành GTVT, nhưng doanh thu năm 2019 của Cienco1 đạt chưa tới 1.000 tỷ đồng, bằng 1/7 so với giai đoạn hoàng kim trước khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước (năm 2014).
Cienco4, một trong những doanh nghiệp mạnh nhất lĩnh vực xây dựng cơ bản những năm gần đây, cũng cho biết, doanh thu trong năm 2019 đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, sụt giảm nhiều so với các năm trước đây do nguồn việc từ lĩnh vực xây lắp giao thông khan hiếm.
Điều đáng nói là, dù đã sa sút rất nhiều, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh của Cienco1, Cienco4 vẫn còn tốt hơn so với Cienco5. Năm 2019, Cienco5 chỉ đạt doanh thu vỏn vẹn 312 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 0,892 tỷ đồng, lần lượt bằng 42,5% và 10,44% kế hoạch. Năm 2019, đơn vị này đặt mục tiêu doanh thu 466 tỷ đồng, nhưng khả năng cao là chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch.
Ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn GTVT cho biết, đời sống, việc làm của người lao động khối các doanh nghiệp xây dựng cơ bản là rất quan ngại. Ngoại trừ khối văn phòng còn tạm “yên ấm”, hầu hết các đơn vị thành viên của các Cienco đều phải cho lao động nghỉ việc luân phiên, nợ lương, nợ bảo hiểm kéo dài.
“ Nợ tiền lương của người lao động tại các đơn vị này đến cuối năm 2019 đã lên tới 118,5 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội 243,5 tỷ đồng; đời sống người lao động ở các doanh nghiệp này rất khó khăn”, đại diện Công đoàn GTVT thông tin.
Sức bật chưa lớn
Cần phải nói thêm, những điểm sáng hiếm hoi đối với các đơn vị có gốc rễ từ Bộ GTVT vẫn chỉ xoay quanh 2 cái tên: Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV).
Năm 2019, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietnam Airlines đạt cao nhất từ trước tới nay, lần lượt ước đạt 101.188 tỷ đồng (tăng hơn 2.200 tỷ đồng so với năm 2018) và gần 3.369 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ ước đạt hơn 75.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 2.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 12% so với cùng kỳ.
Từ nền tảng kinh doanh tích cực này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cổ đông đang năm 86,19% vốn điều lệ - đặt mục tiêu cho Vietnam Airlines phải đạt doanh thu 110.560 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 83.842 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.358 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 1.512 tỷ đồng.
Đối với ACV, dù chưa công bố số liệu chính thức, nhưng đà tịnh tiến trong kết quả kinh doanh vẫn được đơn vị này duy trì trong năm 2019. Trong năm 2020, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã giao cho người đại diện phần vốn phải phối hợp với HĐQT đưa doanh thu hợp nhất lên 21.569 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 10.811 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.649 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 3.159 tỷ đồng.
Được biết, trong số 5 tổng công ty ngành GTVT 100% vốn nhà nước hoặc Nhà nước nắm cổ phần chi phối được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2019, doanh thu hợp nhất toàn VNR với hơn 30.000 lao động chỉ đạt 8.191,3 tỷ đồng, tuy bằng 100% so với cùng kỳ năm, nhưng chỉ đạt 97,2% so với kế hoạch. Mức doanh thu này chỉ bằng 1/12 doanh thu của Vietnam Airlines và bằng 1/11 doanh thu của hãng hàng không thế hệ mới Vietjet. Đặc biệt, vận tải hành khách, hệ số sử dụng chỗ trên các đoàn tàu đường sắt rất thấp và tiếp tục giảm so với cùng kỳ.
Trong khi đó, do những bất ổn về mô hình tổ chức, việc triển khai các dự án đầu tư phát triển đường cao tốc là Đà Nãng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành trị giá hơn 3 tỷ USD bị đóng băng từ giữa tháng 6/2019. Trong bối cảnh không tìm được nguồn vốn bị thiếu hụt lên tới hơn 300 triệu USD, hai dự án do VEC làm chủ đầu tư sẽ bị vỡ tiến độ, giảm hiệu quả đầu tư.
“Với một đơn vị sống vào nghề đầu tư các dự án, việc để vỡ tiến độ, không đưa vào khai thác đúng kế hoạch sẽ để lại di chứng xấu cho doanh nghiệp”, lãnh đạo VEC cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận