menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thành Dũng

Tin thế giới 4/3: Điều kiện dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga; Vòng đàm phán Nga-Ukraine lần 2 có gì? Mỹ nối lại hoạt động lãnh sự ở Cuba

Xung đột Nga-Ukraine, hòa đàm vòng 2 Nga-Ukraine, NATO nhóm họp, cháy nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine... là những sự kiện thế giới nổi bật 24 giờ qua.

Tin thế giới 4/3: Điều kiện dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga; Vòng đàm phán Nga-Ukraine lần 2 có gì? Mỹ nối lại hoạt động lãnh sự ở Cuba
Mỹ nêu điều kiện để ngưng trừng phạt Nga liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine. (Nguồn: Getty)

Mỹ nêu điều kiện để hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây đối với Moscow sẽ bị hủy bỏ trong trường hợp Nga tạm dừng “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Cụ thể, bà Nuland nói với TASS rằng: "Các lệnh trừng phạt sẽ chấm dứt nếu ông ấy (Tổng thống Nga Vladimir Putin) chấm dứt cuộc chiến này, đồng thời giúp tái thiết Ukraine, tái lập hòa bình và công nhận chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tồn tại của quốc gia này".

Belarus sẽ không đưa quân vào Ukraine

Reuters đưa tin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khẳng định, các lực lượng vũ trang Belarus sẽ không tham gia chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Trong khi đó, quân đội Belarus đã tăng cường hoạt động phòng không ở khu vực biên giới của nước này, trong bối cảnh phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine.

Xung đột Nga-Ukraine:

Vòng đàm phán Nga-Ukraine thứ 2

Ngày 3/3, tại biên giới Ba Lan-Belarus, hai phái đoàn Nga và Ukraine đã tiến hành vòng đàm phán thứ 2.

Sau vòng đàm phán, Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết đã có "tiến triển đáng kể". Còn theo ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn Tổng thống Ukraine, vòng đàm phán không mang lại kết quả như Kiev kỳ vọng.

Tuy nhiên, hai bên đã thống nhất về việc thiết lập các hành lang nhân đạo để sơ tán người dân.

Hai bên dự kiến có thể áp dụng một lệnh ngừng bắn tạm thời cho phép sơ tán dân thường, nhưng không phải ở mọi nơi, mà chỉ ở những nơi có hành lang nhân đạo.

Bên cạnh đó, cả hai bên đều kêu gọi vòng đối thoại thứ 3 nên diễn ra càng sớm càng tốt. (Reuters/TASS)

Ukraine vẫn nắm tầm kiểm soát nhiều thành phố

Ngày 4/3, trong báo cáo tình báo mới nhất cập nhật về tình hình Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh tiết lộ thành phố Mariupol vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ukraine.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, nước này tin rằng, các lực lượng Nga vẫn chưa kiểm soát được thành phố Kherson của Ukraine: “Vẫn còn giao tranh tại thành phố Kherson, do đó, chúng tôi chưa thể kết luận về tình hình”.

Trước đó, cùng ngày, người đứng đầu cơ quan quản lý khu vực Kherson Hennady Lahuta thông báo, các lực lượng Nga đã tiến vào thành phố cảng chiến lược này và kiểm soát trụ sở hành chính. (Reuters)

Lo ngại về sự cố cháy nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu

Giới chức Ukraine ngày 4/3 thông báo các lực lượng Nga đã "nắm quyền kiểm soát" nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu sau khi một tòa nhà trong khu phức hợp bị bốc cháy trong cuộc giao tranh dữ dội với binh lính Ukraine.

Trên Telegram, Thị thưởng thị trấn Energodar Dmytro Orlov thông báo nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại Đông Nam Ukraine bốc cháy vào sáng sớm cùng ngày.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết, các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhzhia đều không ghi nhận thiệt hại nào.

Bên cạnh đó, vụ hỏa hoạn "không ảnh hưởng đến thiết bị 'thiết yếu' và các nhân viên nhà máy đang thực hiện những hành động giảm nhẹ". (TASS/Reuters)

Nga cáo buộc Ukraine khiêu khích trong vụ cháy nhà máy Zaporizhzhia

Ngày 4/3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho rằng Kiev muốn cáo buộc Moscow gây ra nguồn ô nhiễm phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã cố gắng thực hiện hành động khiêu khích ở khu vực tiếp giáp nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong đêm 3/3.

Đặc biệt, khi đang tuần tra khu vực được bảo vệ liền kề với nhà máy, một đội tuần tra cơ động của Vệ binh Quốc gia Nga đã bị một nhóm phá hoại của Ukraine tấn công.

Nhóm này đã khai hỏa dữ dội bằng các loại vũ khí hạng nhẹ từ cửa sổ một số tầng nhà trong khu liên hợp giáo dục và đào tạo nằm ngoài nhà máy này. Nhóm phá hoại đã phóng hỏa tòa nhà mà chúng sử dụng làm địa điểm tấn công.

Theo người phát ngôn trên, vụ hỏa hoạn đã được dập tắt và nhà máy Zaporizhzhia đang hoạt động bình thường, mức độ phóng xạ cũng ở ngưỡng bình thường. (Sputniknews)

NATO nhóm họp cấp ngoại trưởng

Trong ngày 4/3, Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sau khi Kiev kêu gọi thiết lập vùng cấm bay đối với Nga.

Phát biểu trước cuộc họp tại trụ sở của NATO ở Brussels, Lithuania cho biết liên minh quân sự này sẽ bị sa lầy vào xung đột nếu thực thi một vùng cấm bay.

Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte nêu rõ: "Tất cả những lời khuyến khích NATO tham gia vào cuộc xung đột quân sự hiện nay là vô trách nhiệm".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho biết "lằn ranh đỏ" của NATO là nhằm tránh gây ra một cuộc xung đột quốc tế rộng lớn hơn, song cho rằng tất cả các kịch bản nên được thảo luận.

Văn phòng Tổng thống Pháp mô tả vùng cấm bay là "một yêu cầu rất chính đáng song lại rất khó được đáp ứng". (Reuters)

Đức kêu gọi để ngỏ cảnh cửa ngoại giao với Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 3/3 khẳng định cần kiên trì đối thoại với Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời nêu rõ cần phải ngăn chặn nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga trong tình hình hiện nay.

Phát biểu trong chương trình "heute journal" của kênh truyền hình ZDF tối 3/3, Thủ tướng Scholz cho biết ông sẽ không ngừng tìm kiếm đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo ông, chiến lược cho lối thoát hiện nay không gì khác ngoài sự kiên trì, để ngỏ cánh cửa ngoại giao bởi "không có một nút bấm nào có thể giải quyết mọi vấn đề".

Phương Tây phải tìm cách để tái lập đối thoại với Moscow do mỗi ngày xung đột kéo dài, tình hình sẽ càng thêm bi thảm.

Ông kêu gọi các bên không ngừng nỗ lực thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Ukraine dù điều này dương như "phi thực tế" trong tình hình hiện nay.

Thủ tướng Scholz cũng tái khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO hiện không nằm trong chương trình nghị sự của khối.

Đặc phái viên ASEAN sắp thăm Myanmar

Ngoại trưởng Prak Sokhonn của Campuchia, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sẽ tới thăm Myanmar từ ngày 20-23/3 trong nỗ lực khởi động tiến trình hòa bình ở quốc gia này, một năm sau khi diễn ra cuộc chính biến.

Hồi tháng Hai, ông Sokhonn đã hối thúc các tướng lĩnh cầm quyền ở Myanmar cho phép ông gặp tất cả các bên liên quan ở đó, kể cả những người bất đồng chính kiến.

Trong một thông điệp bằng văn bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry cho biết, chuyến đi của ông Sokhonn vẫn đang được sắp xếp, song xác nhận thông tin lịch trình dự kiến từ ngày 20-23/3.

Ông Sounry từ chối cung cấp chi tiết về nhân vật mà ông Sokhonn sẽ gặp.

Trong khi đó, người phát ngôn quân đội Myanmar từ chối bình luận về thông tin trên. (Reuters)

Trung Quốc khai mạc kỳ họp Chính hiệp lần thứ 5 Khóa XIII

Chiều 4/3, kỳ họp lần thứ 5, khóa XIII Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn Trung Quốc (Chính hiệp toàn quốc- CPPCC) đã khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh của nước này.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng tất cả lãnh đạo cấp cao và đông đảo đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân nước này tham dự kỳ họp.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương đã điểm lại những thành tích nổi bật trong công tác tham vấn chính trị hiệp thương năm 2021 trên các mặt, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của CPPCC cho sự nghiệp của đất nước cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm qua.

Tại kỳ họp lần này, các đại biểu CPPCC sẽ nghe Báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ CPPCC và Báo cáo về việc xử lý các đề xuất của đại biểu và nhiều vấn đề khác. (THX)

Indonesia tăng cường an ninh bảo vệ thủ đô mới

Ngày 4/3, Không quân Indonesia thông báo sẽ điều chuyển thêm lực lượng đến khu vực thủ đô mới Nusantara ở tỉnh Đông Kalimantan nhằm hỗ trợ các hoạt động của chính phủ tại đây.

Tham mưu trưởng Không quân (KSAU) - Nguyên soái Fadjar Prasetyo, cho biết quân đội Indonesia (TNI) sẽ xây dựng một căn cứ không quân để hỗ trợ các hoạt động của chính phủ tại Nusantara.

Theo ông, căn cứ không quân tại Nusantara sẽ được trang bị các phương tiện hỗ trợ di chuyển cho Tổng thống Joko Widodo. Ngoài ra, Không quân Indonesia cũng sẽ di dời các thiết bị phòng thủ đến khu vực thủ đô mới.

Trước đó, Tổng tư lệnh TNI Andika Perkasa xác nhận rằng lực lượng này sẽ xây dựng một bộ chỉ huy quân khu (Kodam) mới tại thủ đô Nusantara nằm ở huyện Bắc Penajam Paser của tỉnh Đông Kalimantan. (Tempo)

Mỹ nối lại một phần hoạt động lãnh sự tại Cuba

Ngày 3/3, Đại biện lâm thời Mỹ tại Cuba Timothy Zuniga-Brown nêu rõ, hoạt động lãnh sự "sẽ bắt đầu nối lại ở mức hạn chế một số dịch vụ cấp thị thực, như một phần trong quá trình dần mở rộng các chức năng của sứ quán".

Trước mắt, giới chức ngoại giao Mỹ tại Cuba sẽ chỉ sắp xếp phỏng vấn những người đã xuất trình đủ hồ sơ xin thị thực, cũng như chỉ cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho các công dân Mỹ và cấp thị thực khẩn cấp.

Sau khi Mỹ dừng cấp thị thực, người Cuba muốn sang Mỹ phải đến các nước khác như Colombia hoặc Guyana để nộp hồ sơ xin thị thực.

Theo các thỏa thuận hiện nay, Mỹ chỉ cấp khoảng 20.000 thị thực nhập cảnh mỗi năm cho công dân Cuba.

Tháng 8/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo tình trạng các nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở La Habana gặp phải một loạt sự cố về sức khỏe, bị nghi do các cuộc “tấn công bằng sóng âm" gây ra.

Tuy nhiên, cho tới nay, chính quyền Mỹ vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra những triệu chứng này. (AP)

Tổng thống Pháp quyết định tái tranh cử

Ngày 3/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo tranh cử nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử tháng 4 tới, với mục tiêu đưa nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vượt qua đại dịch Covid-19 và tác động của căng thẳng Nga-Ukraine.

Tổng thống Macron bước vào cuộc đua chỉ một tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ngày 10/4 tới.

Thăm dò dư luận cho thấy ông có thể giành chiến thắng trước các đối thủ tiềm tàng là lãnh đạo phe cực hữu - bà Marine Le Pen và nữ chính khách theo đường lối bảo thủ trung hữu Valerie Pecresse. (AFP)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
6 Yêu thích
10 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại