Tin thế giới 25/11: Họp báo bất ngờ và "sự lạ" của ông Trump; Iran mất niềm tin; Vì sao ông Putin chưa tiêm vaccine Covid-19?
Hậu bầu cử Mỹ 2020, quan hệ Trung Quốc với Ấn Độ và Nhật Bản, quan hệ Iran với phương Tây và vaccine Covid-19 là một số tin thế giới nổi bật.
Bầu cử Mỹ 2020
Tổng thống Trump phát biểu chớp nhoáng 'khoe' thành tích của thị trường chứng khoán
Ngày 24/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ xuất hiện trong một cuộc họp báo ngắn kỷ lục, chỉ kéo dài hơn 1 phút, tại phòng họp báo ở Nhà Trắng.
Tại đây, ông Trump không hề đề cập cuộc chiến pháp lý hay về quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden. Thay vào đó, ông “khoe” thành tích của thị trường chứng khoán Mỹ.
“Tôi chỉ muốn chúc mừng tất cả mọi người, thị trường chứng khoán, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã cán mốc 30.000 điểm, cao nhất trong lịch sử. Chúng ta chưa bao giờ cán mốc 30.000 điểm và giờ đây chúng ta làm được điều đó bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19”, ông Trump nói.
Ngay sau đó, ông Trump rời họp báo. Cả ông và các quan chức khác đều không trả lời bất cứ câu hỏi nào của các phóng viên. (CNBC)
Tổng thống Trump lên kế hoạch ân xá cho cựu cố vấn Michael Flynn
Ngày 24/11, một nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định với các đồng minh rằng ông có kế hoạch ân xá cho cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Ông Flynn là cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông Trump và nhiệm kỳ chỉ kéo dài vài tuần. Ông Flynn từ chức vào năm 2017 sau khi trở thành tâm điểm của dư luận vì nói dối Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) việc ông liên lạc với Đại sứ Nga tại Washington vào tháng 12/2016, một vài tuần trước khi Tổng thống Trump chính thức nhậm chức.
Tuy nhiên, năm ngoái, ông Flynn rút lại lời nhận tội và cho rằng các công tố viên đã xâm phạm các quyền của ông và lừa ông nhận tội.
Bộ Tư pháp sau đó bất ngờ ra quyết định hủy truy tố hình sự đối với ông. Tổng thống Trump đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ quyết định đó và nói rằng hy vọng những người từng điều tra và truy tố ông Flynn phải “trả giá đắt".
Ngoài ông Flynn, giới quan sát cho rằng, ông Trump cũng có thể ân xá cho những người khác bị nhắm đến trong cuộc điều tra như cựu Giám đốc tranh cử của ông Trump Paul Manafort hay giúp các thành viên trong gia đình và tập đoàn Trump Organization thoát khỏi vòng lao lý. (Reuters, CBS)
Ông Biden bác quan điểm về 'nhiệm kỳ 3 của ông Obama'
Ngày 24/11, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên trên truyền hình kể từ sau ngày bầu cử, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden khẳng định, chính quyền mới của ông sẽ không phải là "nhiệm kỳ thứ 3 của cựu Tổng thống Barack Obama".
Theo ông Biden, "tình hình thế giới hiện nay đã thay đổi hoàn toàn so với tình hình thời chính quyền Obama-Biden. Tổng thống Donald Trump đã thay đổi cục diện".
Bên cạnh đó, ông Biden cũng khẳng định mong muốn nước Mỹ trở nên đoàn kết, thậm chí cho biết ông có thể sẽ bổ nhiệm một quan chức Cộng hòa ủng hộ ông Trump vào bộ máy chính quyền của mình.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, ông Biden đã công bố các gương mặt mà ông đã lựa chọn cho các vị trí quan trọng trong Nội các và Nhà Trắng khi ông đắc cử, như Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh Quốc gia, Giám đốc tình báo quốc gia...., trong đó có nhiều "gương mặt thân quen" từ thời chính quyền ông Obama. (The Guardian)
Iran
Đại giáo chủ Iran không tin tưởng về “sự cởi mở” từ phía phương Tây
Ngày 24/11, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei đã đưa ra lời cảnh báo đối với những hy vọng về một “sự cởi mở” ngoại giao với phương Tây, sau khi chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani phát đi tín hiệu về sự sẵn sàng hợp tác với ông Joe Biden.
Phát biểu trong cuộc họp với Tổng thống Rouhani, Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf và Bộ trưởng Tư pháp Ebrahim Raisi, ông Khamenei nêu rõ: “Chúng ta không thể tin tưởng những người nước ngoài và hy vọng về một sự cởi mở từ phía họ. Chúng ta từng cố gắng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và đàm phán trong một vài năm qua, song vẫn vô tác dụng”.
Đại giáo chủ Khamenei cũng cảnh báo: “Tình hình ở Mỹ hiện không rõ ràng và các nước châu Âu đang tiếp tục thể hiện lập trường chống Iran”. (AFP)
Trung Quốc-Ấn Độ
Trung Quốc chỉ trích Ấn Độ liên quan lệnh cấm 43 các ứng dụng
Ngày 25/11, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Ấn Độ sau khi New Delhi công bố thêm lệnh cấm đối với 43 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có một số ứng dụng của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, vì lý do an ninh quốc gia.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: "Những biện pháp của Ấn Độ rõ ràng vi phạm các nguyên tắc thị trường và hướng dẫn của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc..."
Theo ông Triệu, Ấn Độ "cần ngay lập tức khắc phục các biện pháp phân biệt đối xử này để tránh sự hủy hoại lớn hơn trong quan hệ song phương". (AFP)
Trung Quốc-Nhật Bản
Trung Quốc-Nhật Bản bày tỏ quan điểm về vấn đề Biển Hoa Đông
Ngày 25/11, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhân chuyến thăm của ông này đến Tokyo.
Trong cuộc gặp, Thủ tướng Suga bày tỏ lo ngại với các động thái của Bắc Kinh "hòng làm suy yếu sự quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku" mà Nhật Bản đang kiểm soát song cả Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Nhấn mạnh mối quan hệ ổn định giữa hai nước láng giềng sẽ có lợi cho khu vực nói riêng và thế giới nói chung, ông Suga kêu gọi Trung Quốc thực hiện "hành động tích cực" liên quan tranh chấp trên biển.
Thủ tướng Suga cũng nêu quan ngại về tình hình ở Hong Kong, nơi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia hồi tháng 6 mà giới chỉ trích nhận định làm suy yếu sự tự do ở vùng lãnh thổ bán tự trị này.
Về phần mình, ông Vương Nghị cho rằng, hai bên phải bình tĩnh và giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Hoa Đông một cách thỏa đáng, đồng thời nhấn mạnh, Bắc Kinh muốn cải thiện quan hệ với Tokyo và quan hệ Trung-Nhật cuối cùng đã trở lại lộ trình phát triển bình thường. (Reuters, Kyodo)
Trung Quốc-Brazil
Trung Quốc chỉ trích bình luận của con trai Tổng thống Brazil về Huawei
Ngày 23/11, con trai của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, ông Eduardo Bolsonaro đã đăng một bài tweet, trong đó nhắc đến công nghệ Huawei như một “hệ thống tình báo của Trung Quốc” nhưng sau đó đã xóa bài tweet này.
Trong một bài tweet vẫn được hiển thị, ông Eduardo Bolsonaro cho rằng sáng kiến Mạng lưới sạch (Clean Network) là nhằm chống lại “những kẻ thù của tự do như Trung Quốc”.
Brazil là thành viên của sáng kiến Mạng lưới sạch do Mỹ đề xuất từ đầu tháng 11. Đây là liên minh gồm hơn 30 quốc gia và các công ty viễn thông lớn ngăn chặn các dịch vụ công nghệ mà Washington coi là bị Bắc Kinh thao túng, ví dụ như Huawei. Một phần của sáng kiến này tập trung vào việc xây dựng mạng điện thoại 5G trong đó không sử dụng thiết bị của các tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc
Ngày 24/11, Đại sứ quán Trung Quốc tại Brazil cho rằng, những bình luận của ông Eduardo làm phương hại đến quan hệ song phương.
Trong một tuyên bố đăng trên Twitter, Đại sứ quán Trung Quốc tại Brazil cho biết, các bình luận này đã “làm u ám bầu không khí hữu nghị giữa hai nước và làm tổn hại đến hình ảnh của Brazil”.
Theo Đại sứ quán Trung Quốc, những bình luận này là “hoàn toàn không chấp nhận được”. (Reuters)
Vấn đề Đài Loan
Quan chức Mỹ hoãn chuyến thăm Đài Loan
Ngày 24/11, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) thông báo, người đứng đầu cơ quan này Andrew Wheeler đã hoãn chuyến thăm Đài Loan do những ưu tiên "cấp bách" trong nước, loại bỏ nguy cơ có thể làm dấy lên căng thẳng với Bắc Kinh.
Phản ứng trước điều này, cơ quan đối ngoại Đài Loan cho biết "thật đáng tiếc" chuyến thăm đã không diễn ra và cho hay bộ này hoan nghênh các chuyến thăm cấp cao trong tương lai của các quan chức Washington.
Đài Loan khẳng định Đài Bắc sẽ tiếp tục hợp tác về môi trường với chính quyền Mỹ sắp tới để tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến thăm trong tương lai.
Trước đó, Trung Quốc luôn phản đối tất cả hình thức tương tác chính thức giữa Mỹ và Đài Loan, đồng thời cho rằng, điều này buộc Bắc Kinh đưa ra các biện pháp đáp trả cần thiết trước bất cứ chuyến thăm nào tới hòn đảo này. (Reuters)
Israel-Syria
Israel không kích tại Syria làm 8 tay súng thân Iran thiệt mạng, Damascus lên tiếng
Ngày 25/11, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, đêm 24/11, Israel đã tiến hành các cuộc không kích gần thủ đô Damascus của Syria nhằm vào một kho vũ khí và một vị trí do các lực lượng Iran và đồng minh là phong trào Hezbollah ở Lebanon kiểm soát, khiến ít nhất 8 tay súng hoạt động trong lực lượng dân quân thân Iran thiệt mạng.
Tuy nhiên, hiện quốc tịch của các tay súng thiệt mạng vẫn chưa được xác định.
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria đưa tin, Israel đã thực hiện 2 “hành động gây hấn” riêng rẽ ở miền Nam nước này và bên ngoài thủ đô Damascus vào đêm 24/11.
Theo SANA, 2 cuộc tấn công xảy ra gần ngôi làng Rwihinah ở tỉnh miền Nam Quneitra, gần Cao nguyên Golan bị chiếm đóng, và khu vực Jabal al-Manea thuộc tỉnh Damascus.
Tình hình Ethiopia
HĐBA hoãn họp về xung đột ở Tigray, châu Âu hối thúc thảo luận
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã quyết định hoãn phiên họp đầu tiên thảo luận về cuộc xung đột ở khu vực Tigray của Ethiopia, dự kiến được tổ chức vào ngày 24/11.
Một nhà ngoại giao tại châu Phi cho biết, Nam Phi, Niger, Tunisia, Saint Vincent và Grenadines đã rút yêu cầu tổ chức phiên thảo luận kín do các đại diện vẫn chưa đến Ethiopia.
Tuy nhiên, sau đó, HĐBA tuyên bố sẽ tổ chức phiên họp đầu tiên do một số quốc gia châu Âu như Pháp, Anh, Bỉ, Đức và Estonia mong muốn "nêu ra vấn đề" về cuộc xung đột kéo dài suốt nhiều tuần qua
Ngày 25/11, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed tuyên bố phản đối bất cứ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của Ethiopia, cho rằng, cộng đồng quốc tế nên đứng ngoài cuộc cho đến khi Chính phủ Ethiopia đưa ra đề nghị hỗ trợ. (AFP)
Vaccine covid-19
Lý do Tổng thống Putin chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của Nga
Ngày 24/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa thể là một trong số các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 cho đến cuối năm nay.
“Chúng tôi vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng đại trà. Tất nhiên, người đứng đầu chính phủ không thể tham gia tiêm chủng thử nghiệm với tư cách tình nguyện viên”.
Ông Peskov cho biết thêm: “Các thủ tục chứng nhận vaccine sẽ được hoàn tất và nếu cần thiết, Tổng thống sẽ thông báo cho quý vị”.
Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine Covid-19 có tên Sputnik V dù chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm thứ 3, giai đoạn quan trọng để xác định hiệu quả và mức độ an toàn.
Ngày 23/11, Trung tâm nghiên cứu nhà nước Gamaleya và Quỹ đầu tư phát triển trực tiếp Nga (RDIF) cho biết, theo kết quả phân tích tạm thời lần thứ hai đối với các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, Sputnik V đạt hiệu quả đến 95% và dự kiến có giá 10 USD/liều trên thị trường quốc tế.
Đến nay, 22.000 tình nguyện viên ở Nga đã được tiêm mũi đầu tiên và hơn 19.000 người được tiêm mũi thứ 2. (TASS)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận