Tin thế giới 21/1: Đàm phán Nga-Mỹ về Ukraine mở màn, Belarus nói không chặn máy bay RyanAir, Hàn Quốc dậy sóng vì tôn giáo
Đàm phán Nga-Mỹ về Ukraine mở màn, Belarus nói không chặn máy bay RyanAir, Hàn Quốc dậy sóng vì tôn giáo…là những tin thế giới nổi bật ngày 21/1.
Nga
Trưa ngày 21/1 tại khách sạn sang trọng President Wilson ở Geneva (Thụy Sỹ), các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ đã bắt đầu đàm phán về Ukraine, trong bối cảnh Washington ngày càng lo ngại rằng Moscow sẽ xâm lược Kiev bất chấp những cảnh báo đáp trả mạnh mẽ.
Phát biểu trước hội đàm, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố, Mỹ không hy vọng giải quyết bất đồng với Nga về Ukraine trong đàm phán tại Geneva, song hy vọng đây sẽ là phép thử xem liệu biện pháp ngoại giao có còn khả thi hay không.
Đặc biệt, ông Blinken nói với ông Lavrov rằng cùng với vấn đề Nga triển khai quân gần biên giới với Ukraine, ông cũng sẽ thảo luận về vụ hai công dân Mỹ trong cuộc gặp này. Hai công dân Mỹ nói trên tới Nga du lịch và bị bắt giữ, sau đó bị kết tội mà không có bằng chức xác thực. Ngoại trưởng Mỹ nói: “Chúng tôi một lần nữa yêu cầu Nga làm điều đúng đắn và để họ trở về nhà”.
Nga buộc tội ông Whelan - có hộ chiếu Mỹ, Anh, Canada và Ireland - là gián điệp hồi tháng 6/2020 và kết án ông 16 năm tù giam. Trong khi đó, ông Reed bị kết án 9 năm tù giam với cáo buộc gây nguy hiểm tới tính mạng của hai cảnh sát ở Moscow khi say rượu trong chuyến du lịch năm 2019. Hai bị cáo đều bác bỏ các cáo buộc này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Lavrov nói với người đồng cấp Mỹ rằng ông không mong đợi có đột phá trong các cuộc đàm phán tại Geneva, tuy nhiên ông muốn nghe phản hồi cụ thể đối với những đề nghị an ninh của Moscow.
Trước đó, trả lời CBS News (Mỹ) trên đường tới Geneva dự dàm phán Nga-Mỹ về Ukraine ngày 21/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định, nước này không sợ bất kỳ ai, kể cả Mỹ.
Cùng ngày, hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Ryabkov nêu rõ, Moscow mong nhận phản hồi bằng văn bản của Washington vào tuần tới về các đề nghị đảm bảo an ninh. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov, Nga cho rằng chính Mỹ đã khiến quan hệ song phương tiến gần tới “đường ranh giới nguy hiểm”, song hy vọng sẽ thuyết phục được Washington thay đổi cách tiếp cận. (AFP/Sputnik)
Nga muốn tránh gia tăng căng thẳng tại Đông Ukraine
Phát biểu về thông tin Quốc hội Nga sẽ tiến hành tham vấn về ý tưởng công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng ở khu vực Donbass vào tuần tới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay điều quan trọng là không cố “ghi điểm” chính trị trong tình hình mong manh như vậy.
Theo ông Peskov, Điện Kremlin không kỳ vọng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gửi phản hồi bằng văn bản cho các đề xuất đảm bảo an ninh của Nga từ phương Tây trong ngày hôm nay.
Cùng ngày, ông Peskov cho biết, hiện chưa có kế hoạch về một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy chừng nào Ukraine vẫn được “bơm” vũ khí và không tuân thủ thỏa thuận hòa bình Minsk. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng chỉ trích các nhà chức trách Ukraine đã không hoàn thành nghĩa vụ của mình và vũ khí vẫn đang được nhập khẩu vào nước này.
Về phần mình, cơ quan tình báo quân sự Ukraine đã lên tiếng cáo buộc Nga gia tăng hoạt động cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự cho vùng lãnh thổ phe ly khai kiểm soát ở Đông Ukraine, trước thềm đàm phán giữa Moscow và Washington.
Cơ quan này cho rằng, Nga “tiếp tục tăng cường năng lực tác chiến” của thành phần ly khai ủng hộ Moscow và kể từ đầu tháng này, Moscow đã cung cấp “một số xe tăng”, pháo và vũ khí khác, nhiên liệu và đạn dược cho hệ thống pháo và súng cối. (Reuters)
Belarus
Belarus khẳng định không chặn máy bay Ryanair
Hãng thông tấn quốc gia Belarus dẫn lời Tổng thống Alexander Lukashenko ngày 21/1 cho biết, nước này không chặn, bắt đổi lộ trình hay buộc một máy bay của hãng Ryanair hạ cánh hồi năm ngoái.
Đây là phản ứng đầu tiên từ phía chính quyền Minsk sau khi 4 quan chức Belarus bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố với cáo buộc có hành vi không tặc liên quan vụ ép máy bay Ryanair chuyển hướng hồi tháng 5 năm ngoái để bắt giữ một nhà báo bất đồng chính kiến.
Trước đó, Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) ngày 17/1 thông báo đã hoàn tất điều tra vụ ép máy bay hạ cánh ở Belarus năm ngoái, nhưng cuối tháng này mới công bố kết luận. (Sputnik)
Tổng thống Belarus quyết tâm tổ chức trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp
Ngày 21/1, Tổng thống Alexander Lukashenko tuyên bố trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp Belarus chỉ có thể bị trì hoãn trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Theo kế hoạch, cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức vào ngày 27/2.
Hãng thông tấn nhà nước Belta dẫn lời Tổng thống Lukashenko nói: “Trưng cầu dân ý và các sự kiện tương tự chỉ có thể không diễn ra trong một trường hợp: Nếu... một cuộc chiến bắt đầu. Tôi đã nói về điều này. Tôi không nghĩ rằng nó (chiến tranh) sẽ nổ ra. Vì thế, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý”.
Ông Lukashenko tái khẳng định rằng cả Belarus và Nga đều không muốn chiến tranh. (Sputnik)
Bán đảo Triều Tiên
Hàn Quốc: Biểu tình yêu cầu tổng thống xin lỗi vì có “thành kiến với Phật giáo”
Hàng nghìn nhà sư ngày 21/1 đã tổ chức biểu tình ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) để yêu cầu Tổng thống Moon Jae-in xin lỗi vì Chính phủ có “thành kiến với Phật giáo”.
Trước đó, Hạ nghị sĩ Jung Chung-rai của đảng Dân chủ cầm quyền đã phê phán việc các ngôi chùa nằm trong các khu vườn quốc gia thu phí vào cửa của du khách.
Nghị sĩ này đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội của Joyge Order (Thiền phái Tào Khê), giáo phái Phật giáo lớn nhất tại Hàn Quốc, vì phát biểu so sánh việc các ngôi chùa “thu phí xem tài sản văn hóa” với hành động “bán nước sông thu tiền” của một kẻ lừa đảo được nhiều người biết đến.
Theo truyền thông Hàn Quốc, các ngôi chùa nằm trong khuôn viên các công viên quốc gia đã thu phí 3.000-4.000 won/người (60.000-80.000 VND) đối với mỗi khách tham quan công viên bất kể những người này có viếng thăm các ngôi chùa hay không. Các nhà sư cho rằng họ được quyền thu phí để lấy tiền chi trả cho cơ sở vật chất của các ngôi chùa bên trong công viên.
Cuộc biểu tình hôm nay tại trụ sở của Joyge Order, trung tâm Seoul, thu hút sự chú ý của dư luận vì diễn ra vào thời điểm cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Hàn Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn “nước rút”. Làn sóng phản đối chính phủ của các tín đồ Phật giáo có thể tác động đến cơ hội thắng cử của ứng cử viên đảng cầm quyền Lee Jae-myung. Đây là lần đầu tiên sau 28 năm thiền phái này tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn sau sự kiện năm 1994 nhằm cải tổ giáo phái. (Yonhap)
LHQ đề nghị cung cấp 60 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho Triều Tiên
Ngày 21/1, một nghị sĩ Hàn Quốc cho biết Liên hợp quốc đã đề nghị cung cấp 60 triệu liều vaccine Covid-19 cho Triều Tiên thông qua cơ chế COVAX hồi tháng 12/2021. Mặc dù chưa đưa ra phản hồi chính thức, phía Triều Tiên bày tỏ mong muốn nhận được số vaccine trên.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Quốc hội Hàn Quốc Kim Kyung-hyup cho biết LHQ đã đưa ra đề xuất trên vào tháng 12/2021. Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim Song đã bày tỏ sự quan tâm, nhưng hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Theo ông Kim, LHQ đã bày tỏ sự sẵn sàng cung cấp vaccine vì nhu cầu hỗ trợ nhân đạo và hợp tác toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Vatican cũng bày tỏ sự sẵn sàng cung cấp vaccine cho Triều Tiên.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền Triều Tiên đã đóng cửa biên giới và duy trì các biện pháp hạn chế chặt chẽ. Đến nay, Bình Nhưỡng khẳng định đất nước vẫn an toàn trước virus SARS-CoV-2. Một số báo cáo gần đây của WHO cũng khẳng định Triều Tiên chưa có ca mắc Covid-19 nào. (Yonhap)
Philippines
Liên hợp quốc: Bão Rai tại Philippines nghiêm trọng hơn nhiều so với đánh giá ban đầu
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 21/1 cho biết mức độ tàn phá do cơn bão Rai gây ra ở Philippines đã bị đánh giá quá thấp trong những đánh giá ban đầu và số người “bị ảnh hưởng nghiêm trọng” trên thực tế đã tăng gấp 3 lần, lên đến 9 triệu người.
Theo Điều phối viên về nhân đạo của LHQ tại Philippines Gustavo Gonzalez, kết luận mới trên được đưa ra dựa trên 66 báo cáo đánh giá thực địa về mức độ tán phá của cơn bão, theo đó mức độ tàn phá nghiêm trọng hơn nhiều so với những đánh giá ban đầu: “Một tháng kể từ khi siêu bão Rai lần đầu tiên đổ bộ vào Philippines, chúng tôi đã nhận thức rõ việc đánh giá chưa đầy đủ về mức độ tàn phá của bão”
Cũng theo ông Gonzalez, hơn 1,5 triệu ngôi nhà ở đã Philippines bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn trong cơn bão Rai, tăng khoảng 30% so với thiệt hại vật chất do siêu bão Haiyan gây ra hồi năm 2013. Tại các khu vực bị ảnh hưởng do bão, nền kinh tế đã trở nên kiệt quệ.
Để hỗ trợ Philippines khắc phục hậu quả do bão, các tổ chức nhân đạo đang làm việc với chính phủ nước này để phân phát thực phẩm, nước uống, lều trại và vật liệu xây nhà cho người dân Philippines.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện và phương tiện liên lạc tại một số khu vực, cũng như việc ngân sách của chính phủ nước này cạn kiệt sau khi được sử dụng để ứng phó với đại dịch Covid-19, đã cản trở các nỗ lực trên. Cùng với đó là sự gia tăng số ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 cũng khiến cho công tác cứu trợ nhân đạo tại Philippines trở nên khó khăn hơn.
Bão Rai đổ bộ Philippines lần đầu tiên ngày 16/12/2021 mang theo mưa lớn và sức gió lên tới 168 km/h. Sau 8 lần đổ bộ, cơn bão thổi bay các ngôi nhà, cắt đứt giao thông ở các tỉnh miền Trung và miền Nam Philippines, gây lũ lụt, sạt lở khiến hơn 7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Số người thiệt mạng và mất tích lên tới hơn 400 người, ngoài ra có hàng nghìn người bị thương.
Nằm dọc theo vành đai bão ở phía tây Thái Bình Dương, Philippines thường xuyên hứng chịu những cơn bão lớn, nhưng khủng hoảng khí hậu đã khiến những hiện tượng này trở nên cực đoan và khó lường hơn. (Reuters)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận