Tin thế giới 18/11: Nga-Mỹ "đánh tiếng" đẩy mạnh đối thoại, tức tốc chuẩn bị thượng đỉnh; Armenia-Azerbaijan lại tranh cãi xem ai nổ súng trước
Nga-Mỹ bắt đầu 'mở lòng', Armenia và Azerbaijan tiếp tục nổ súng ở biên giới, tình hình Afghanistan... là những sự kiện thế giới nổi bật 24h qua.
Nga muốn khôi phục các kênh đối thoại với Mỹ
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, thông qua các cuộc tham vấn giữa hai bên ở cả Moscow lẫn Washington nhằm thực hiện các thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin diễn ra ở Geneva vừa qua và cho phép hai bên hiểu rõ hơn lập trường của nhau.
Tập trung vào các chuyến thăm Nga của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland và Giám đốc CIA William Burns, ông Antonov cho biết: "Chúng tôi coi những chuyến thăm này là hữu ích, bên cạnh chuyến tăm của Phó Thủ tướng Nga Alexei Overchuk tới Mỹ.”
“Chúng tôi đã bắt đầu một cuộc trò chuyện chuyên nghiệp về các vấn đề rất phức tạp như sự ổn định chiến lược và an ninh mạng, cũng như đạt được những tiến triển trong các vấn đề liên quan đến Bắc Cực và biến đổi khí hậu. Đối thoại kinh tế vẫn tiếp tục. Quan hệ giữa các nhà ngoại giao hàng đầu, các quan chức an ninh hàng đầu của hai nước cũng đang đạt được tiến triển”, ông Antonov nói.
Đại sứ Nga hy vọng rằng quá trình khôi phục các kênh liên lạc giữa hai bên sẽ tiếp tục. (TASS)
Nga bắt đầu viện trợ nhân đạo cho Afghanistan
Ngày 18/11, Đại sứ Nga tại Afghanistanl Dmitry Zhirnov xác nhận với tờ Izvestia rằng nước này đã chuyển tới Kabul lô hàng viện trợ nhân đạo đầu tiên, gồm 36 tấn thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng thiết yếu.
“Sau đó, sẽ có 2 chuyến hàng nữa. Tính chung, hơn 100 tấn hàng viện trợ nhân đạo sẽ được cung cấp”, Đại sứ Dmitry Zhirnov cho biết.
Đại sứ Nga cho biết Taliban đã đảm bảo rằng viện trợ sẽ được phân phối cho những người cần. Ông Zhirnov cũng tuyên bố rằng các công dân Nga sẽ được sơ tán khỏi Afghanistan trên các chuyến bay chở hàng quay về Nga.
Hãng thông tấn Nga mở văn phòng đại diện trên vũ trụ
Hãng thông tấn TASS của Nga sẽ là hãng truyền thông đầu tiên trên thế giới mở văn phòng đại diện trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án này vừa được Tổng Giám đốc TASS Sergei Mikhailov và người đứng đầu Tập đoàn Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin ký kết.
TASS cho biết, Anh hùng nước Nga, nhà du hành vũ trụ Alexander Misurkin sẽ là phóng viên đầu tiên của hãng này trên ISS. Nhiệm vụ của ông Alexander Misurkin là đưa tin về cuộc sống và công việc trên Trạm vũ trụ quốc tế.
Người đứng đầu Roscosmos, ông Dmitry Rogozin tin tưởng, việc mở văn phòng đại diện của TASS trên ISS có thể giúp nhiều người hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp không gian của Nga. Thông qua dự án đặc biệt của Roscosmos và TASS, độc giả có thể tìm hiểu thêm về công việc của các phi hành gia, các thí nghiệm khoa học, cũng như các chuyến bay vũ trụ…
Tướng Mỹ: Tên lửa siêu vượt âm Trung Quốc đã 'bay vòng quanh Trái Đất'
"Trung Quốc phóng một tên lửa tầm xa. Tên lửa này đã bay vòng quanh Trái Đất. Trong quá trình bay, một thiết bị lượn siêu vượt âm tách ra khỏi tên lửa và bay trở về Trung Quốc", đại tướng John Hyten, Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS phát sóng hôm 16/11.
Khi được hỏi liệu vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc có bắn trúng mục tiêu trong cuộc thử nghiệm hồi mùa hè hay không, tướng Hyten bình luận rằng thiết bị này đã hạ cánh khá gần với mục tiêu được đề ra. (CBS)
Mỹ kêu gọi các đồng minh hợp tác trong lĩnh vực không gian
Ngày 18/11, Chỉ huy Bộ Chỉ huy phòng thủ tên lửa và không gian của Mỹ, Trung tướng Daniel Karbler, đã kêu gọi Hàn Quốc và các đồng minh khác của Mỹ tăng cường hợp tác vì một môi trường không gian "an toàn, bền vững và không bị thử thách".
Tướng Karbler nêu rõ: "Bằng cách tăng cường liên minh và quan hệ đối tác, chúng ta sẽ đạt được lợi thế chiến lược không gì có thể sánh được. Qua đó, chúng ta có thể bảo vệ lợi ích chung trong một môi trường không gian an toàn, bền vững và không bị thử thách. Liên minh Mỹ-Hàn là một ví dụ tuyệt vời về sự thống nhất nỗ lực này".
Ông Karbler cũng nhấn mạnh rằng "thành công tập thể" hoàn toàn phụ thuộc vào một miền không gian "an toàn, ổn định và có thể tiếp cận được". Ông nói đó là lý do tại sao hai nước cần phải tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác để thiết lập các chuẩn mực và hành vi được chấp nhận trên toàn cầu, đồng thời đảm bảo quyền tự do hành động trong không gian mà không bị thử thách. (Yonhap)
Tình hình Afghanistan: LHQ lo ngại về khủng hoảng nhân đạo
Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Afghanistan Deborah Lyons ngày 17/11 cảnh báo Afghanistan đang 'bên bờ vực của một khủng hoảng nhân đạo' và nguy cơ gia tăng của chủ nghĩa cực đoan đến từ một nền kinh tế đang sụp đổ.
Bà Deborah Lyons cho biết, LHQ ước tính có khoảng 60% trong số 38 triệu người của Afghanistan phải đối mặt với nạn đói ở mức độ khủng hoảng trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp về lương thực có thể trở nên tồi tệ hơn trong mùa đông. GDP của Afghanistan ước tính đã giảm 40%.
Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng này có thể ngăn ngừa được bởi nguyên nhân chính là do các lệnh cấm vận với Taliban “đã làm tê liệt hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế Afghanistan”.
Bà Lyons kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm cách hỗ trợ tài chính cho người dân Afghanistan – “những người cảm thấy bị bỏ rơi, bị lãng quên và bị trừng phạt bởi những lỗi lầm không phải của họ”. “Không hỗ trợ họ sẽ là một sai lầm lịch sử”, bà Lyons cảnh báo. (Reuters)
Armenia-Azerbaijan lại tranh cãi xem ai nổ súng trước
Ngày 17/11, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết quân đội Azerbaijan đã nổ súng bừa bãi dọc theo một số khu vực của biên giới Armenia-Azerbaijan, cụ thể là ở khu vực Tavush của Armenia.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan lại cáo buộc quân đội Armenia nổ súng vào khu vực đóng quân của lực lương Azerbaijan ở khu vực Tovuz vào tối muộn ngày 17/11 (giờ địa phương).
Một lần nữa, thỏa thuận ngừng bắn giữa 2 bên lại bị phá vỡ, lần này chỉ sau vài chục tiếng. Armenia ngày 17/11 tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn với Azerbaijan sau khi nổ ra vụ giao tranh đẫm máu nhất trong vòng một năm qua trên tuyến biên giới, làm hàng chục binh sĩ hai nước thiệt mạng và bị thương.
Hiện Armenia vẫn đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm các quân nhân mất tích trong các cuộc đụng độ ở vùng Syunik, cũng như hồi hương các tù nhân chiến tranh. (TASS)
EU sẽ đàm phán với Belarus về cuộc khủng hoảng người di cư
Ngày 17/11, Ủy ban châu Âu (EC) xác nhận sẽ tham gia 'các cuộc đàm phán kỹ thuật' với Belarus về cách thức hồi hương những người di cư đang tìm cách vượt qua biên giới Ba Lan.
Trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Liên minh châu Âu (EU) Eric Mamer cho rằng Belarus cần phải cho phép tiếp cận để triển khai hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cung cấp nơi ở tạm thời cho những người di cư ở nước này. EC sẽ tổ chức các cuộc đàm phán kỹ thuật với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Di cư Quốc tế và Belarus về các hoạt động hồi hương. (Reuters)
UAE và Israel ký thỏa thuận chiến lược về phát triển tàu không người lái đa nhiệm
Tập đoàn quốc phòng EDGE của UAE và công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng IAI của Israel đã ký kết một thỏa thuận chiến lược về việc hợp tác thiết kế các tàu không người lái đa nhiệm.
Trong một tuyên bố chung, các công ty trên cho biết sẽ thiết kế tàu dịch vụ không người lái module tiên tiến "170 M", có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự và thương mại.
Thỏa thuận này được đưa ra sau khi UAE và Israel hồi năm ngoái đã thiết lập quan hệ ngoại giao, theo một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, trong đó Washington cũng nhất trí bán máy bay chiến đấu F-35 cho Abu Dhabi.
Theo thiết kế, các tàu không người lái do hai công ty này sản xuất sẽ hoạt động bán tự động và hoàn toàn tự động, thực hiện các sứ mệnh bao gồm phát hiện tàu ngầm và tác chiến chống tàu ngầm. Các tàu này cũng có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát, dò tìm và quét mìn, đồng thời làm nền tảng triển khai cho một số loại máy bay. (Al Jaazera)
Một số tin quốc tế nổi bật khác:
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận