Tin thế giới 17/1: Ukraine gửi "mệnh lệnh đạo đức" tới Đức? Nga nói Ukraine khó hiểu; Nhật Bản cứng rắn với Trung Quốc
Căng thẳng Nga-Ukraine, quan hệ Đức-Ukraine, Nga-Mỹ, chính sách đối ngoại của Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên... là một số tin thế giới nổi bật.
Đức muốn có mối quan hệ ổn định với Nga
Ngày 17/1, phát biểu trước chuyến công du Ukraine và Nga, Ngoại trưởng Đức Annalena Berbock cho hay: “Trong cuộc hội đàm ở Moscow, điều quan trọng mà tôi cần làm là nêu lên lập trường. Chính phủ mới ở Đức muốn có một mối quan hệ ổn định và cụ thể với Nga".
Theo bà, các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương cần thảo luận bao gồm khoa học, văn hoá, thương mại, các nguồn năng lượng tái tạo và chống biến đổi khí hậu.
Nữ Ngoại trưởng khẳng định, nội các Đức sẵn sàng cho một cuộc đối thoại nghiêm túc với Nga về an ninh ở châu Âu, nhưng sẽ "không thể chệch các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định Helsinki", bao gồm quyền bất khả xâm phạm của biên giới, quyền lựa chọn liên minh và từ chối các mối đe dọa như một công cụ chính sách.
Bà Berbock nhấn mạnh, "chúng tôi quyết tâm phản ứng nếu Nga chọn con đường leo thang". (TASS)
Ẩn ý với Đức đã đến lúc xem ai là bạn, Ukraine gửi "mệnh lệnh đạo đức"
Truyền thông đưa tin, ngày 16/1, trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Đức Annalena Berberke tới Kiev vào ngày 17/1, Đại sứ Ukraine tại Berlin Andrei Melnik đã thúc giục bà cam kết khẩn cấp cung cấp cho Ukraine những vũ khí phòng thủ cần thiết, tuyên bố "đây là mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo".
Theo ông Melnik, việc bà Berberk và các thành viên khác trong chính phủ Đức "miễn cưỡng" cung cấp vũ khí cho Ukraine là điều "rất khó chịu" trong bối cảnh Nga tăng cường của quân đội Nga ở khu vực biên giới.
Lưu ý rằng, người dân Ukraine biết về chính sách hạn chế vận chuyển vũ khí tới các khu vực khủng hoảng của chính quyền mới ở Đức, Đại sứ Melnik cho hay: "Người dân rất thất vọng. Bây giờ là thời điểm quan trọng để xem ai là những người bạn thực sự".
Nhà ngoại giao Ukraine cảnh báo, tình trạng nhà nước của Ukraine đang bị Nga "đe dọa" và người dân Ukraine có "quyền tự vệ thiêng liêng", đồng thời "thế giới hiện đang đối mặt với nguy cơ lớn nhất về một cuộc chiến tranh lớn và tồi tệ nhất ở giữa châu Âu kể từ năm 1945".
Trong nhiều năm, Ukraine đã yêu cầu Đức cung cấp vũ khí để chống lại cái mà họ gọi là "cuộc tấn công tiềm tàng" của Nga, song đến nay, Berlin vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn. (Diglogs/Digi24)
Moscow không cần Mỹ tham gia đối thoại Nga-Ukraine, nói Kiev khó hiểu
Ngày 17/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, rất khó để hiểu ý định của Kiev khi đề cập việc Mỹ tham gia cuộc đối thoại giữa Nga và Ukraine.
Theo ông, sự tham gia của Mỹ vào các cuộc thảo luận giữa Moscow và Kiev về các vấn đề song phương là điều không cần thiết, và cũng không có ai xác định cụ thể điều gì sẽ được thảo luận theo định dạng 3 bên, song cho rằng, "có thể Kiev có vài chủ đề để thảo luận".
Người phát ngôn Điện Kremlin cho hay, Moscow chưa biết điều Ukraine muốn thảo luận gì với Nga về Donbass, tuy nhiên khẳng định, "Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột”.
Trong khi đó, cùng ngày, Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Alexander Lukashevich cho hay, tình hình ở khu vực Donbass đang ngày càng xấu đi, "dẫn tới kết luận rằng, toàn bộ giới lãnh đạo Ukraine không loại trừ tình huống sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề".
Bình luận về các cuộc tập trận của quân đội Nga trên khắp đất nước, ông Lukashevich khẳng định, điều này không liên quan đến tiến trình giải quyết các vấn đề nội bộ của Ukraine. (Sputnik)
Đề xuất an ninh: Nga không có ý định thảo luận ở OSCE, châu Âu tỏ sẵn lòng
Ngày 17/1, Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Alexander Lukashevich cho biết, Nga không có ý định thảo luận các đề xuất đảm bảo an ninh trong khuôn khổ tổ chức này vì nó "mất đi tính chủ quan" của mình.
Phát biểu trước báo giới, ông Lukashevich nói: “OSCE là một cấu trúc vô định hình và hơn nữa, không có tư cách pháp lý quốc tế. Tổ chức này không có hiến chương hay văn kiện thành lập và trong tình trạng hiện tại, nó không có khả năng ảnh hưởng đến tình hình ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương theo bất kỳ cách nào”.
Cùng ngày, Đại sứ Pháp tại Nga Pierre Levy cho biết, châu Âu sẵn sàng thảo luận với Nga về các đề xuất đảm bảo an ninh.
Phát biểu trước báo giới, Đại sứ Levy nói: “Các ngoại trưởng châu Âu đã nhất trí những điểm chính liên quan lập trường chung của châu Âu về việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới với Ukraine và yêu cầu của Nga về đảm bảo an ninh. Lập trường rõ ràng của châu Âu là sẵn sàng thảo luận tất cả các vấn đề này với Nga với sự tôn trọng các giá trị và chủ quyền của nước này”. (Sputnik)
Ngày 16/1, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ CNN, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận, tương lai các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về an ninh châu Âu vẫn còn "bất định" và hai bên đang đi trên “những con đường hoàn toàn khác nhau”.
Tuy nhiên, cho rằng vẫn còn cơ hội để Nga và Mỹ tăng cường hiểu biết lẫn nhau, ông Peskov nhận định, sự sáng suốt cùng kinh nghiệm chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ là cơ sở tốt để các bên tiếp tục nỗ lực tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau và giúp hạ nhiệt căng thẳng.
Theo quan chức Điện Kremlin, nếu Washington thể hiện ý chí chính trị có tính đến “mối quan ngại quốc gia của Nga”, hai bên sẽ tiếp tục duy trì tiếp xúc và liên lạc, song nếu Mỹ từ chối thảo luận, các dự báo cho tương lai sẽ trở nên "bi quan".
Đề cập các cảnh báo trừng phạt của Mỹ, ông Peskov lưu ý đây sẽ là "sai lầm lớn", có thể dẫn đến việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ hai nước.
Trong khi đó, trao đổi với hãng tin CBS cùng ngày, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, trong những ngày tới, Washington sẽ đưa ra "các bước đi tiếp theo" trong quan hệ với Nga, sau khi những nỗ lực ngoại giao tăng cường không xoa dịu được mối đe dọa về một cuộc xung đột mới liên quan tới Ukraine.
Ông Sullivan cũng cho hay, Mỹ đã có một thông điệp rất rõ ràng đến Nga rằng, nếu họ xâm lược Ukraine, sẽ có những hậu quả kinh tế nghiêm trọng và cái giá lớn phải trả, đồng thời chuyển thông điệp này một cách nhịp nhàng và thống nhất với các đồng minh.
Thủ tướng Campuchia hội đàm với Tổng thư ký ASEAN
Ngày 17/1, tại thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thảo luận với Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lim Jock Hoi về các vấn đề khu vực, tập trung vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và tình hình chính trị của Myanmar.
Hai bên đã trao đổi về cách thức thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch trong thời kỳ hậu đại dịch sau khi hiệp định RCEP được 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương ký kết có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Tổng thư ký Lim cam kết hợp tác chặt chẽ với Campuchia - Chủ tịch ASEAN năm 2022 và các quốc gia thành viên khác trong khối để thực hiện RCEP một cách hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển trong khu vực ASEAN.
Ông cũng cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác đối thoại của ASEAN, đặc biệt là với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Về vấn đề Myanmar, Thủ tướng Hun Sen đã thông báo cho Tổng thư ký Lim về chuyến công du Myanmar gần đây của ông.
Nhà lãnh đạo Campuchia cho hay, chuyến công du này nhằm điều phối lệnh ngừng bắn, hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar khó khăn và mở đường cho Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar tiếp cận tất cả các bên liên quan. (THX)
Cựu Tổng thống Ukraine về nước, lập tức bị tịch thu hộ chiếu
Ngày 17/1, cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã rời Ba Lan trở về nước, nơi ông đối mặt với phiên xét xử vì tội phản quốc mà ông cho là do các đồng minh của người kế nhiệm mình (Tổng thống Volodymyr Zelenskiy) vu cáo.
Ông Poroshenko cho hay, tại khu vực kiểm soát biên giới, ông bị lực lượng biên phòng thu giữ hộ chiếu.
Phát biểu trước những người ủng hộ bên ngoài sân bay Kiev, cựu Tổng thống Ukraine nói: “Chúng ta ở đây không phải để bảo vệ Poroshenko. Chúng ta ở đây để đoàn kết và bảo vệ Ukraine”.
Vị cựu Tổng thống này kêu gọi các lực lượng dân chủ chính trị khác cùng những người ủng hộ ông "thể hiện sự thống nhất và chứng minh một đất nước Ukraine đoàn kết mạnh mẽ”.
Ông Poroshenko cho rằng, “một đất nước Ukraine mạnh mẽ” có thể “phản đối” Nga, đồng thời khẳng định chính quyền Kiev hiện nay sẽ phải chịu hình phạt thích đáng. (Sputnik, Reuters)
Nhật Bản nêu loạt ưu tiên đối ngoại, cứng rắn với Trung Quốc
Ngày 17/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã nêu bật tầm nhìn và các ưu tiên chính sách đối ngoại của chính phủ nước này trong thời gian tới tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội.
Theo đó, khẳng định liên minh Nhật-Mỹ là trụ cột của hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhật Bản cần tăng cường năng lực quốc phòng một cách cơ bản để tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và ứng phó của liên minh này.
Về Trung Quốc, Nhật Bản lưu ý, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm “đơn phương thay đổi” hiện trạng ở biển Hoa Đông, trong đó có vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Nhật Bản sẽ “có cách tiếp cận bình tĩnh nhưng cương quyết” để giải quyết. Bên cạnh đó, Tokyo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan.
Trong bối cảnh Nhật Bản và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay, Tokyo sẽ nỗ lực để thiết lập “mối quan hệ đối tác mang tính xây dựng và ổn định" với Bắc Kinh bằng cách hợp tác để đối phó với các thách thức chung.
Về Triều Tiên, Nhật Bản sẽ cố gắng đạt được một giải pháp toàn diện cho các vấn đề như Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980, cũng như các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đối với Hàn Quốc, Ngoại trưởng Hayashi thừa nhận, quan hệ ngoại giao song phương đang ở “trong tình trạng cực kỳ xấu”, cho rằng Seoul cần “thực hiện đầy đủ các cam kết của mình” và Tokyo sẽ tiếp tục thúc giục Hàn Quốc “có các hành động thích hợp”.
Ông Hayashi cũng cam kết hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời tuyên bố, Nhật Bản sẽ tăng cường các nỗ lực hướng tới mục tiêu này thông qua việc phối hợp với các đồng minh và đối tác như Australia, Ấn Độ, ASEANvà các quốc gia châu Âu. (Kyodo)
Hội đàm giữa Tổng thống Hàn Quốc và Thái tử UAE bị hủy
Theo hãng tin Yonhap, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed Al-Nahyan của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), dự kiến diễn ra ngày 17/1 đã bị hủy do "vấn đề quốc gia không thể lường trước".
Một quan chức chính phủ Hàn Quốc giấu tên cho biết, hiện vẫn chưa rõ lý do vì sao phía UAE hủy các cuộc gặp đã được lên kế hoạch.
Tổng thống Hàn Quốc đang ở thăm UAE trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài một tuần tới Trung Đông. Theo lịch trình, ngày 17/1, Tổng thống Moon Jae-in sẽ có bài phát biểu quan trọng về trung hòa carbon tại Tuần lễ Bền vững Abu Dhabi và hội đàm với Thái tử Abu Dhabi về các biện pháp tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng và y tế.
Vụ phóng này cách lần phóng thử mới nhất chỉ 3 ngày và là vụ phóng thứ 4 của Bình Nhưỡng chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần. Các vụ phóng thử trước đó lần lượt diễn ra vào ngày 5/1, 11/1 và 14/1. Trong các vụ phóng thử ngày 5 và 11/1, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm “tên lửa siêu thanh”. (Yonhap)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận