Tin thế giới 15/10: EU sắp ‘tung đòn mới’ vào Belarus; Trung Quốc bỗng trở thành ‘tâm điểm’ bị chỉ trích; Đức phát hiện sai phạm trong cuộc bầu cử
Căng thẳng EU-Belarus; Nga-Trung Quốc tập trận trên biển Nhật Bản; Đức phát hiện sai phạm bầu cử... là những sự kiện thế giới nổi bật 24h qua.
EU sắp thông qua gói trừng phạt mới đối với Belarus
Theo nguồn tin trong cơ quan đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), khối này sẽ tung ra một đợt trừng phạt mới nhắm vào Belarus.
"Chúng tôi đang nghiên cứu gói trừng phạt tiếp theo chống lại Belarus. Nó sẽ được thông qua vào tháng 11", nguồn tin cho biết.
Nguồn tin cho biết thêm, Ngoại trưởng các nước thành viên EU sẽ nhóm họp vào thứ Hai tới (18/10) để thảo luận thêm về tình hình ở Belarus. (TASS)
Nga-Trung tập trận hải quân chung ở Biển Nhật Bản
Bộ Quốc phòng Nga thông báo, ngày 15/10 nước này và Trung Quốc đã tổ chức tập trận hải quân chung ở Biển Nhật Bản, diễn tập cách thức phối hợp tác chiến và phá hủy thủy lôi nổi của đối phương bằng hỏa lực pháo binh.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận hợp tác hải quân giữa hai nước diễn ra từ ngày 14-17/10, với sự tham gia của các tàu chiến và tàu hỗ trợ (bao gồm cả tàu quét mìn và tàu ngầm) từ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.
Theo thông báo trên, 2 tàu khu trục, 1 tàu ngầm và 2 tàu hộ tống của Trung Quốc nằm trong số các tàu mà Bắc Kinh cử đến tham gia cuộc tập trận, đã thả neo ở vùng viễn Đông Nga từ trước đó.
Bộ trên cũng cho hay, lực lượng phối hợp này sẽ thực hành bắn vào các mục tiêu giả định giống như tàu nổi của đối phương và tổ chức hoạt động diễn tập phòng không liên quan đến các máy bay chiến đấu đa năng SU-30SM và máy bay trực thăng của Nga. (Reuters)
Nhật Bản gửi công hàm phản đối Nga
Ngày 15/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho biết, Tokyo đã trao công hàm phản đối cho Moscow sau khi Phó Thủ tướng Nga Dmitry Grigorenko tới thăm đảo Iturup thuộc quần đảo Kuril mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Motegi khẳng định: “Chúng tôi đã trao công hàm phản đối. Chuyến thăm này đi ngược lại quan điểm không thay đổi của Nhật Bản đối với Vùng lãnh thổ phương Bắc và là điều không thể chấp nhận được”.
Tuy nhiên, ông Motegi cũng cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm, trong đó hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết tiếp tục các cuộc thảo luận về hiệp ước hòa bình.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Nga lâu nay vẫn căng thẳng trong bối cảnh hai nước chưa ký hiệp ước hòa bình sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Trở ngại chính là do tranh chấp chủ quyền biển đảo. (Sputnik)
Mỹ tìm cách tránh để chính phủ vỡ nợ
Ngày 14/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký và ban hành một luật tạm thời mới, nâng mức trần nợ công lên 28.900 tỷ USD. Động thái này sẽ giúp chính phủ Mỹ tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ cho tới ngày 3/12.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, hành động nâng trần nợ công không làm gia tăng chi tiêu Chính phủ, mà mở ra cho Bộ Tài chính dư địa tài chính rộng lớn hơn để tài trợ cho các hoạt động đã được Quốc hội phê duyệt.
Tuy tạm tránh được nguy cơ vỡ nợ trong tháng này nhưng luật chỉ giúp Chính phủ hoạt động duy trì đến ngày 3/12, thời điểm ngân sách cho hầu hết chương trình liên bang hết hạn, theo dự luật ngân sách tạm thời được thông qua hồi đầu tháng này.
Trong nhiều năm qua, nâng trần nợ công là một vấn đề gây tranh cãi tại Quốc hội Mỹ. Nợ trần là mức giới hạn tổng số tiền mà Chính phủ liên bang Mỹ được phép vay nợ. (Reuters)
Pháp kêu gọi Mỹ cắt thuế với châu Âu
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 14/10 đã kêu gọi Mỹ chấm dứt căng thẳng thương mại với châu Âu, nhấn mạnh rằng một nước Pháp mạnh và một châu Âu mạnh là điều có lợi cho Mỹ.
Ông Le Maire nêu rõ quan điểm của ông về các vấn đề thương mại là rất rõ ràng - cần loại bỏ những căng thẳng giữa hai phía nhanh nhất có thể.
Căng thẳng chính trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và châu Âu vẫn là về thép và nhôm.
Tháng 6/2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế trừng phạt 25% lên thép và 10% lên nhôm, do những lo ngại về an ninh quốc gia. Tuy rằng ông Joe Biden đã nhậm chức từ tháng 1, nhưng hiện vẫn chưa có động thái dỡ bỏ các loại thuế trên. (AFP)
Mỹ nêu quan điểm về chính sách ‘Một Trung Quốc’
Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây giải thích rằng, Washington ủng hộ "chính sách một Trung Quốc" chứ không ủng bộ "nguyên tắc một Trung Quốc" của chính quyền Đại lục.
Trong một cuộc họp báo, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John F. Kirby đã được yêu cầu bình luận về các vụ xâm phạm đang diễn ra của máy bay chiến đấu Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Ông cũng được hỏi liệu Mỹ có nhận thấy mối quan ngại đó và hành động nào đang được thực hiện để xoa dịu tình hình hay không.
Ông Kirby khẳng định, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự "nhằm hăm dọa và gây sức ép với Đài Loan" ở khu vực lân cận, cũng như trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông nhắc lại tuyên bố của Ngoại trưởng Antony Blinken rằng cách hành xử như vậy là "gây bất ổn" và rất dễ dẫn tới những "tính toán sai lầm".
Đồng thời, Thư ký Báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước tiếp tục ủng hộ Đài Loan trước các mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc. (Taiwan News)
Trung Quốc nói Mỹ là thủ phạm gây ra căng thẳng với Ấn Độ và Đài Loan
Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt các thách thức như căng thẳng ở Eo biển Đài Loan đang leo thang, nguy cơ xung đột biên giới với Ấn Độ, và các sức ép địa chính trị.
Theo truyền thông Trung Quốc, sự việc tái diễn giao tranh ở biên giới diễn ra cùng thời điểm căng thẳng leo thang ở Eo biển Đài Loan không phải là ngẫu nhiên.
Hầu hết các phương tiện truyền thông quốc gia đều đổ lỗi cho Mỹ là thủ phạm đứng sau sức ép liên tục tới Trung Quốc. Trang CNN thì nhận định, đây là một “câu trả lời quen thuộc” đến từ Bắc Kinh. (CNN)
Australia cáo buộc Trung Quốc vi phạm Hiệp ước Nam Cực
Australia tuyên bố sẽ "khẳng định quyền" của nước này ở Nam Cực trong bối cảnh xuất hiện các cáo buộc rằng Trung Quốc đang có các hành vi gây cản trở sự đồng thuận, phá hoại hệ thống hiệp ước bảo vệ vùng hoang dã cuối cùng của thế giới và giữ cho vùng này không bị quân sự hóa.
Ngày 15/10, Bộ trưởng Môi trường Australia Sussan Ley cho biết, Australia sẽ luôn khẳng định quyền của mình trong Hệ thống Hiệp ước Nam Cực và "không cho phép" bất kỳ hành vi nào phá hoại nguyên tắc đồng thuận, vốn là nền tảng của Hiệp ước kể từ năm 1961.
Các chuyên gia Nam Cực cáo buộc Trung Quốc và Nga phá hoại sự đồng thuận trong việc quản lý Nam Cực bằng cách liên tục ngăn chặn các biện pháp chủ chốt như thành lập công viên biển, giới hạn đánh bắt nhuyễn thể và cá răng, cũng như lập danh sách đen các tàu đánh cá bất hợp pháp.
Bà Ley khẳng định Australia sẽ không từ bỏ đề xuất thành lập một công viên biển Đông Nam Cực, mặc dù thừa nhận rằng đề xuất có khả năng bị Trung Quốc ngăn chặn tại hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Hobart, bang Tasmania vào tuần tới. (The Australian)
Trung Quốc sẽ không tham dự COP-26
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã được thông báo rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham sự hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP-26).
COP-26 sẽ diễn ra từ ngày 31/10-12/11 tới tại Glasgow, Scotland.
Vương quốc Anh, với tư cách là nước chủ nhà, đang tìm cách nhận được sự ủng hộ của các nước lớn cho một kế hoạch quyết liệt hơn để đối phó với biến đổi khí hậu. (Reuters)
Bầu cử Đức phát hiện sai phạm
Ngày 14/10, tại cuộc họp của Ủy ban bầu cử tiểu bang Berlin, quan chức phụ trách bầu cử Petra Michaelis đã nộp đơn xin từ chức và thừa nhận, những vi phạm quy định bầu cử xảy ra ở hai quận thuộc tiểu bang này có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm phiếu.
Bà Petra Michaelis đã đưa vấn đề vi phạm ở hai quận Friedrichshain/Kreuzberg và Charlottenburg/Wilmersdorf lên Tòa án Hiến pháp bang và hiện đang chờ quyết định cuối cùng xem liệu hai quận trên có phải tổ chức lại bầu cử hay không.
Theo bà Michaelis, do có sự chênh lệch sít sao về số phiếu bầu giữa các ứng cử viên về nhất và về thứ hai, các vấn đề về bầu cử cần phải được xem xét lại.
Phát biểu với tờ Heilbronner Voice của Đức, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử quốc hội Patrick Sensburg thừa nhận có những vi phạm khách quan. Hiện đã có một số lời kêu gọi tổ chức lại toàn bộ cuộc bầu cử quốc hội vừa qua. (DW)
Armenia cáo buộc Azerbaijan tấn công ở khu vực tranh chấp
Ngày 15/10, Armenia cho biết 6 binh sĩ nước này đã bị thương do vụ tấn công của lực lượng Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh, tâm điểm của cuộc chiến năm ngoái.
Trên tài khoản Facebook, thanh tra viên nhân quyền Armenia Arman Tatoyan cho hay "6 quân nhân đã bị thương trong vụ tấn công của lực lượng vũ trang Azerbaijan" ở cộng đồng Nor Shen thuộc khu vực Nagorno-Karabakh, trong đó 2 người đang trong tình trạng nguy kịch...
Ông Tatoyan nói: "Sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Azerbaijan trong vùng lân cận của các cộng đồng dân sự Armenia gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và hòa bình của dân thường Armenia, đây là sự vi phạm quyền sống của họ".
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan phủ nhận mọi vai trò trong vụ này, đồng thời cho hay "đã có một vụ xả súng giữa các đơn vị vũ trang bất hợp pháp của Armenia". (AFP)
Đặc phái viên ASEAN về Myanmar sẽ không được gặp bà Aung San Suu Kyi
Người phát ngôn quân đội Myanmar Zaw Min Tun cho biết, nước này sẽ không chặn đặc phái viên của ASEAN tới thăm, song không cho phép nhân vật này gặp cựu lãnh đạo San Suu Kyi hiện đang bị giam giữ.
Cụ thể, ông Zaw Min Tun khẳng định, việc Liên hợp quốc chưa phê duyệt đề cử đại sứ đại diện cho chính quyền mới ở Myanmar là có động cơ chính trị. Ông Zaw Min Tun cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế “nên tránh các tiêu chuẩn kép khi tham gia vào các vấn đề quốc tế”.
Người phát ngôn quân đội Myanmar khẳng định, hệ thống tư pháp của nước này là công bằng, độc lập và sẽ xử lý trường hợp của bà Aung San Suu Kyi một cách phù hợp và không cho phép đặc phái viên của ASEAN tiếp cận bà San Suu Kyi.
Trong khi đó, Đặc phái viên của ASEAN về Myanmar Erywan Yusof hy vọng sẽ đến thăm đất nước này trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào cuối tháng 10.
Ông gọi động thái không phối hợp của chính quyền mới ở Myanmar giống như việc phản đối các kế hoạch của ASEAN và một số quốc gia thành viên đang tỏ ra quan ngại sâu sắc. (Reuters)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận