Tin thế giới 12/1: Khai mạc cuộc họp Hội đồng NATO-Nga; Nga nói Mỹ là người chịu trách nhiệm giảm căng thẳng toàn cầu; Triều Tiên tăng cường sức mạnh
Nga-NATO nhóm họp, Nga nói Mỹ chịu trách nhiệm giảm căng thẳng toàn cầu, Triều Tiên tăng cường quân sự... là những sự kiện thế giới nổi bật 24h qua.
Khai mạc cuộc họp Hội đồng Nga-NATO tại Brussels
Ngày 12/1 cuộc họp Hội đồng Nga-Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khai mạc ở thủ đô Brussels của Bỉ. Phái đoàn cấp cao của hai bên sẽ thảo luận về những đảm bảo an ninh ở châu Âu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO đang diễn ra là một "cơ hội kịp thời" cho các cuộc đàm phán vào "thời điểm quan trọng" đối với an ninh châu Âu.
“Đây là cơ hội kịp thời để đối thoại vào một thời điểm quan trọng đối với an ninh châu Âu. Khi căng thẳng lên cao, điều quan trọng hơn là chúng ta phải ngồi xuống cùng nhau và giải quyết những vấn đề quan ngại", ông Stoltenberg viết trên Twitter. (Sputnik)
Nga khẳng định Mỹ chưa sẵn sàng thảo luận vấn đề mở rộng NATO
Sau cuộc đàm phán Nga-Mỹ tại Geneva, trao đổi với Báo Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cho hay Mỹ chưa sẵn sàng thảo luận các đề xuất của Nga về cấm các nước mới gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng Mỹ chưa sẵn sàng chiến đấu cho mục tiêu đó.
Ông Kosachev nói: “Người Mỹ hoàn toàn quyết tâm mở rộng ranh giới ảnh hưởng của họ trên thế giới và cách chủ động nhất là mở rộng NATO. Đây là chiến lược của Mỹ, mà theo tôi sẽ không thay đổi trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bởi vì đây là con đường của Mỹ hướng tới thế giới đơn cực. Mỹ sẽ không gỡ bỏ mục tiêu này khỏi chương trình nghị sự. Nhưng để theo đuổi nó, Mỹ không sẵn sàng chiến đấu cho mục tiêu như vậy mà chỉ sẵn sàng sàng 'lôi hạt dẻ ra khỏi lửa bằng tay của người khác'”. (TASS)
Nga: Giảm căng thẳng toàn cầu phụ thuộc vào Mỹ
Trên kênh Telegram, ngày 12/1, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin viết rằng, Mỹ nên ủng hộ các đảm bảo an ninh do Nga đề xuất hoặc chịu trách nhiệm cho việc từ chối làm điều đó, việc giảm căng thẳng toàn cầu hiện phụ thuộc vào hành động của Washington.
Ông Volodin lưu ý rằng, "Washington ngày nay giống như một con voi trong một cửa hàng toàn đồ sứ - đang phá hủy hệ thống an ninh quốc tế vốn được xây dựng kỹ lưỡng theo thời gian để tránh tái diễn cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II". Ông nhắc lại rằng, trước đó Mỹ đã "đơn phương rút khỏi các hiệp định quốc tế quan trọng nhất cho phép duy trì sự cân bằng chiến lược và quân sự trên toàn thế giới".
Chủ tịch Duma cũng chỉ ra rằng, Mỹ, qua mặt Liên hợp quốc, "đưa ra quyết định ném bom các quốc gia có chủ quyền, xâm lược lãnh thổ của các quốc gia khác". Ngoài ra, "OSCE, với tư cách là một tổ chức được cho là đảm bảo an ninh ở châu Âu - đang xuống cấp".
Ông Volodin nêu rõ: "Cách thoát khỏi tình hình hiện tại - việc giảm căng thẳng toàn cầu - giờ đây phụ thuộc vào hành động của Mỹ. Mỹ nên ủng hộ các biện pháp an ninh do đất nước chúng tôi đề xuất hoặc chịu trách nhiệm về những hậu quả có thể xảy ra khi không có các cam kết đó. Biện pháp phản hồi của Washington phải cụ thể và có căn cứ, không kéo dài quá trình xử lý". (TASS)
Hàn Quốc, Mỹ thảo luận về quan hệ đồng minh và an ninh khu vực
Ngày 12/1, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị Hàn Quốc Yeo Seung-bae và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink đã có cuộc điện đàm toàn diện thảo luận về quan hệ đồng minh và các vấn đề khác trên Bán đảo Triều Tiên.
Trên tài khoản mạng xã hội, ông Kritenbrink viết: "Tôi đã có một cuộc trò chuyện tuyệt vời với Thứ trưởng Ngoại giao Yeo về mối quan hệ Mỹ-Hàn và sự phối hợp chặt chẽ của chúng tôi đối với những thách thức chung của khu vực và toàn cầu".
Đề cập việc Triều Tiên có nằm trong nội dung thảo luận hay không, quan chức trên cho biết, hai bên đang tham vấn chặt chẽ về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm vấn đề Bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)
Chủ tịch Triều Tiên kêu gọi tăng cường sức mạnh quân sự
Ngày 11/1, Triều Tiên xác nhận đã thực hiện thành công vụ bắn thử cuối cùng một loại tên lửa siêu vượt âm mới, sau vụ phóng thử đầu tiên ngày 5/1 vừa qua.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã thị sát vụ phóng, bày tỏ "kỳ vọng lớn" rằng các chuyên gia nghiên cứu tên lửa sẽ giúp "tăng cường năng lực răn đe chiến tranh của đất nước với những thành tựu nghiên cứu khoa học cực kỳ hiện đại" của mình.
Ông Kim Jong-un cũng một lần nữa nhấn mạnh "sự cần thiết phải tăng tốc hơn nữa nỗ lực nhằm xây dựng vững chắc năng lực quân sự chiến lược của đất nước cả về chất lượng và số lượng". (Reuters)
Ấn Độ, Trung Quốc bắt đầu vòng đàm phán mới về biên giới
Ngày 12/1, Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu vòng đàm phán thứ 14 cấp tư lệnh quân đoàn để giải quyết cuộc xung đột biên giới kéo dài 20 tháng ở khu vực Ladakh.
Theo tin trên, vòng đàm phán thứ 14 đang diễn ra tại địa điểm Chushul-Moldo bên phía Đường kiểm soát thực tế (LAC) của Trung Quốc.
Ngay trước khi diễn ra vòng đàm phán mới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho hay, tình hình biên giới giữa nước này với Ấn Độ nhìn chung ổn định và các bên đang duy trì đối thoại thông qua các kênh ngoại giao và quân sự. (Sputnik)
OSCE hối thúc Armenia, Azerbaijan kiềm chế sử dụng vũ lực
Chủ nhiệm văn phòng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Zbigniew Rau cho biết, tổ chức này đã hối thúc Armenia và Azerbaijan kiềm chế sử dụng vũ khí và tham gia vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa để giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh.
Hãng thông tấn nhà nước Armenpress của Armenia dẫn lời ông Rau nêu rõ: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Nam Caucasus. Chúng tôi kêu gọi Armenia và Azerbaijan kiềm chế sử dụng vũ lực và tham gia vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa để giải quyết tranh chấp xung quanh Nagorno-Karabakh.
Ba Lan với tư cách là Chủ tịch OSCE cam kết làm việc với các đối tác để đổi mới và tăng cường các nỗ lực nhằm thiết lập hòa bình lâu dài và thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực”. (Sputnik)
Thủ tướng Haiti bị yêu cầu từ chức
Ngày 11/1, Đảng Thống nhất Quốc gia Haiti Inité yêu cầu Thủ tướng nước này Ariel Henry từ chức, đồng thời cáo buộc người đứng đầu chính phủ liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moïse hồi tháng 7/2021.
Inité cảnh báo việc Thủ tướng Henry tiếp tục nắm giữ quyền lực sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp cho đất nước và nhận định chuyến thăm mới đây của ông này tới thành phố Gonaïves phản ánh tham vọng, cũng như sự sẵn sàng lãng phí các nguồn lực của nhà nước. (New York Times)
WHO cảnh báo vẫn còn quá sớm để xem Covid-19 như cúm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/1 cảnh báo biến thể Omicron đang trên đà lây nhiễm cho hơn phân nửa người châu Âu, nhưng chưa đến lúc nên xem Covid-19 như là một bệnh dịch địa phương đặc hữu như bệnh cúm.
Đánh giá tình hình dịch Covid-19 ở châu Âu, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cho biết: “Với đà này, Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) dự báo hơn 50% dân số trong khu vực sẽ bị nhiễm Omicron trong 6 đến 8 tuần tới”.
Dù thời gian qua xuất hiện các bằng chứng cho thấy biến thể Omicron ảnh hưởng đến đường hô hấp trên nhiều hơn là phổi, gây nên các triệu chứng nhẹ hơn các biến thể trước đây, nhưng WHO thận trọng nói rằng, cần phải tiến hành thêm nhiều cuộc nghiên cứu nữa để chứng minh điều này. (Reuters)
Một số tin quốc tế nổi bật khác:
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận