menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Hoàng Sơn

Tin mới về dịch Covid-19 ngày 23/11: Thêm địa phương thí điểm điều trị F0 tại nhà

Từ ngày 22/11, tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu triển khai thí điểm điều trị F0; cách ly F1 tại nhà riêng hoặc các khu vực mà người bị cách ly lựa chọn.

{Tiếp tục cập nhật}

Cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị

Trong điều trị Covid-19 cho người dân, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định cơ quan này đã cơ bản đảm bảo đủ trong cả 4 giai đoạn dịch.

Với một số loại thuốc thiếu trên quy mô toàn cầu như dịch lọc máu liên tục, Bộ Y tế đã có giải pháp tăng cường nhập khẩu. Trong giai đoạn dịch căng thẳng, số lượng nhập khẩu đã tăng 200%, đồng thời, Bộ Y tế cũng hướng dẫn các cơ sở nghiên cứu, sản xuất sản phẩm này, nên đã giải quyết được việc thiếu cục bộ.

Đặc biệt, với một số liệu pháp mới, thuốc mới có hiệu quả vượt trội trong điều trị bệnh nhân Covid-19 như sử dụng các thuốc kháng virus (Remdesivir, Favipiravir, Molnupiravir), các kháng thể đơn dòng, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu thành phẩm và nguyên liệu để nghiên cứu và sản xuất, kịp thời phục vụ điều trị và nghiên cứu trong nước.

Tính đến nay, Bộ đã cho nhập 2,2 triệu lọ (khoảng 100 nghìn liều) Remdesivir; 9,5 triệu viên thử lâm sàng Molnupiravir (khoảng 470 nghìn liều) và 2 triệu viên Favipiravir (cao hơn so với nhu cầu của khối điều trị chỉ là 1,3 triệu viên).

Với kháng thể đơn dòng, Bộ Y tế đã cho nhập 109 nghìn hộp Tolicizumab (khoảng 30 nghìn liều); 16,5 nghìn hộp Casirivimab and Imdevimab (khoảng 33 nghìn liều). Riêng các thuốc kháng virus đã được cấp phép và nhập khẩu đủ đáp ứng nhu cầu hiện tại và sẵn sàng dự phòng cho các tình huống dịch.

Thuốc Molnupiravir giúp giảm 50% bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Vì thế, để kịp thời cấp phép thuốc Molnupiravir phục vụ điều trị, Bộ Y tế đã trình Chính phủ cơ chế cấp phép đối với thuốc điều trị Covid-19 với việc thừa nhận kết quả thẩm định, cấp phép của nước SRA để cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Ngoài ra, thuốc điều trị Covid-19 sản xuất trong nước tương tự thuốc đã được cấp phép lưu hành tại nước SRA (cùng hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng) được cho phép miễn thử nghiệm lâm sàng để cấp phép lưu hành.

Bộ Y tế cũng đã cấp phép để các doanh nghiệp đã nhập 8,95 triệu viên thuốc chứa Molnupiravir (tương ứng 447.400 liều) để thử nghiệm lâm sàng và điều trị thử nghiệm.

Ngoài ra, Bộ còn cấp phép nhập khẩu 10.369,07 kg Molnupiravir cho 39 cơ sở sản xuất trong nước để nghiên cứu sản xuất thuốc. Điều quan trọng là, nếu việc nghiên cứu thành công và được chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ có khoảng 26 triệu viên tương ứng cho 1,3 triệu liều.

Cần Thơ: Ca mắc Covid-19 tăng nhanh, lập 50 đội y tế lưu động

Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, trong ngày 22/11, địa phương này ghi nhận 989 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Số ca nhiễm Covid-19 ở Cần Thơ từ ngày 8/7 đến nay là 18.172 ca.

Trong số ca mắc mới, 433 có ca cách ly tại nhà, 49 ca trong khu cách ly, 338 ca ở khu phong tỏa, 115 ca tầm soát ở cơ sở y tế và 54 ca tầm soát cộng đồng. Trong ngày, có 237 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi lên 9.567 người.

Nhằm hỗ trợ cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 và theo dõi F1 cách ly tại nhà, UBND TP.Cần Thơ vừa ban hành quyết định thành lập 50 đội y tế lưu động. Mỗi đội y tế lưu động sinh viên và bác sĩ của Trường Đại học Y dược Cần Thơ hỗ trợ hoạt động.

Để 50 đội y tế lưu động hoạt động hiệu quả từ đầu, UBND TP.Cần Thơ đề nghị Trường Đại học Y dược Cần Thơ hỗ trợ 200 nhân sự là sinh viên y dược và 10 bác sĩ tham gia hoạt động.

Đội y tế lưu động chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Trung tâm Y tế quận, huyện và thực hiện công tác giám sát theo dõi F1 cách ly y tế tại nhà, F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng ở mức độ nhẹ được quản lý cách ly, điều trị tại nhà trên địa bàn được phân công.

Đội sẽ hỗ trợ trạm y tế trong công tác khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe, cấp phát thuốc, lấy mẫu xét nghiệm cho F1 và F0 được quản lý cách ly, điều trị tại nhà.

Bên cạnh đó, các đội y tế lưu động còn hỗ trợ trạm y tế phát hiện các trường hợp F0 có dấu hiệu diễn biến nặng để kịp thời phân loại, báo cáo trạm y tế liên hệ với cơ sở thu dung, điều trị để chuyển tuyến người bệnh.

Các đội vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia giám sát, kiểm tra, theo dõi và tuân thủ các quy định trong việc cách ly y tế F1 và quản lý, cách ly điều trị F0 tại nhà.

Bắc Ninh: Tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu

Tỉnh Bắc Ninh đã ra văn bản về việc tạm dừng hoạt động đối với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ; tạm dừng tổ chức tiệc cưới (mời khách).

Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu dừng hoạt động đối với các dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, phòng tập thể hình, yoga, spa…

Các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ chỉ cho phép bán hàng mang về, không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người đến hết ngày 30/11.

Tạm dừng hoạt động tổ chức tiệc cưới (mời khách) cho đến khi có thông báo mới.

Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 21h đến 4h sáng hôm sau, trừ các trường hợp: thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về,… (phải có giấy tờ liên quan như: thẻ nhân viên, giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh khác).

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ bắt buộc phải yêu cầu khách hàng quét mã QR, đồng thời phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K; kịp thời phát hiện F0.

Quản lý hiệu quả việc cách ly tại nhà, các cơ sở cách ly tập trung, tuyệt đối không để lây lan trong các khu, điểm cách ly và từ các khu, điểm cách ly ra cộng đồng. Chuẩn bị dự phòng các cơ sở cách ly, điều trị F0 mới không triệu chứng trong trường hợp bùng phát dịch.

Bạc Liêu: Những người chưa tiêm vắc-xin không được ra ngoài

Trước nguy cơ dịch bệnh gia tăng khi số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng liên tục tăng cao, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành quyết định siết chặt một số hoạt động trên địa bàn tỉnh từ ngày 21/11.

Cụ thể, tỉnh Bạc Liêu yêu cầu không tổ chức các hoạt động tập trung trên 10 người kể cả trong nhà và ngoài trời, ngoài phạm vi công sở, cơ sở y tế, điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Mọi người không được ra đường từ 20h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau trừ một số lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, khẩn cấp.

Đối với các cơ sở, quán ăn, uống, nhà hàng chỉ được bán mang về và chỉ được phép hoạt động từ 4h sáng đến 19h hằng ngày; chợ truyền thống, chợ đầu mối phải được phân luồng và kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch.

Đồng thời, chính quyền các xã, phường, thị trấn phát phiếu đi chợ, hoặc các hình thức khác phù hợp cho các hộ gia đình trên địa bàn.

Người dân được đi chợ (hoặc siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng) tối đa 2 lần/tuần khi khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, khi được tiêm đủ 2 liều vắc-xin hoặc khi đã tiêm 1 liều vắc-xin trên 14 ngày.

Người được tiêm 1 liều vắc-xin dưới 14 ngày thì chỉ được đi chợ tối đa 1 lần/tuần. Những người chưa tiêm vắc-xin thì không được đi chợ. Chính quyền cấp xã cấp phát thẻ đi chợ và tổ chức đi chợ hộ hoặc các hình thức khác phù hợp cho người dân trên địa bàn khi có yêu cầu.

Hà Nam ghi nhận thêm 12 F0 liên quan đến ổ dịch cũ tại khu công nghiệp

Tối 22/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam công bố thêm 24 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đó có 10 trường hợp liên quan đến ổ dịch cũ tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II; 2 trường hợp mới ghi nhận tại một doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Đồng Văn III; 3 bệnh nhân chăm người nhà tại Bệnh viện Dã chiến số 1 Lam Hạ và 5 trường hợp trở về từ các địa phương khác.

Luỹ kế kể từ ca bệnh BN687.470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP. Phủ Lý vào chiều 19/9 đến nay, Hà Nam ghi nhận 1.276 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.

Phân tích dịch tễ cho thấy các ca bệnh được phát hiện tập trung chủ yếu ở TP Phủ Lý với 664 trường hợp; huyện Thanh Liêm 126 trường hợp; huyện Kim Bảng 54 trường hợp; Bình Lục 52 trường hợp; huyện Lý Nhân 31 trường hợp và huyện Duy Tiên 40 trường hợp.

Ngoài ra, có 181 ca bệnh ghi nhận trong khu công nghiệp và 108 F0 phát hiện tại các công ty, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

Vĩnh Phúc thí điểm điều trị F0, cách ly F1 tại nhà riêng

Từ ngày 22/11, tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu triển khai thí điểm điều trị F0; cách ly F1 tại nhà riêng hoặc các khu vực mà người bị cách ly lựa chọn (nhà riêng, nhà văn hóa, nhà dân thuê...) theo quy định của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành y tế.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các địa phương phải ứng phó linh hoạt, sáng tạo, kịp thời thông qua việc thích ứng với từng trường hợp cụ thể, từng ổ dịch cụ thể, phải có các biện pháp linh hoạt ứng phó kịp thời để bảo đảm nhanh nhất, kịp thời tách F0 ra khỏi cộng đồng, bảo đảm an toàn cho người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh xác định chuyển trạng thái từ kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính, giới nghiêm, cấm, dừng hoạt động, sang trạng thái tuân thủ tự giác, tự nguyện, tự kiểm soát, kiểm tra theo cơ chế xác suất và xử lý nghiêm các vi phạm.

Chuyển từ kiểm soát phân vùng theo địa giới hành chính (lập chốt chặn) sang hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, xác lập cơ chế tự kiểm soát tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong từng gia đình.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải triển khai xét nghiệm sàng lọc tầm soát SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên định kỳ ít nhất 3-5% hằng tuần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tăng tỷ lệ xét nghiệm khi xuất hiện các nguy cơ cao hơn.

Các cơ quan, đơn vị hoàn thiện ngay tủ thuốc và nội quy phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị. Bảo đảm sẵn sàng cơ số kit test nhanh kháng nguyên để kiểm soát dịch bệnh tại cơ quan mình.

Các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tự thành lập tủ thuốc thiết yếu phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ động tự thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên định kỳ hằng tuần hoặc ngay khi ra/vào tỉnh, khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao để tự bảo vệ bản thân, gia đình mình.

Nếu xuất hiện F0 trên địa bàn, chậm nhất sau 2 giờ phải đưa ngay vào cơ sở điều trị. Chậm nhất sau 24 giờ phải rà soát toàn bộ khu vực có liên quan, tách các F0 khác (nếu có) ra khỏi cộng đồng; chậm nhất sau 72 giờ đưa địa phương trở về trạng thái bình thường mới.

Thực hiện nghiêm 4 tại chỗ: thẩm quyền tại chỗ, nhân lực tại chỗ, phương tiện tại chỗ, gắn trách nhiệm tại chỗ.

Chủ tịch UBND/Trưởng ban chỉ đạo cấp huyện được toàn quyền quyết định các vấn đề xử lý cục bộ, nội bộ tại địa phương theo quy định (cho dừng học, cho dừng hoạt động, khoanh vùng, quyết định người đi cách ly y tế tập trung, cách ly y tế tại nhà...) bằng các biện pháp cấp bách, tạm thời phù hợp trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó phải nhanh chóng khôi phục trạng thái “bình thường mới” trong thời gian sớm nhất.

Ngày 22/11, theo báo cáo của tỉnh, có thêm 76 ca mắc mới. Hiện nay, toàn tỉnh có 5 xã, thị trấn bị phong tỏa, cách ly y tế. Đó là xã Bồ Sao và xã Lũng Hòa, thị trấn Thổ Tang của huyện Vĩnh Tường; xã Trung Kiên của huyện Yên Lạc; xã Bạch Lưu của huyện Sông Lô. Tỉnh đã quyết định kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 2, triển khai thu dung, điều trị bệnh nhân.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả