menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thu Miên

Tín hiệu tiêu cực cho hút vốn ngoại

Việc cổ phiếu Việt Nam bất ngờ bị giảm tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier Markets Index đang là tín hiệu không tích cực, phần nào ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam.

Theo tin từ MSCI, sau đợt cơ cấu danh mục cuối tháng 11 vừa qua, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index đã giảm từ mức 18,77% xuống còn 16,96%. Ở chiều ngược lại, thị trường Kuwait lên tới 36,86%, tăng mạnh hơn 6% so với tháng trước đó.

Ngược chiều dự báo

Các cổ phiếu Việt Nam bị giảm tỷ trọng trong đợt cơ cấu danh mục tháng 11 của MSCI là điều khá bất ngờ với giới đầu tư, bởi tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong nhiều tháng gần đây liên tục được gia tăng.

Thậm chí, trong một báo cáo cách đây không lâu, MSCI còn ước tính tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index sẽ lên tới 25,2% khi Kuwait được nâng hạng thị trường Emerging Markets vào năm 2020.

Trong danh sách 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục MSCI Frontier Markets Index hiện có 3 cổ phiếu Việt Nam, bao gồm VIC (Vingroup) với tỷ lệ 3,69%, VHM (Vinhomes) với tỷ lệ 2,93% và VNM (Vinamilk) có tỷ lệ 2,82%.

Trước đó, hồi giữa năm 2019, các công ty chứng khoán ước tính thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhận được khoảng 66 triệu USD (1.500 tỷ đồng) từ MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index khi Argentina chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Ngoài ra, con số 66 triệu USD đề cập ở trên mới chỉ tính đến các quỹ mô phỏng theo MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index, mà chưa tính đến các quỹ chủ động như MSCI Frontier Emerging Index hoặc S&P/BNP Mellon New Frontier Index và do đó lượng tiền phân bổ sang TTCK Việt Nam từ các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên có thể lớn hơn nữa.

Do không phải quỹ ETFs nên việc tái cơ cấu danh mục của MSCI không nhất thiết phải theo đúng chuẩn của các chỉ số cơ sở, nhưng việc bất ngờ bị giảm tỷ trọng của MSCI cũng là tín hiệu không tích cực, phần nào ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam.

Trong phiên 26/11, quỹ iShare MSCI Frontier 100 ETF đã thực hiện cơ cấu danh mục, gây nên ảnh hưởng không nhỏ tới TTCK Việt Nam. Dữ liệu giao dịch cho thấy khối ngoại đã bán ròng hơn 200 tỷ đồng tại phiên này, đóng góp một phần không nhỏ là iShare MSCI Frontier 100 ETF.

Số liệu mới nhất của iShare MSCI Frontier 100 ETF cho thấy tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam tại quỹ này chỉ còn 12,07%, giảm khoảng 2,5% so với trước phiên 26/11. Như vậy, ước tính iShare MSCI Frontier 100 ETF đã bán ra khoảng 12 triệu USD (250 tỷ đồng) cổ phiếu Việt Nam trong đợt cơ cấu tháng 11 vừa qua.

Tín hiệu tiêu cực cho hút vốn ngoại
Chưa có cơ sở để khẳng định chắc chắn dòng vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào TTCK
Rủi ro hiện hữu tại ETF

TTCK Việt đang trải qua những phiên giao dịch mệt mỏi khi chỉ số Vn-Index tăng ở mức nhẹ nhưng giảm thì khá mạnh. Đây là đợt điều chỉnh mạnh nhất của Vn-Index từ đầu năm mà chưa hề có nhịp phục hồi nào.

Trước đó, trong đợt điều chỉnh từ đỉnh tháng 3 tới cuối tháng 6, Vn- Index giảm còn mạnh hơn (-6,79%) nhưng thị trường vẫn liên tục xuất hiện các nhịp hồi phục ngắn hạn sau khi sụt giảm chưa tới 5%, chưa kể các phiên tăng – giảm đan xen đều diễn ra trong suốt xu thế giảm.

Một điểm sáng của thị trường trong thời gian qua là sau thời gian dài bán ròng tại cả 3 sàn giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng nhẹ trong những phiên gần đây, mang lại kỳ vọng dòng vốn ngoại đã bán đủ và quay trở lại với thị trường.

Việc khối ngoại mua ròng trở lại có thể giúp chỉ số Vn-Index bớt đi một sức ép đáng kể, kết hợp cùng nhiều yếu tố khác kỳ vọng có thể chấm dứt được xu hướng giảm.

Tuy nhiên, báo cáo dòng lưu chuyển vốn toàn cầu của Chứng khoán SSI mới đây lại cho biết cổ phiếu ở các thị trường mới nổi có mối liên hệ rõ ràng hơn với dòng vốn của các quỹ đầu tư so với các thị trường phát triển.

Chỉ số MSCI Emerging Market (thị trường mới nổi) đã có lúc tăng tới hơn 4% trong 3 tuần vừa qua, khi có khoảng 5,2 tỷ USD chảy vào cổ phiếu của các thị trường mới nổi và trong bối cảnh căng thẳng thương mại tạm lắng.

Thế nhưng, dòng vốn tăng thêm 4 tuần vừa qua ở các thị trường mới nổi tập trung vào các quỹ đầu tư toàn cầu và phần nhiều đổ vào thông qua các ETF, nên dòng vốn vào nhanh nhưng cũng có thể ra nhanh.

Cũng theo SSI, trong các đợt tăng mạnh của TTCK Việt Nam đều được hỗ trợ bởi dòng vốn từ các quỹ ETF. Mối tương quan này mờ nhạt hơn trong tháng 6 và 7 khi các quỹ ETF ghi nhận vào ròng nhưng Vn-Index không có nhiều khởi sắc.

Với những diễn biến mới của dòng vốn toàn cầu trong thời gian gần đây, nếu không có những biến động bất ngờ như đổ vỡ của đàm phán thương mại Mỹ – Trung thì dòng vốn nước ngoài, trong đó có ETF được hy vọng sẽ tích cực hơn, từ đó tạo sự nâng đỡ cho chỉ số trong thời gian cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Thế nhưng, nếu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung gặp bất trắc thì dòng vốn ngoại sẽ bị rút ra khỏi thị trường nhanh chóng qua các quỹ đầu tư.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại