Tín hiệu tích cực dòng vốn FDI
Trong quý I/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam thu hút đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả tăng trưởng thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I/2021 nhờ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 đang là lợi thế cạnh tranh giúp cho Việt Nam thu hút nguồn vốn này tốt hơn các quốc gia khác. “Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan mà cần tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng và cơ hội để tiếp tục thu hút nhiều vốn hơn.”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định.
* Xuất hiện nhiều dự án FDI lớn
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam thu hút đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.
Đặc biệt, trong quý I/2021, đã xuất hiện một số dự án quy mô lớn, khiến kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên đà tăng mạnh. Cụ thể, đó là Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), với tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD và Dự án Nhà máy điện Ô môn (Nhật Bản) có tổng vốn đầu tư 1,31 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn có một số dự án khác, quy mô từ 300 - 700 triệu USD đã tạo ra bức tranh đầu tư nước ngoài đầy khởi sắc trong quý I vừa qua.
Ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty TNHH Vina CPK chia sẻ, sau giai đoạn đình trệ do COVID-19, Vina CPK đang đẩy nhanh tiến độ để kịp thời có mặt bằng giao cho nhiều đối tác FDI tiềm năng. "Theo đó, diện tích đất công nghiệp hơn 100 ha đang được chúng tôi gấp rút thực hiện", ông Quang cho biết.
Theo ông Quang, việc đầu tư này sẽ kéo theo sự gia tăng của dòng vốn FDI vào Việt Nam. "Vừa qua, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài làm công nghiệp hỗ trợ cho các hãng điện tử lớn đã tiếp xúc với chúng tôi để tìm hiểu về các điều kiện đầu tư. Điều này cho thấy nhu cầu đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư ngoại vẫn khá lớn", ông Quang chia sẻ.
Còn theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng, việc có thêm một số dự án quy mô lớn, lại ứng dụng công nghệ cao, thuộc những lĩnh vực quan trọng như: năng lượng, công nghiệp chế biến chế tạo là minh chứng cho sự ổn định và uy tín của Việt Nam trong hoạt động thu hút đầu tư toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, lượng vốn mới thu hút tăng thêm trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu bị ảnh hưởng và thu hẹp cũng như một số quốc gia kêu gọi doanh nghiệp quay về đầu tư trên “sân nhà” là tín hiệu tích cực.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica Việt Nam chia sẻ, các nhà đầu tư đặc biệt các nhà FDI bao giờ cũng cần nơi đầu tư an toàn, thuận lợi, có lợi nhuận và tính đến đóng góp cho nền kinh tế địa phương. Trong năm 2020 Việt Nam đã chứng tỏ được là điểm đến có thể đáp ứng được các tiêu chí này. Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định về kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị và đây chính là những yếu tố vô cùng quan trọng với bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào.
"Chính sách thu hút FDI mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn; nhiều cơ hội tạo ra từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Chính phủ tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... là những chất xúc tác hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hơn nữa trong thời gian tới", ông Bình khẳng định.
* Tận dụng cơ hội thu hút FDI
Sự ổn định của môi trường đầu tư cũng như cách phòng chống dịch bệnh COVID-19 một cách sáng tạo và hiệu quả chính là lý do khiến nhà đầu tư ngoại tin tưởng vào việc gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay, cần phải duy trì được sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, biện pháp quan trọng hàng đầu đó là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục kiểm soát dịch bệnh một cách có hiệu quả.
"Đây là biện pháp hàng đầu để nhà đầu tư nước ngoài quyết định đổ thêm vốn vào Việt Nam cũng như là lợi thế để Việt Nam hút thêm nguồn vốn FDI mới từ bên ngoài trong sự dịch chuyển dòng đầu tư của thế giới", ông Dương nói.
Trên thực tế, đến nay Việt Nam mới thu hút đầu tư từ các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore là chủ yếu mà chưa có nhiều dự án của EU và Mỹ. Vì vậy, về lâu dài, vẫn cần tranh thủ kêu gọi thêm những đối tác giàu kinh nghiệm, đã làm chủ công nghệ nguồn thuộc các khu vực này.
Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cơ quan chức năng cần chủ động xúc tiến đầu tư; trong đó, tập trung kêu gọi những tập đoàn đa quốc gia có thế mạnh về vốn và công nghệ để tận dụng thời gian, thời cơ học hỏi; từng bước làm chủ công nghệ cao. Từ đó, doanh nghiệp trong nước cũng có thêm cơ hội tiếp cận, nhận chuyển giao công nghệ cũng như hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục xem xét, rà soát các văn bản pháp luật, chính sách đầu tư, kinh doanh để bổ sung, sửa đổi những nội dung không rõ ràng, thiếu nhất quán... nhằm tránh hiện tượng "mỗi địa phương áp dụng một kiểu, gây khó hiểu cho nhà đầu tư nước ngoài".
Là một trong những địa phương đang thu hút mạnh vốn đầu tư của cả nước, nhất là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch và thân thiện; thu hút đầu tư có chọn lọc theo quy hoạch các lĩnh vực có thế mạnh, nhà đầu tư có tiềm năng về tài chính, công nghệ hiện đại, trình độ quản lý cao.
Đặc biệt, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dự án đầu tư vào giáo dục và y tế, du lịch và dịch vụ chất lượng cao, các dự án bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Song, ngoài việc tập trung đáp ứng những nhu cầu của nhà đầu tư, các tỉnh, thành phố cũng cần chủ động hơn trong việc lựa chọn dự án, nhắm tới mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở phù hợp với tiềm năng, định hướng của địa phương.
Tất nhiên, tùy mỗi địa phương cũng vẫn có nhu cầu, định hướng khác nhau và cần có cách ứng xử linh hoạt trong thu hút đầu tư theo cách “gạn đục, khơi trong”. Dù vậy, vẫn nên duy trì “mẫu số chung” mang tính nguyên tắc, được nhấn mạnh là ưu tiên những dự án ứng dụng công nghệ cao, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện với môi trường và chiếm dụng ít diện tích mặt bằng.
“Việt Nam sẽ tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác; khai thác thời cơ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chủ động đón dòng vốn dịch chuyển”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận