Tin giả, lừa đảo xuất hiện nhiều trên thị trường bất động sản tại Hồ Chí Minh
70% thông tin rao bán nhà đất trên các diễn đàn mua bán nhà đất là thông tin giả nhằm thu thập thông tin khách hàng tiềm năng. Quảng cáo bán đất quận 9 nhưng đưa khách hàng xuống tận Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai xem dự án...
Thả “mồi” BĐS giá rẻ, câu dữ liệu khách hàng
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hòa, ở chung cư 76 Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) dự định mua thêm một căn hộ để cho thuê. Tìm kiếm nhiều trên các trang mua bán nhà đất, cuối cùng chị Hòa cũng thấy thông tin cần bán gấp một căn hộ 2 phòng ngủ tại chung cư Nguyễn Ngọc Phương, quận Bình Thạnh, khá gần chỗ chị Hòa ở hiện nay. Căn hộ có giá phù hợp là 2,8 tỷ đồng, thấp hơn mặt bằng giá khoảng 10%. Chị Hòa liên hệ với người bán và nhận được thông báo: “Tiếc quá chị ơi, căn hộ đó em vừa bán xong rồi, chị cho em địa chỉ email, số điện thoại cầm tay, add nick zalo với em, nếu có căn nào phù hợp thì em sẽ báo cho chị”.
Sau đó, mỗi ngày chị Hòa phải nhận vài chục cuộc gọi mời mua đất, mua bảo hiểm, mở tài khoản ngân hàng... Các lời chào mời chẳng phù hợp gì với nhu cầu mà chị đã cung cấp cho công ty môi giới bất động sản. Quá mệt mỏi vì điện thoại reo suốt ngày, chị Hòa chặn các số quảng cáo bán đất, nhưng chặn số này thì có số khác gọi, cũng chỉ cùng nội dung là mời mua đất sân bay Long Thành hoặc các tỉnh lân cận, mua bảo hiểm. Sau đó, chị Hòa phải áp dụng “chiêu” thấy số lạ là tắt, phải một tháng sau, tần suất các cuộc gọi quảng cáo mới giảm dần.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hồng Lanh (ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh), một nhà đầu tư cá nhân kể câu chuyện dở khóc dở cười khi trở thành nạn nhân của lừa đảo. Anh Lanh chú ý đến quảng cáo bán một căn nhà 48m2 trong một con hẻm đẹp trên đường Trần Đình Xu, quận 1. Anh Lanh chú ý đến thông tin chào bán vì đó là con hẻm anh biết, người bán thì cho biết cần bán gấp để chia thừa kế cho các anh chị em nên bán rẻ hơn giá thị trường 20%. Mặc dù thị trường đang nguội lạnh, trong lòng bán tín bán nghi nhưng anh Lanh vẫn gọi và ngỏ ý muốn đi xem nhà. Người bán thì hẹn hết lần này đến lần khác. Sau đó, anh Lanh nhận được cả trăm cuộc gọi, chào mời mua nhà đất khắp nơi. Anh Lanh phải chặn tất cả các cuộc gọi ngoài danh bạ thì mới yên.
Đem chuyện của chị Hòa và anh Lanh trao đổi với anh Nguyễn Phú Cường - giám đốc một hệ thống sàn môi giới BĐS (ở TP Hồ chí minh và các tỉnh lân cận) được biết, tình trạng tin giả trên các trang mua bán tài sản rất phổ biến, phải hơn 70% thông tin rao bán hiện nay là tin giả, tin không chính xác... Tin giả được tung ra với nhiều mục đích khác nhau. Tin giả có nhiều loại, loại “vô hại” nhất là tung tin giả, bán nhà đất giá hấp dẫn để thu thập dữ liệu khách hàng tiềm năng, có nhu cầu mua nhà để bán lại cho các công ty kinh doanh BĐS. Nạn nhân được xác định là khách hàng tiềm năng, có nhu cầu mua nhà đất thực sự. Dữ liệu của dạng khách hàng tiềm năng này rất có giá trên thị trường, các công ty BĐS sẵn sàng chi tiền để mua. Hậu quả là các khách hàng tiềm năng bị “dội bom” điện thoại từ đội ngũ sales của hàng chục công ty BĐS khác nhau...
Một dạng tin giả khác là tung tin bán nhà đẹp giá rẻ, ngân hàng thanh lý nhà.... khách muốn “cò” dẫn đi xem thì phải trả tiền trà nước, tiền xăng xe, dù không nhiều, chỉ khoảng 100.000 - 200.000 đồng nhưng nếu một ngày, cò “vợt” được vài khách hàng thì cũng đã có số tiền kha khá.
“Cưỡng bức” khách hàng đi xem dự án
Mới đây, trên một diễn đàn nhà đất, một khách hàng đã tố một công ty bất động sản “cưỡng bức” khách hàng đi xem đất dự án ở tận Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đó, đọc thông tin quảng cáo là doanh nghiệp bán đất trên địa bàn quận 9 (TP Hồ Chí Minh), khách hàng liên hệ đi xem, được hẹn đến một quán cà phê trên đường Lê Duẩn, quận 1. Sau đó, nhân viên công ty “lùa” cả trăm khách hàng lên 2 chiếc xe buýt chở thẳng ra tận Bà Rịa - Vũng Tàu và bắt khách hàng phải xem và mua nền trong một dự án phân lô tự phát, pháp lý mù mờ. Biết bị lừa, khách hàng phản ứng muốn về, nhân viên công ty BĐS thách thức, muốn về thì tự bắt taxi. Cuối cùng, khách hàng phải mất hơn 2 triệu đồng tiền taxi để về nhà.
Theo anh Nguyễn Văn Hơn (ngụ huyện Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), một người làm môi giới mua bán nhà đất lâu năm, tình trạng lừa đảo “cưỡng ép” khách hàng đi xem dự án như nêu trên hiện nay khá phổ biến. Loại hình lừa đảo này đã xuất hiện từ 2 năm trước, khi thị trường đất nền ở huyện Bình Chánh, quận Bình Tân nóng sốt, nhiều công ty quảng cáo bán đất phân lô ở Bình Tân, Bình Chánh nhưng sau đó họ đưa khách hàng về tận Long An, khách hàng có phản ứng thì cũng đã muộn, mất tiền cọc giữ chỗ.
Hiện nay, kịch bản lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc giữ chỗ lan sang khu phía Đông, kịch bản lừa đảo của các công ty khá giống nhau. Đầu tiên họ cho chạy quảng cáo bán đất rất hấp dẫn để thu hút khách hàng tiềm năng, sau đó họ hẹn khách hàng đến một quán cà phê ở trung tâm TP để đi xem đất. Tại quán cà phê, các bộ phận phối hợp tạo một không khí sôi động, giành giật đặt cọc giữ chỗ (thông thường tiền đặt cọc giữ chỗ là 10 triệu đồng, không quá lớn, làm cho khách hàng chủ quan) nháo nhào. Họ làm cho khách hàng nghĩ rằng dự án rất hấp dẫn, không quyết định nhanh thì không còn để mua hoặc phải mua lại suất giữ chỗ. Những khách hàng thiếu tỉnh táo sẽ không ngần ngại rút tiền đặt cọc giữ chỗ ngay lập tức. Sau đó, họ đưa khách hàng lên xe, chạy thẳng xuống dự án, trên đường đi họ tiếp tục diễn trò, nhằm thúc ép những khách hàng còn đang lưỡng lự phải quyết định nhanh, móc ví đặt cọc giữ chỗ. Khi đến nơi, biết bị lừa, khách hàng phản ứng, người đại diện công ty sẽ đổ lỗi nhân viên liên hệ không nói rõ với khách về vị trí dự án...
Cũng theo anh Nguyễn Văn Hơn, ai mà đóng tiền giữ chỗ xem như là mất trắng 10 triệu vì khi xuống đến dự án, khách hàng biết bị lừa, chắc chắn sẽ không mua. Khách hàng không mua thì mất tiền cọc là đương nhiên, vì đã ký vào hợp đồng đặt cọc. Tâm lý khách hàng, số tiền 10 triệu không quá lớn, làm lớn chuyện cũng chẳng đi đến đâu nên chấp nhận mất tiền.
Đất trụ sở công an trở thành "mồi" câu khách hàng dạng khủng
UBND quận 10, TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản số 1301/UBND-VX gửi Sở Thông tin - Truyền thông để cảnh báo đến những khách hàng tiềm năng, có ý định mua đất tại lô B Khu C30 đường Thành Thái, phường 14, quận 10.
Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook, tài khoản tên Anh Pháp Company - BĐS Miền Nam đã đăng tải thông tin về dự án đất nền tại lô B Khu C30 đường Thành Thái, phường 14, quận 10 với nội dung “Chỉ còn duy nhất 10 lô đất nền đường Thành Thái, quận 10, sổ hồng riêng từng nền, giá chỉ từ 3,25 tỷ/nền, hotline: 0932980213, với đa diện tích, 5x12, 6x15, cơ hội đầu tư sinh lời cao,…” để giới thiệu, quảng cáo, rao bán sản phẩm đất nền cho các nhà đầu tư.
Theo UBND quận 10, qua công tác quản lý tại địa phương, khu đất nêu trên hiện nay thuộc Dự án xây dựng trụ sở làm việc của Đội Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ quận 10. Do đó, UBND quận 10 đưa thông tin chính xác về khu đất nhằm ngăn chặn các hoạt động quảng cáo không đúng quy định, sai sự thật đối với khu đất nền nêu trên, giảm thiểu các thiệt hại, không để phát sinh tình trạng lôi kéo, phát triển khách hàng, nhà đầu tư, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Theo anh Nguyễn Phú Cường - giám đốc một hệ thống sàn môi giới BĐS (ở TP Hồ chí minh và các tỉnh lân cận), trường hợp rao bán đất quy hoạch làm trụ sở công an cũng là một dạng lừa đảo thu thập thông tin. Cái khác duy nhất là công ty lừa đảo muốn thu thập thông tin của các khách hàng tiềm năng dạng khủng. “Mồi” mà các công ty lừa đảo tung ra là các BĐS dạng khủng, vốn lớn, những người quan tâm đến “mồi” là các khách hàng tiềm năng, có nguồn vốn lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận