24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tín dụng xanh hỗ trợ phục hồi kinh tế

 Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực nước ngoài đồng hành cùng dòng vốn ngân hàng vào các dự án xanh, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế… 

Một trong những mục tiêu thành phần của phát triển bền vững là đạt được sự phát triển bền vững nền kinh tế. Theo đó, Việt Nam đã đưa ra Chiến lược phát triển nền kinh tế xanh, trong đó hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò quan trọng trong thành công của chiến lược này. Ông có thể chia sẻ những nội dung ngành ngân hàng đã triển khai thời gian qua?

Chủ trương, đường lối của Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ về vấn đề chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường đã rất rõ ràng, được thể hiện trong những cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam như Thỏa thuận Paris (2016) về chống biến đổi khí hậu và gần đây, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng đã, đang và sẽ tích cực triển khai chương trình hành động hướng dòng vốn tín dụng vào các hoạt động kinh tế xanh. Theo đó, 4 nội dung ngành ngân hàng đã đặt ra và triển khai trong thời gian qua là:

Thứ nhất, cần phải xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng dành nguồn lực hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án, lĩnh vực kinh tế xanh. Để thực hiện điều này, NHNN đã ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018); lồng ghép định hướng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh vào nội dung của Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018); ban hành Chỉ thị số 03/CT- NHNN ngày 24/3/2015 yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó yêu cầu các TCTD tập trung quản lý rủi ro về môi trường khi cấp tín dụng đối với các nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó, NHNN đang tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường - đơn vị được giao đầu mối xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục phân loại xanh quốc gia nhằm tạo cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi để triển khai các công cụ kinh tế hỗ trợ tăng trưởng xanh quốc gia, bao gồm hoạt động tài trợ xanh của các TCTD.

Thứ hai, giai đoạn 2016-2020, NHNN đã xây dựng Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng một cách rõ ràng để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Chương trình hành động đã triển khai trong các vụ, cục của NHNN và triển khai đến các ngân hàng thương mại. Hiện các đơn vị này đang tích cực cho vay những chương trình đảm bảo mục tiêu chống biến đổi khí hậu, dự án trọng tâm quốc gia, thậm chí là những dự án của tư nhân nhưng đảm bảo chỉ số, yêu cầu về vấn đề môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm tỷ lệ phát thải khí các-bon.

Thời gian tới, trên cơ sở Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp, hành động cụ thể của ngành phù hợp hơn với cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính và các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia trong giai đoạn mới.

Thứ ba, bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý chung cho mục tiêu tăng trưởng xanh, ngành ngân hàng còn triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù như tín dụng cho nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay nhà ở vùng ngập lũ, chống bão lụt…

Ngoài ra, các cơ chế, chính sách, đề án, dự án nhằm phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao góp phần phục vụ tăng trưởng xanh không ngừng được hoàn thiện, như khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực thanh toán; triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công…

Thứ tư, ngành ngân hàng đã và đang cùng các bộ, ngành liên quan tích cực vận động, huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng trên thế giới để đầu tư cho những dự án xanh, dự án trọng điểm quốc gia thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Đề cập cụ thể hơn về những thành quả đã đạt được, ông sẽ chia sẻ điều gì?

Tôi muốn thông tin đến bạn đọc là đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh (12 ngành xanh do NHNN xây dựng và ban hành từ năm 2017) đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế), tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng cao nhất 47%), tiếp đến là nông nghiệp xanh (chiếm trên 30%).

Các TCTD tích cực thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng (của hơn 1,1 triệu món vay).

Điểm đáng chú ý, giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế.

Con số này thể hiện kết quả triển khai của ngành ngân hàng trọng tâm, hiệu quả, bám sát định hướng, yêu cầu và chỉ đạo của Chính phủ về tập trung nguồn lực cho kinh tế xanh.

Thực tế cho thấy, chặng đường này không trải hoa hồng…, thưa ông?

Đúng vậy. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ví dụ như vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở để huy động nhiều hơn nữa nguồn tài chính xanh. Tôi cho rằng, khi danh mục này được ban hành với các tiêu chí môi trường rõ ràng, tỷ trọng đóng góp của ngành ngân hàng sẽ cao hơn nhiều so với hiện tại.

Ngoài ra, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao…, dẫn đến các TCTD khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn cho vay, trong khi còn thiếu cơ chế, chính sách trong việc tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, cơ chế huy động nguồn tài chính xanh trên thị trường vốn…

Để tháo gỡ khó khăn này, NHNN đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia theo chuẩn quốc tế và phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam (phân ngành kinh tế).

Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ các TCTD được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (2020), từ thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển... một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.

Song song với đó, phát triển thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án thân thiện với môi trường…

Bước sang năm 2023, nhiều khó khăn, thách thức còn hiện hữu do bất ổn địa chính trị quốc tế và các yếu tố vĩ mô như lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, vấn đề nâng lãi suất của các nước… vẫn đang tác động đến Việt Nam.

Trên cơ sở bám sát các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các đề án, chiến lược, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, với vai trò nhiệm vụ, chức năng của ngành ngân hàng, thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế, mà trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh.

Triển khai Chương trình động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ tích cực triển khai công tác đào tạo nâng cao năng lực cho các TCTD trong triển khai công cụ tài chính xanh hiệu quả; đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

NHNN cũng sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên các TCTD có nhiều quan tâm, trách nhiệm và kết quả tốt trong hoạt động đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực, chương trình và dự án xanh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả