Tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1%
Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...
Đây là số liệu được bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 30/11.
Dù tín dụng tăng nhanh nhưng bà Hằng cho biết, cơ cấu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước hướng tới các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với cuối năm 2020. Trong đó, lãi suất huy động giảm 0,4% và lãi suất cho vay giảm 0,7%. Tính luỹ kế từ 23/01/2020 đến nay, đã có khoảng hơn 1 triệu khách hàng được tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất thấp với dư nợ đạt trên 7 triệu tỷ đồng.
Đồng thời, bà Hằng cho biết thêm, ngành ngân hàng cũng thực hiện nhiều giải pháp góp phần khôi phục và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Cụ thể, đến ngày 25/10/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho trên 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ 250.000 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,5 triệu tỷ đồng.
Đối với chương trình cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, hiện số dư tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Ngân hàng Nhà nước khoảng 672,01 tỷ đồng.
Đối với triển khai gói cho vay tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) với tổng số tiền tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, thời hạn của chương trình tối đa đến ngày 31/12/2021.
Với việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo kinh tế thế giới năm 2022 tăng trưởng 4,9% nhưng giá cả hàng hóa cơ bản và lạm phát thế giới dự báo giữ ở mức cao do tác động từ thiếu hụt nguồn cung, bà Hằng cho rằng, điều này sẽ khiến việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 đối mặt với không ít thách thức. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 3 mục tiêu về điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2022.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch.
Tiếp tục triển khai một số giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm như tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; cân đối hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Đồng thời, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận