Tín dụng thoát tăng trưởng âm
Sau 2 tháng tăng trưởng âm so với cuối năm 2023, tín dụng trong tháng 3 đã tăng 0,98%, “cân” được tăng trưởng dương cả quý 1/2023.
Tiền bắt đầu chảy mạnh hơn vào nền kinh tế khi đồng loạt các giải pháp tăng trưởng tín dụng, kích cầu đầu tư, tiêu dùng được Chính phủ đưa ra và yêu cầu các bộ, ngành thực hiện.
Sau 2 tháng tăng trưởng âm so với cuối năm 2023, tín dụng trong tháng 3 đã tăng 0,98%, “cân” được tăng trưởng dương cả quý 1/2023 với mức tăng nhẹ là 0,26%.
Tín dụng đã thoát tăng trưởng âm khi tháng 3/2024 có mức tăng là 0,98% |
Thông tin tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia vừa diễn ra, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023; tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD. Tín dụng đã phục hồi trong tháng 3. Tính đến ngày 25/3/2024, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng 3 tăng 0,98%). Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 và đang rà soát để sửa đổi, bổ sung, gia hạn Thông tư; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản...
Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN cho biết, cán cân thanh toán thặng dư năm 2023 và dự kiến cân bằng trong quý I/2024.
Thực tế, các ngân hàng thương mại đã liên tục đưa ra nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất trực tiếp cho khách hàng có những khoản vay cũ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và để tín dụng tăng trưởng tốt hơn.
Nhận định về nhu cầu tín dụng trong những tháng tới đây, TS. Nguyễn Anh Vũ, Trưởng khoa Tài chính, Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện cầu vốn của khách hàng cá nhân vẫn tương đối ổn định, nhất là cầu vốn mua nhà luôn tăng, song do kinh tế khó khăn và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, nên tín dụng ở phân khúc này khó kỳ vọng tăng cao trong năm nay. Đối với doanh nghiệp, hiện lĩnh vực xuất khẩu cũng dần hồi phục và tăng trưởng, nên cầu vốn cũng sẽ trở lại, nhất là vào những quý còn lại của năm.
Quý 2 được dự báo là thời điểm nguồn tín dụng có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ nét, lãi suất huy động và cho vay đều giảm sẽ giúp nguồn tiền nhàn rỗi được tập trung nhiều hơn cho nền kinh tế thông qua kênh bất động sản, tiêu dùng… Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh với lãi suất hấp dẫn. Đơn cử như như Agribank vừa công bố dành 8.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để cho vay tới khách hàng thuộc lĩnh vực lâm sản, thủy sản, từ nay đến 30/6/2023. Theo Lãnh đạo ngân hàng này, pháp nhân, cá nhân có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm sản (lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản lâm sản) và thủy sản (khai thác, nuôi trồng, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản thủy sản) sẽ được vay vốn với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong từng thời kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận