Tín dụng tăng kỷ lục, nhiều doanh nghiệp vẫn kêu thiếu vốn
Trong 6 tháng đầu năm 2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng khoảng 9,3% so với cuối năm 2021. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Dư nợ tín dụng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2022 bất ngờ ghi nhận mức tăng trưởng cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, ngành ngân hàng. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp vẫn "than" thiếu vốn cho quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.
* Tín dụng phục hồi mạnh
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng khoảng 9,3% so với cuối năm 2021. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
"Yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đó là sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thành phố, của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trong đó, lĩnh vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 4,83%, phản ánh đúng xu hướng phục hồi và khả năng phục hồi cũng như những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ dịch bệnh", ông Lệnh cho biết.
Thực tế, nền kinh tế nói chung và kinh tế Tp. Hồ Chí Minh nói riêng đã phục hồi, tăng trưởng sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm GRDP tăng khoảng 3,82%, từ mức xuất phát tăng trưởng âm vào cuối năm 2021. Đây là kết quả quan trọng, phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng tích cực của kinh tế thành phố, đồng thời phản ánh hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, UBND thành phố.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, kết quả tích cực trên không thể không nhắc tới chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã đem lại những kết quả quan trọng về kìm giữ lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và ngoại hối; về tăng trưởng tín dụng; phục hồi kinh tế và các hoạt động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp của ngành ngân hàng nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng.
Đáng chú ý, nhờ thị trường tiền tệ ổn định bao gồm lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối trong bối cảnh giá cả thị trường thế giới, giá cả hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào và xăng dầu tăng cao, đã góp phần quan trọng trong việc kìm giữ lạm phát.
Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt áp lực tăng giá, giảm bớt khó khăn, bảo toàn được giá trị tài sản để phục hồi và tăng trưởng. Đây là cơ sở và nền tảng quan trọng để doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn kép hiện nay và trong thời gian tới.
Song song đó, ngành ngân hàng cũng hỗ trợ doanh nghiệp và thực hiện tốt nhiệm vụ chương trình phục hồi kinh tế thành phố với giải pháp cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp để doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng.
Đến nay, dư nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp theo cơ chế Thông tư 01, 03 và Thông tư 14 đạt 563.000 tỷ đồng cho gần 1,3 triệu khách hàng; dư nợ cho vay ngắn hạn tiền VND với lãi suất thấp đối với 5 nhóm ngành ưu tiên đạt 202.000 tỷ đồng cho hơn 35.000 khách hàng.
Đây là chương trình mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, cho các nhóm ngành lĩnh vực, là động lực tăng trưởng kinh tế, bởi lãi suất cho vay thấp và hiệu quả tín dụng mang lại rất cao cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Ngoài ra, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm các ngân hàng đã giải ngân cho vay gần 100.000 tỷ đồng, qua đó tạo thuận lợi về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các hợp tác xã...
Dù tín dụng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, thế nhưng thực tế vừa qua vẫn có nhiều doanh nghiệp "than" thiếu vốn, không tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng. Thậm chí, các doanh nghiệp nằm trong đối tượng hưởng ưu đãi cũng khó tiếp cận, chứ chưa nói đến vấn đề được vay ưu đãi.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành, đơn vị chuyên xây dựng nhà ở xã hội cho biết, các doanh nghiệp đang rất cần vốn để có thể phục hồi sau thời gian đình trệ do dịch COVID-19. Bản thân các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội nằm trong danh sách những lĩnh vực được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chính sách hiện tại lại tập trung hỗ trợ cho người mua và người thuê nhà ở xã hội, trong khi các chủ đầu tư dự án lại không được hỗ trợ. Điều này là bất hợp lý, vì nếu không có nguồn vốn hỗ trợ, các chủ đầu tư sẽ khó triển khai dự án, thị trường theo đó cũng sẽ không có nguồn cung.
Ở góc độ sản xuất, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho hay, dù ngành lương thực, thực phẩm được ưu đãi về lãi suất nhưng không bù đắp cho cơn bão giá nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh.
Hiện các doanh nghiệp đang trong tình trạng khát vốn cho việc mua dự trữ nguyên vật liệu, thậm chí, nhiều doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng mới, vì giá nguyên vật liệu thay đổi quá nhanh. Nếu doanh nghiệp ký hợp đồng lớn sẽ không điều chỉnh được, trong khi doanh nghiệp lại không đủ vốn để dự trữ nguyên liệu.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA) cũng cho biết, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm đa số lại thiếu tính minh bạch tài chính, khó khăn về tài sản đảm bảo… nên rất khó để tiếp cận được tín dụng ngân hàng.
Mặt khác, đại diện HUBA lo ngại, việc tín dụng tăng cao trong 6 tháng đầu năm khiến nhiều ngân hàng thương mại đã đụng trần tín dụng, hiện chỉ chờ được cấp thêm hạn mức. Trong khi, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2%, thì ngân hàng sẽ không có "room" tín dụng để giải ngân.
Tại buổi họp báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngành ngân hàng không thiếu vốn cho doanh nghiệp vay phục hồi sau dịch.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thông tin ngân hàng gần cạn "room" tín dụng có thể chỉ xảy ra ở một số ít tổ chức tín dụng, còn thực tế nhiều ngân hàng vẫn dư thừa.
Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, nhưng sẽ có điều chỉnh linh hoạt phù hợp với nhu cầu thực tế, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế phục hồi và kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô.
Liên quan đến phản ánh của doanh nghiệp, đại diện Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết, nếu các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, có thể phản ánh trực tiếp tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh để có cơ sở tháo gỡ.
Riêng đối với các doanh nghiệp lương thực – thực phẩm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đầu tháng 4/2022, đơn vị này đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tham gia tích cực vào chương trình bình ổn thị trường của thành phố theo hướng giữ ổn định lãi suất, xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nhằm giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng.
Nếu doanh nghiệp còn những vướng mắc khó khăn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh sẵn sàng phối hợp với các sở ngành liên quan và doanh nghiệp để cùng nhau tháo gỡ.
Trong thời gian tới, ngành ngân hàng thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các tổ chức tín dụng, chính sách giảm 2% lãi suất cho vay.
Đồng thời, tập trung triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận với kênh tín dụng ngân hàng.../.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận