Tín dụng sớm lấy lại đà tăng trưởng
Theo dự báo của giới chuyên môn, với tín hiệu tích cực từ bức tranh kinh tế dần tươi sáng trở lại với số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 8.000, tăng 111,2% về số lượng so với tháng 9; xuất siêu 1,1 tỷ USD; thu hút FDI đạt 23,74 tỷ USD, cùng với dự báo về gói kích thích kinh tế quy mô lớn... là cú hích tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn sắp tới.
Tín dụng hồi phục
Theo số liệu từ NHNN, đến ngày 2/11/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 8,6% so với cuối năm 2020, cao hơn mức 6,5% của cùng kỳ năm 2020. Điều đó cho thấy, nhu cầu tín dụng đang hồi phục tích cực khi nền kinh tế dần được mở cửa trở lại sau nhiều tháng giãn cách xã hội. Đặc biệt theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), trong ba tuần cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 1,3 điểm phần trăm, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng được đẩy thêm ra thị trường.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng khá đồng đều tại các ngân hàng. Ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, 10 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này vào khoảng 8%, gần đạt hạn mức tín dụng cả năm mà NHNN giao. Hay như tại VPbank, tính đến cuối tháng 9, tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt 317.291 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cuối năm 2020, trong đó tín dụng của riêng ngân hàng mẹ tăng 11,6%. Còn với VIB, ông Lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc cho biết, tăng trưởng tín dụng đến nay đạt 13%.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch bệnh và dần mở cửa các hoạt động kinh tế tại nhiều địa phương trên cả nước, môi trường lãi suất thấp cũng là một yếu tố quan trọng kích thích nhu cầu tín dụng phục hồi nhanh chóng. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,7%/năm so với đầu năm 2021 tới nay. Thống kê cũng cho thấy, đến nay các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 đến 30/9 của 16 ngân hàng chiếm 75% quy mô tín dụng khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết.
Không chỉ hy sinh lợi nhuận qua việc giảm lãi các khoản vay cũ cho khách hàng, mà ngân hàng còn liên tục tung các gói tín dụng giá rẻ ra thị trường để kích cầu tín dụng. Chẳng hạn HDBank, từ nay đến hết ngày 31/12/2021, ngân hàng tăng gói hỗ trợ doanh nghiệp SME lên 10.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này được dành cho các khách hàng có nhu cầu bổ sung nguồn vốn lưu động và đáp ứng các điều kiện tín dụng chuẩn SME của HDBank với lãi suất chỉ còn từ 6,2%/năm…
Đại diện VPBank cho biết, từ khi dịch Covid bùng phát, một trong những mục tiêu trọng tâm xuyên suốt của VPBank là hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch. Cùng với toàn ngành Ngân hàng, VPBank đã điều chỉnh và hỗ trợ giảm lãi suất cho hơn 238 nghìn khách hàng vượt qua đại dịch, dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn để chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch.
Linh hoạt chỉ tiêu tín dụng
Theo dự báo của giới chuyên môn, với tín hiệu tích cực từ bức tranh kinh tế dần tươi sáng trở lại với số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 8.000, tăng 111,2% về số lượng so với tháng 9; xuất siêu 1,1 tỷ USD; thu hút FDI đạt 23,74 tỷ USD, cùng với dự báo về gói kích thích kinh tế quy mô lớn... là cú hích tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn sắp tới.
Đó là chưa kể, những tháng cuối năm thường là quãng thời gian bứt tốc của doanh nghiệp để hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm cũng như tạo đà cho năm kế tiếp. Vì thế nhu cầu vốn của các doanh nghiệp thời gian này cũng rất lớn. Theo quan sát của CTCK Bảo Việt (BVSC) trong vài năm trở lại đây, ba tháng cuối năm, tín dụng có thể tăng gấp đôi so với những tháng đầu năm. Vì lẽ đó, BVSC dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% cho cả năm 2021.
Thậm chí theo các chuyên gia, những tháng cuối năm nay tín dụng còn có thể tăng mạnh hơn khi nhiều doanh nghiệp tăng tốc để bù đắp cho quãng thời gian phải hoạt động cầm chừng vì dịch bệnh. NHNN cũng dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh trong những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kỳ vọng trong quý IV, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, doanh nghiệp sẽ trở lại ổn định, duy trì sản xuất và phục hồi.
Hiện một số ngân hàng cũng đang xin nới room tín dụng lần ba để có thêm dư địa cho vay trong mùa cao điểm cuối năm nay. Một thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đề xuất NHNN nên linh hoạt nới room tín dụng cho ngân hàng để giúp kinh tế phục hồi. Về vấn đề này, lãnh đạo NHNN cho biết, việc nới room tín dụng phụ thuộc vào tình hình của các ngân hàng, mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất. Mục tiêu tín dụng năm nay là 12%, nhưng NHNN sẽ linh hoạt xem xét, điều chỉnh nới hạn mức tín dụng cho các NHTM để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc nới room tăng trưởng tín dụng này dựa trên cơ sở các NHTM phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả phương án vay vốn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng. “NHNN sẽ tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích dòng vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. NHNN sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu”, lãnh đạo NHNN chia sẻ hướng điều hành chính sách tín dụng từ nay đến hết năm 2021 và năm 2022.
Quả vậy, hiện dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế và tạo áp lực lớn đến nợ xấu của các ngân hàng. Do vậy, theo các chuyên gia, các ngân hàng cần đánh giá hiệu quả của phương án kinh doanh để cấp vốn kịp thời cho doanh nghiệp, bắt kịp cơ hội cho phục hồi sản xuất, nhưng cũng không nên dễ dãi mà phải đảm bảo an toàn vốn.
Khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) thực hiện mới đây cũng cho thấy, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên theo nhận định của các TCTD, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục chiều hướng tăng rõ rệt, với 33,7% TCTD dự báo mặt bằng rủi ro “tăng” trong quý IV/2021 và 50,5% TCTD dự báo “tăng” trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với kỳ điều tra trước.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB cho hay, trong bối cảnh hiện nay ngân hàng sẽ đánh giá mọi thứ thận trọng hơn để hạn chế nợ xấu phát sinh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận