24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dương Mạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tín dụng những tháng cuối năm dự báo nhiều khởi sắc

Đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biễn phức tạp trên thế giới đã làm đứt gãy chuỗi liên kết toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, dẫn tới khách hàng khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn; đồng thời ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng theo kế hoạch của hệ thống.

Trong những tháng còn lại của năm, với sự nỗ lực trong thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch vừa phục hồi nền kinh tế, cùng với nhiều tín hiệu tích cực của các ngành hàng, tín dụng được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc.

Tăng trưởng tích cực

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là khoảng 2,27 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 25% trên tổng dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Do đó, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Thông tư 01 tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giúp người dân và doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh; đồng thời tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh cải cách quy trình thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau quý I/2020, tăng trưởng tín dụng chậm khi tháng 1 chỉ tăng 0,01%, tháng 2 tăng 0,2% và tháng 3 tăng 1,3%, thì sang quý II, khi dịch dần được kiểm soát, tín dụng có dấu hiệu tăng dần; trong đó, tháng 6 đạt 3,63%. Tới quý III, tín dụng tiếp tục khởi sắc hơn khi tháng 7 tăng 4,03%, tháng 8 tăng 4,75% và đến 30/9/2020 tăng 6,09% so với cuối năm 2019.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng sự tăng trưởng tín dụng trong tháng 9 cho thấy dấu hiệu tích cực về việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Cụ thể, dư nợ ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn 63%, có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 6,32%; ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 5,89%, chiếm tỷ trọng 28,75%; ngành nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 8,66%, ước tăng 5,09%.

Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1 đến giữa tháng 9 đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng. Điều này cho thấy tăng trưởng tín dụng và doanh số vay mới, dòng tiền tín dụng vẫn lưu thông.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kết quả tín dụng 9 tháng đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP 9 tháng của cả nước đạt 2,12%, cũng như các ngành là động lực cho tăng trưởng như ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,7%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, ngành xây dựng tăng 5,02%, bán buôn và bán lẻ tăng 4,98%.

Thanh khoản dồi dào

Theo các chuyên gia, mức tăng về dư nợ tín dụng cho thấy các doanh nghiệp đã sẵn sàng tiếp cận khoản vay mới, trên cơ sở được giãn hoãn, cơ cấu lại khoản nợ của các ngân hàng. Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ dần phục hồi nhờ nhu cầu triển khai đầu tư hạ tầng và sản xuất của các doanh nghiệp khi tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm, nhiều ngân hàng thực hiện các chương trình cho vay hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn hơn. Đồng thời, nỗ lực vừa kiểm soát dịch bệnh vừa thúc đẩy hồi phục kinh tế của Chính phủ cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm niềm tin vào sự hồi phục kinh tế.

Cùng với việc các ngân hàng thương mại tự tiết giảm chi phí, cơ cấu lại hoạt động để đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, với tổng mức giảm lên tới 1,5-2%.

Theo tính toán, với mức tăng tín dụng 6,09% của 9 tháng so với cuối năm thì nghĩa là các ngân hàng đã “bơm” được gần 500 nghìn tỷ đồng ra nền kinh tế, đưa tổng dư nợ tín dụng hiện hữu của hệ thống lên gần 8,7 triệu tỷ đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, những lần giảm lãi suất này đã giúp tạo nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng đã tiết giảm chi phí hoạt động, có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay lãi suất thấp hơn. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng tín dụng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, giúp các ngân hàng thương mại đủ vốn để đáp ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp, nền kinh tế và các chương trình cho vay vẫn kéo dài khi hết dịch COVID-19.

Mở rộng nhưng phải an toàn

Theo khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện mới đây cho thấy, có tới 49% các tổ chức tín dụng kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng những tháng sắp tới; tiếp đến 47% doanh nghiệp kỳ vọng ngành bán buôn bán lẻ và 40% doanh nghiệp kỳ vọng ngành xây dựng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong những tháng còn lại của năm ngành ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng từ cho vay tiêu dùng, tăng hiệu quả giải ngân vốn.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu phải tăng tốc giải ngân đầu tư công vì nhu cầu vay tài trợ các dự án lớn sẽ tăng cao theo quá trình tăng giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực có tiềm năng và dự kiến có nhu cầu tăng cao vào cuối năm nên các ngân hàng thương mại có thể tận dụng lĩnh vực này để đẩy tín dụng.

Trong văn bản số 5596/NHNN-VP chỉ đạo triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật...

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, không nên thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng mọi cách bởi tăng trưởng tín dụng cao không có nghĩa là sẽ tác động tích cực hoàn toàn tới nền kinh tế.

Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Cấn Văn Lực nhận xét, tín dụng vẫn chiếm 135% GDP, mức tương đối cao so với quy mô nền kinh tế cũng như mức độ phát triển kinh tế. Do đó, các ngân hàng cần tập trung nhiều hơn vào việc đảm bảo chất lượng tín dụng, hướng tín dụng đến các nhu cầu thiết thực của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, các ngân hàng thương mại vừa phải đảm bảo tín dụng tăng trưởng có lợi nhuận, nhưng cũng phải hạn chế nợ xấu; bởi nếu cứ cố tăng dư nợ, thậm chí hạ chuẩn tín dụng, thì sẽ khó tránh được về phía ngân hàng.

Quan điểm nhất quán của Ngân hàng Nhà nước là không hạ chuẩn cho vay. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng đã từng chia sẻ, bài toán đặt ra là làm thế nào để Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng là không được phá vỡ các tiêu chí về an toàn.

“Nếu như hạ chuẩn cho vay hoặc phá vỡ các tiêu chí về đảm bảo an toàn thì hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn trở lại như đã từng xảy ra trong giai đoạn trước đây, gây hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Những tháng cuối năm 2020, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, chú trọng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi sau dịch. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, ngành ngân hàng sẽ tích cực triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà ở xã hội, công nghiệp hỗ trợ, các dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước.

Với những nỗ lực trên cùng với dịch bệnh đang được kiểm soát tạo sự phục hồi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ khả thi ở mức 9%, Ngân hàng Nhà nước dự báo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả