Tín dụng mở rộng nhanh, ngân hàng kỳ vọng nới room
Tín dụng quý I/2021 như lò xo nén, bật tăng 3-4%, khiến nhiều ngân hàng mạnh dạn đặt mục tiêu tăng tín dụng năm nay cao gấp đôi, gấp ba hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp.
Ngân hàng tăng tốc cho vay
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, năm nay, May Hưng Yên dự kiến tăng trưởng 5-10%, cao hơn cả mức tăng trưởng trước thời điểm dịch bệnh. Hiện tại, Công ty đã có đơn hàng đến hết tháng 7/2021.
Không chỉ May Hưng Yên, kinh tế thế giới hồi phục khả quan sau dịch bệnh khiến đơn hàng của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh tăng mạnh trở lại. Nhờ vậy, nhu cầu vay vốn để nhập khẩu nguyên liệu, trả lương công nhân, mở rộng sản xuất… cũng tăng cao. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đề nghị ngân hàng nới hạn mức cho vay để tận dụng cơ hội bứt phá.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho hay, quý I/2021, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế thường rất thấp, nhưng năm nay, tại OCB, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng mạnh ngay từ đầu năm.
Không chỉ OCB, nhiều ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng tín dụng 3-4% ngay trong quý I/2021, như ACB, VCB, VPBank… Do nhu cầu vay vốn của nền kinh tế tăng mạnh trở lại, dù NHNN cấp hạn mức tín dụng đầu năm khá thấp, song hầu hết các ngân hàng đều rất lạc quan với tăng trưởng tín dụng cả năm.
Một cuộc khảo sát vừa được NHNN thực hiện cuối quý I/2021 cho thấy, các tổ chức tín dụng dự báo tăng trưởng tín dụng quý II/2021 sẽ đạt 5,09% và đạt gần 15% vào cuối năm nay (tăng so với mức 13% dự báo trước đó). Kết thúc quý I/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 2,3%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 1%.
Kỳ vọng NHNN nới room tín dụng
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, các ngân hàng đang trong cảnh dư thừa tiền, không dám bừa bãi cho vay tín dụng bất động sản và tín dụng rủi ro do bị NHNN kiểm soát chặt bằng “cây gậy và củ cà rốt”. Chính vì vậy, các ngân hàng kỳ vọng, NHNN sẽ sớm nới room tín dụng để các ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, cũng là để tận dụng cơ hội kinh doanh.
“Chúng tôi kỳ vọng, NHNN sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thể tăng trưởng tín dụng tốt. Hiện nay, thanh khoản của hệ thống dư thừa rất lớn. Do thừa tiền, các ngân hàng đang hạn chế huy động vốn, không tăng lãi suất huy động, muốn đẩy tiền ra càng sớm càng tốt”, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay.
Không chỉ kỳ vọng, rất nhiều ngân hàng cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua mục tiêu tăng tín dụng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 4 lần hạn mức tín dụng được NHNN cấp. Đơn cử, VIB được NHNN cấp room tín dụng 8,5% đầu năm, song Đại hội đồng cổ đông ngân hàng này vừa thông qua mục tiêu tăng tín dụng 31% năm 2021.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB lý giải, nhiều năm nay, NHNN luôn linh động điều chỉnh hạn mức tín dụng, căn cứ vào diễn biến thị trường.
Tương tự, Vietcombank được NHNN giao hạn mức tín dụng 10,5% đợt đầu, song ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, nếu được NHNN điều chỉnh, ngân hàng này có thể tăng tín dụng 14% trong năm nay.
Thực tế, nhiều năm qua, các ngân hàng thương mại đã khá quen với cách thức điều hành tín dụng linh hoạt của NHNN. Theo đó, cơ quan quản lý không chốt cứng hạn mức tín dụng từng năm mà sẽ linh hoạt điều chỉnh dựa trên chất lượng tín dụng cũng như khả năng tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng và nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, NHNN nên xem xét loại bỏ dần việc cấp hạn mức tín dụng, vì đây là một giấy phép con với doanh nghiệp. Thay vào đó, cơ quan quản lý nên điều hành bằng các chỉ tiêu an toàn khác.
Mặc dù tín dụng có khả năng phục hồi mạnh trong năm nay, song theo nhận định của các tổ chức tín dụng, lãi suất sẽ khó tăng, thậm chí giảm, vì ngân hàng vẫn đang trong tình trạng dư thừa thanh khoản. Kết quả điều tra dự báo của NHNN mới đây cho thấy, theo các tổ chức tín dụng, thanh khoản của toàn hệ thống năm 2021 có thể không còn dồi dào như năm 2020 do tín dụng phục hồi, song nhìn chung, thanh khoản toàn hệ thống vẫn ở trạng thái tốt, ngân hàng thừa tiền. Đây cũng là lý do, một loạt ngân hàng đề ra mục tiêu không tăng trưởng vốn huy động trong năm nay nhằm giảm bớt tình trạng dư thừa vốn.
Theo dự báo của các tổ chức tín dụng, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong quý II/2021 và cả năm 2021, cơ bản xoay quanh mức lãi suất phổ biến ở cuối năm 2020. Bước sang năm 2022, lãi suất bình quân toàn hệ thống có thể tăng thêm 0,34 điểm phần trăm, nếu nền kinh tế tiếp tục phục hồi.
Thông thường, tín dụng tăng thì lãi suất sẽ tăng, song hiện có 2 yếu tố khiến quy luật này thay đổi.
Thứ nhất, ngân hàng đang thừa tiền rất nhiều, chỉ muốn đẩy vốn ra, mà không muốn huy động vốn, khiến lãi suất huy động không thể tăng cao.
Thứ hai, đang có sự cạnh tranh rất lớn giữa các ngân hàng về lãi suất cho vay. Nếu doanh nghiệp là khách hàng vay vốn của 2 ngân hàng, thì họ sẽ lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp, vì vậy lãi suất cho vay cũng sẽ “kìm” nhau.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận