24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
TS. Phan Minh Ngọc Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tín dụng gì cũng phải mang tính thương mại

Quy mô khoản cho vay càng lớn có nghĩa là rủi ro tín dụng tập trung càng lớn, nên khi một con nợ mất khả năng thanh toán sẽ làm tăng vọt tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng lên.

Ở các nước đang phát triển, một trong các vấn đề nổi cộm là chính sách tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, và hộ gia đình để tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo.

Việt Nam với hình thái xã hội “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì càng không chỉ đặc biệt coi trọng vấn đề này mà còn cả vấn đề cho vay “theo định hướng”, theo chỉ đạo để chứng tỏ đó là một ưu việt hơn hẳn các hình thái xã hội khác.

Cho vay theo chỉ đạo qua các ngân hàng thương mại đã để lại nhiều hậu quả

Cho vay theo định hướng, theo chỉ đạo có thể diễn ra với các ngân hàng thương mại nói chung (NHTM). Mô thức chung là nhà nước đưa ra một chương trình, đối tượng cho vay ưu tiên nào đó và “khuyến khích” các NHTM tham gia, hưởng ứng. Thông thường, những đối tượng vay vốn trong các chương trình này thuộc dạng dưới chuẩn nên tất nhiên là nếu nhà nước chỉ hô hào, khuyến khích không thôi thì sẽ không có ngân hàng nào tự nguyện cho vay các đối tượng này, do rủi ro mất vốn là rất cao. Bởi vậy, để việc cho vay được diễn ra hanh thông theo ý chí, nhà nước buộc phải đưa ra những đảm bảo, cam kết và/hoặc đãi ngộ đặc biệt cho các NHTM hưởng ứng lời kêu gọi của mình dưới dạng, ví dụ, bù lãi suất, miễn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với lãi suất và điều kiện ưu đãi...

Với đầu vào được bảo đảm như vậy, hậu quả tất yếu là các NHTM sẽ mất đi động lực xét duyệt, thẩm định con nợ và khoản vay, theo dõi sử dụng vốn vay và trả nợ. Thậm chí còn xảy ra tình trạng “đục nước béo cò”, với sự trục lợi của cán bộ tín dụng ngân hàng (bắt tay với con nợ).

Trên thực tế, thật hiếm thấy một chủ trương cho vay theo chỉ đạo, theo sự định hướng, vận động, khuyến khích của Chính phủ và các cơ quan chủ quản như NHNN nào đó lại thành công (mà không để lại “tì vết”, hậu quả lớn cho ngân sách). Điều này được minh họa qua các thảm họa mang tính đại diện như chương trình mía đường, xi măng lò đứng, đánh bắt xa bờ, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, phát triển sân bay, cảng biển...

Cho vay định hướng qua các ngân hàng chuyên biệt cũng nhiều vấn đề

Việc khuyến khích, động viên của nhà nước trong cho vay theo định hướng không phải lúc nào cũng được hưởng ứng nhiệt liệt và “hết mình” bởi các NHTM vì những rủi ro đi kèm với loại hình cho vay kiểu này không thể dễ dàng mà “đẩy” hết cho NHNN “gánh”, ít nhất thì cũng bởi độ chễ chính sách, hoặc bị rơi vào tình trạng “chờ được mạ thì má đã sưng”.

Do đó, nhà nước đã cho lập ra các ngân hàng chuyên để phục vụ mục đích này. Đó là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Điểm chung của hai ngân hàng này là đều là ngân hàng phi lợi nhuận, được nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 0%, và không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Hai ngân hàng này có một số khác biệt. Về nguồn vốn, VDB được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý. Về đối tượng phục vụ, VDB tập trung vào các hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của nhà nước được Chính phủ và Thủ tướng quyết định, trong khi NHCSXH có nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (1).

Tuy cùng là ngân hàng phi lợi nhuận, phục vụ ý chí của nhà nước nhưng kết quả hoạt động dưới góc độ bảo toàn vốn nhà nước giữa hai ngân hàng này lại rất khác nhau. Như báo chí đã loan tải, VDB hoạt động thua lỗ nặng, bị âm vốn ở mức độ lớn với tỷ lệ nợ xấu cao (tại thời điểm 12/2018 là 17,2% tổng dư nợ). Trái ngược với VDB, NHCSXH lại có mức nợ xấu rất thấp (thường xuyên dưới 1% tổng dư nợ), trong khi tổng dư nợ lại rất lớn (đạt hơn 200 nghìn tỷ đồng tính đến 30/9/20190.

Việc VDB thua lỗ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước là điều hoàn toàn không bất ngờ, đã được đoán trước từ mô hình hoạt động mà cả đầu vào và đầu ra được nhà nước “bao” (ở mức độ cao hơn nhiều) như với trường hợp các NHTM tham gia các chương trình cho vay theo định hướng của nhà nước như đã nói ở phần trên.

Vậy điều bất ngờ đáng nói ở đây là kết quả hoạt động của NHCSXH lại trái ngược với VDB, không đúng như “tiếng xấu” dành cho loại hình ngân hàng hoạt động theo định hướng của nhà nước. Do đó, câu hỏi liên quan được đặt ra ở đây là tại sao cùng là loại hình tín dụng duy ý chí nhưng loại hình này thì thành công còn loại hình kia lại thua lỗ nặng nề? Điều gì tạo nên sự khác biệt này?

Vẫn phải mang tính thương mại

So sánh đối tượng phục vụ của hai ngân hàng, có thể thấy quy mô tín dụng càng lớn thì tỷ lệ nợ xấu, thua lỗ, thất thoát cũng càng lớn. Điều này là tất yếu bởi quy mô khoản cho vay càng lớn có nghĩa là rủi ro tín dụng tập trung càng lớn, nên khi một con nợ mất khả năng thanh toán sẽ làm tăng vọt tỷ lệ nợ xấu của VDB lên. Trong khi ở NHCSXH, các khoản cho vay thường chỉ vài triệu đến vài chục triệu cho một khoản vay/người vay trong hàng vạn khoản vay/người vay, nên tỷ lệ nợ xấu đương nhiên sẽ ở mức thấp hơn nếu các điều kiện khác không thay đổi. Bởi vậy, điểm thứ nhất có thể rút ra là với các ngân hàng cho vay theo chỉ đạo, để hạn chế nợ xấu và cụt vốn thì cần phải giảm thiểu rủi ro cho vay tập trung vốn, tức bằng cách giảm quy mô cho vay với từng con nợ.

Điểm thứ hai tạo ra sự khác biệt trong kết quả hoạt động của hai ngân hàng là sự bảo trợ, bảo hộ, giám sát, đôn đốc trả nợ. Với NHCSXH, thông qua công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân..., người vay tiềm năng được được bình xét và giới thiệu vay vốn (như một hình thức bảo lãnh không chính thức). Kết hợp với khoản vay nhỏ, người vay trong một cơ chế “kèm cặp tại gia” chặt chẽ như vậy muốn “xù” nợ cũng khó. Việc cho vay và trả nợ do đó thường diễn ra suôn sẻ, ít phát sinh vấn đề hơn.

Với mô hình cho vay của VDB, quan hệ tín dụng diễn ra hầu như chỉ giữa hai bên, ngân hàng và người vay. Trong khi đó, như đã nói, nhà nước “bao” cả đầu vào và đầu ra cho VDB, với đầu vào là nguồn vốn được nhà nước lo, cứ hụt lại được bơm đầy (nhờ được bù lãi suất và chi phí quản lý), và đầu ra là các đối tượng theo chỉ đạo cho vay mà ngân hàng nhiều khi không thể nói không dù muốn. Trong có chế cho vay đó, thật dễ để để cho cả người cho vay và kẻ đi vay coi tín dụng theo chỉ đạo là con bò sữa tha hồ mà vắt mà không phải gánh chịu trách nhiệm gì, thua lỗ đã có nhà nước gánh chịu. Vì thế, những yếu tố thương mại làm căn cứ để xét duyệt cho vay thông thường cần phải có với mọi khoản tín dụng thương mại đều bị xem nhẹ, bỏ qua. Việc cho vay vốn cứ thế mà triển khai mà chẳng cần phải bận tâm mấy đến lịch sử tín dụng của con nợ, có bảo lãnh/tài sản bảo đảm hay không, sử dụng vốn có đúng mục đích hay không... Thực trạng này càng trầm trọng thêm nếu những người có trách nhiệm ở ngân hàng có động cơ trục lợi, cố tình nhắm mắt bỏ qua – một rủi ro khó có thể loại trừ.

Như vậy, nếu phải so sánh hai mô hình NHCSXH và VDB, tuy cùng là ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, phi lợi nhuận, và cho vay theo chỉ đạo, định hướng, điều mang lại thành công cho NHCSXH là quy mô khoản vay nhỏ, không được nhà nước “bao” lãi suất và phí quản lý, được lựa chọn khách vay (thông qua ủy thác cho và hợp tác với hội đoàn cơ sở để giới thiệu và đôn đốc con nợ). Nói cách khác, cho dù là cho vay theo chính sách, về cơ chế có thể nói NHCSXH vẫn phải vận hành và quản lý tín dụng và con nợ như một ngân hàng thương mại thông thường khác nếu không muốn bị thua lỗ, cụt vốn (và không được bù đắp bởi ngân sách). Ở đây xin không bàn đến chất lượng và mức độ “trong sạch”, cũng như phương châm hoạt động của đội ngũ quản lý ở hai ngân hàng.

Trên hết, phải tiến tới chấm dứt cho vay theo chỉ đạo

Nếu áp dụng nguyên tắc hoạt động mang tính thương mại hơn (với quy mô cho vay nhỏ) của NHCSXH cho VDB, sẽ dẫn đến hậu quả là nhiều con nợ tiềm năng sẽ không được vay vốn ưu đãi của VDB để rồi các định hướng chính sách sẽ không được thực hiện, làm cho mô hình này tự phủ nhận, và đây sẽ là cơ sở để nhiều người phản đối cải tổ mô hình hoạt động của VDB. Đến đây sự việc tỏ ra bế tắc.

Nhưng cần suy nghĩ rộng hơn ra bên ngoài cái hộp. Sự thất bại và tai tiếng của VDB như hiện thời có phần nguyên nhân quan trọng là thực tế những chỉ đạo cho vay từ các cơ quan có thẩm quyền phần lớn rất duy ý chí, định thay thế thị trường để điều tiết các nguồn lực nhằm hướng đến một cái đích tưởng tượng nào đó. Để tránh điều này, nhà nước cần giảm thiểu mọi định hướng và chỉ đạo, đặc biệt liên quan đến tín dụng ngân hàng.

Nếu vẫn cứ muốn duy trì VDB để tăng cường tín dụng theo định hướng thì hãy cải tổ nó thành một NHTM nhà nước với đầu vào là nguồn vốn ưu đãi của nhà nước, đầu ra tuy tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển nhưng phải theo các nguyên tắc hoạt động của NHTM thông thường (trong việc lựa chọn, xét duyệt cho vay và theo dõi, thu hồi nợ). Ban lãnh đạo VDB nếu không điều hành ngân hàng với phương châm bảo toàn vốn thì cần bị xử lý, thay thế ngay khi chưa quá muộn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

TS. Phan Minh Ngọc Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả