Tín dụng đến cuối tháng 7 tăng trưởng 4.3% so với đầu năm
Báo cáo từ một số CTCK cho thấy tăng trưởng tín dụng lũy kế đến cuối tháng 7 có thể đã sụt giảm so với mức cuối tháng 6 (-0.4%).
Tín dụng đến cuối tháng 7 tăng trưởng 4.3% so với đầu năm
Bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần 31/07-04/08/2023 do CTCK SSI công bố cũng cho biết trong cuộc họp thường kỳ tháng 7, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 7 được ghi nhận là 4.3% so với cuối năm 2022 - giảm nhẹ so với mức 4.7% được công bố vào cuối tháng 6.
Đẩy mạnh tín dụng nhưng không hạ chuẩn tín dụng là mục tiêu lớn nhất mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cho việc điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, gói chính sách hỗ trợ ngành lâm thủy sản (trị giá 15 nghìn tỷ đồng) hay tiếp tục thực hiện cơ cấu khoản nợ (hoãn, giãn) theo Thông tư 02/2023 là những nội dung được đẩy mạnh, bên cạnh kết hợp chính sách tài khóa mở rộng, bao gồm thúc đẩy giải ngân đầu tư công và các biện pháp hỗ trợ kích cầu tiêu dùng nội địa.
Sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế yếu
Theo Báo cáo vĩ mô tháng 8/2023 của CTCK DSC công bố ngày 10/08, dù cho vay được với mức lãi suất cao, nhiều ngân hàng vẫn rất e ngại, không duyệt tín dụng với các doanh nghiệp khó khăn. Với các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt, được vay lãi suất rẻ, do triển vọng kinh doanh chưa rõ ràng, nhiều doanh nghiệp lựa chọn không đi vay thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Do hiện trạng trên, sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế năm 2023 rất yếu. Đến hết tháng 7, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4.3%, giảm nhẹ từ mốc 4.7% cuối tháng 6.
Kinh tế Việt Nam trong tháng 7 có những dấu hiệu khởi sắc ban đầu
Theo báo cáo “Cập nhật kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán: Thách thức cơ hội đan xen” do CTCK Mirae Asset công bố ngày 11/08/2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về mặt chính sách.
Với nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam trong tháng 7 đã có những dấu hiệu khởi sắc ban đầu. Cụ thể, xuất khẩu thu hẹp đà giảm với xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng dương trong 7 tháng đầu năm. Thêm vào đó, dòng vốn FDI đăng ký mới đã cải thiện đáng kể. Du lịch kỳ vọng hồi phục nhờ khách quốc tế từ Trung Quốc khi Trung Quốc đang thực hiện chính sách kích cầu kinh tế. Thêm vào đó, việc nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày kể từ 25/08 có thể góp phần tăng số lượng khách quốc tế và doanh thu dịch vụ du lịch, lưu trú, lữ hành trong các tháng tới.
Trong các tháng còn lại, Mirae Asset kỳ vọng đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, cũng như tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ và NHNN.
Do lạm phát tiếp tục hạ nhiệt và dư địa chính sách trong việc điều hành tỷ giá, NHNN đã chuyển hướng sang chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Tuy vậy, Mirae Asset cho rằng lạm phát trong các tháng cuối năm 2023 có thể chịu áp lực bởi một số yếu tố: (1) Giá điện tăng kể từ tháng 5; 2) Giá xăng dầu thế giới đang tăng trở lại; 3) Hiện tượng El Niño có thể ảnh hưởng xấu tới nguồn cung thực phẩm; thêm vào đó, giá gạo tăng do lo ngại nguồn cung gạo khi Ấn Độ cấm xuất khẩu.
Chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng hỗ trợ
Trong báo cáo ghi nhận số liệu chính thức của NHNN, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4.73% so với cuối năm 2022 (tương đương mức tăng 9.3% so với cùng kỳ), cách khá xa so với mức NHNN giao là 14%. Trong đó, điểm sáng là tín dụng cho ngành thương mại (+11.8%) và ngành xây dựng (+12.5%) giữ được đà tăng hai chữ số so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng cho ngành vận tải và viễn thông đã có sự phục hồi gần đây (+6.1%), tuy nhiên tăng trưởng tín dụng ngành nông nghiệp (+2.9%) và công nghiệp (+2.7%) vẫn tiếp tục suy yếu.
Đáng chú ý, theo ước tính của NHNN, tăng trưởng tín dụng lũy kế đến cuối tháng 7 có thể đã sụt giảm so với mức cuối tháng 6 (-0.4%).
Chính sách tiền tệ kỳ vọng được điều hành theo hướng hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong khi cân bằng giữa hai mục tiêu là ổn định tỷ giá và giảm lãi suất cho vay.
Mirae Asset kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm trong thời gian tới nhờ: (1) Lạm phát hạ nhiệt và được kỳ vọng mức lạm phát bình quân cả năm sẽ đạt mức mục tiêu của Chính phủ là dưới 4.5%; 2) dư địa trong điều hành chính sách tỷ giá và ít áp lực hơn từ việc USD lên giá; 3) lãi suất huy động bình quân cuối tháng 7 đã giảm khoảng 170 điểm cơ bản đối với kỳ hạn 12 tháng và giảm 130 điểm cơ bản đối với kỳ hạn 6 tháng (so với mức giảm 150 điểm cơ bản của lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu).
Ngoài ra, một số ngành nghề ưu tiên có được chính sách hỗ trợ riêng. Chẳng hạn như trong tháng 7, các ngân hàng thương mại đã tham gia triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản và thủy sản (quy mô 15 nghìn tỷ đồng) với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận