Tín dụng có tín hiệu tăng tốc trở lại
Tín dụng tại cuối tháng 3 tăng lên đạt 0,6%, từ mức 0,25% tính đến 25/3, và từ mức âm 1% của 2 tháng đầu năm. Tín hiệu "quay xe" để tăng nhu cầu hấp thụ vốn trở lại đang khó rõ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống kê, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đến cuối tháng 3 đã đạt hơn 0,6% cho thấy sự cải thiện tích cực trong tháng 3 vừa qua.
Tín dụng đã có tín hiệu tăng tốc trở lại. (Ảnh minh họa: Quốc Tuấn)
Mặc dù mức độ và tốc độ tăng trưởng, bơm vốn ra nền kinh tế quý này đang khá thấp, nhưng đây đã được xem là những tín hiệu lạc quan khi nền kinh tế đang dần phục hồi, đặc biệt là xuất khẩu tăng mạnh và dự báo sẽ có tiếp tục tăng trong quý II. Các tổ chức tín dụng cũng đã lạc quan dự báo quý II/ 2024, dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,8% và tăng 13,6% trong năm 2024, điều chỉnh giảm 0,6 đpt so với mức dự báo 14,2% trước đó.
Các TCTD cũng nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng trong quý I/2024 là “cải thiện” đạt mức thấp hơn so với nhận định và kỳ vọng trước đó.
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, ffến cuối tháng 3/2024 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3.575 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 0,96% so với cuối năm 2023; tăng 9,45% so với cùng kỳ. Kết quả này phù hợp với tăng trưởng kinh tế Thành phố quý I/2024.
Theo NHNN, lãi suất bình quân các khoản vay mới hiện chỉ còn 6,4%/năm, giảm thêm 0,7% so với cuối năm 2023. Nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn và tạo điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với hồ sơ vay vốn.
Ông Lệnh cũng cho biết, với việc tín dụng tăng trưởng cao trở lại trong tháng 3/2024, với mức tăng 1,9% (sau khi tín dụng tăng trưởng âm 0,93% trong tháng 1/2024 và chỉ tăng 0,01% trong tháng 2/2024), có ý nghĩa quan trọng và phản ánh xu hướng tích trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và yêu cầu về hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trước tiên, theo P.GĐ NHNN chi nhánh TP HCM, tín dụng tăng trưởng trong tháng 03/2024 ở mức 1,9%, là mức tăng trưởng cao (tháng 3/2023 tín dụng tăng 1,4%; năm 2022 tăng 3,5% và năm 2021 tăng 1,8%), không chỉ phản ánh sự phù hợp và yếu tố tác động thuận lợi từ tăng trưởng kinh tế, từ hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ và du lịch trên địa bàn thành phố mà còn phản ánh xu hướng tăng trưởng trở lại của tín dụng trên địa bàn trong quý I/2024.
Kế tiếp, tăng trưởng tín dụng cải thiện cũng cho thấy chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHTW tiếp tục phát huy tác dụng. Chính lãi suất thấp, cùng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi đã và đang kích thích sản xuất phát triển, kích thích doanh nghiệp và hộ kinh doanh mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó có tác động tích cực đến sự phục hồi của thị trường bất động sản, với nhu cầu và giao dịch mua bán đã tăng trưởng hơn trong những tháng gần đây và tác động hiệu ứng đến tín dụng tiêu dùng trên địa bàn.
Riêng cho vay tiêu dùng cá nhân, đã giải ngân từ gói 20.000 tỷ với lãi suất ưu đãi (của các công ty tài chính tiêu dùng) trên địa bàn đạt gần 259 tỷ đồng, cho 10.554 khách hàng. Khoản vay nhỏ lẻ, song ý nghĩa lớn bởi đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đời sống của người dân, nhất là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp – khu chế xuất, góp phần cải thiện đời sống người dân và bảo đảm an sinh xã hội, cũng như góp phần phòng chống và hạn chế tín dụng đen trên địa bàn, ông nhấn mạnh
Sau cùng, tăng trưởng kinh tế, cùng cơ chế chính sách tốt không chỉ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp mà còn là nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển và tăng trưởng kinh tế, qua đó sẽ có tác động ngược trở lại kích thích tăng trưởng tín dụng. Đây chính là yếu tố quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn và tạo sự tuần hoàn và luân chuyển vốn trong nền kinh tế.
"Nếu xu hướng tăng trưởng kinh tế, cũng như tăng trưởng tín dụng hiện nay tiếp tục được duy trì tốt trong tháng 4/2024 và các tháng tiếp theo, sẽ là cơ sở nền tảng để một chu kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế và tín dụng được bắt đầu. Đây sẽ là chỉ dấu tích cực cho sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức", ông Nguyễn Đức Lệnh khẳng định.
Một số chuyên gia cũng cho biết, bên cạnh chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt đang khá hiệu quả đặc biệt trong cảnh nhu cầu hẹp và dư địa hẹp dần vì lạm phát và tỷ giá vẫn phải "canh chừng", đáng chú ý là hệ thống ngân hàng cũng đang ngày càng hướng đến sự cởi mở, minh bạch trong cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay.
Trong đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ tại Công điện về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm nay, các tổ chức tín dụng sẽ phải công khai mặt bằng lãi suất cho vay cũng như việc triển khai các gói tín dụng trước ngày 10/4. "Hiện, các Ngân hàng thương mại đã công khai mức lãi suất cho vay bình quân. Tiến đến, việc công khai mặt bằng lãi suất cho vay sẽ đồng nghĩa các bên đi vay có cơ hội, điều kiện để so sánh vốn vay, cũng như phía các ngân hàng thương mại cũng sẽ phải tính toán cân đối vốn sao cho mặt bằng có lãi suất cho vay phù hợp. Điều này là có lợi dài lâu cho nền kinh tế trong một nền kinh tế đặc thù mà doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vốn vay ngân hàng rất lớn", một chuyên gia nói.
So sánh về tăng trưởng tín dụng 3 năm. (Nguồn: FIDT)
Ông này cũng kỳ vọng các TCTD tiếp tục chủ động tổ chức thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách tín dụng- lãi suất của NHNN nâng cao chất lượng dịch vụ và tiếp tục cải cách hành chính, góp phần tiết giảm tối đa chi phí cho khách hàng và doanh nghiệp trong sử dụng vốn, dịch vụ ngân hàng, mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tham gia tích cực các chương trình tín dụng ưu đãi và hoạt động kết nối ngân hàng, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển.
"Tuy nhiên, một trong những vướng mắc để tiếp cận được vốn vay của doanh nghiệp hiện nay nằm ở chỗ tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay. Việc ngân hàng thương mại chỉ chăm chú trên tài sản mới định giá, duyệt vay có thể khiến ngân hàng vẫn khó thoát hình ảnh "tiệm cầm đồ". Do đó, hi vọng các ngân hàng sẽ nghiên cứu đề xuất Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và nguyện vọng của các doanh nghiệp, không thể "dìm" giá trị tài sản đảm bảo thế chấp khoản vay mà phải nâng tỷ lệ định giá tương xứng và bao gồm kỳ vọng địa ốc, triển vọng kinh tế phục hồi; lẫn mở rộng cho vay tín chấp phù hợp với đặc thù các doanh nghiệp hoạt động theo dự án, hợp đồng, doanh thu dòng tiền tương lai... chứ không có nhiều nhà cửa, tài sản...., ví dụ như nhóm xuất khẩu, nhóm dịch vụ, nhóm du lịch.v.v", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận