Tín dụng bất động sản chiếm hơn 19% tổng dư nợ nền kinh tế
Trong báo cáo vừa được Ngân hàng nhà nước trình Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, các lĩnh vực rủi ro bất động sản và chứng khoán đều tăng so với cuối năm ngoái. Đặc biệt tính đến tháng 8, tín dụng bất động sản, tăng tới 14,58%.
Theo Ngân hàng nhà nước, tính đến ngày 30-9, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.
Đến tháng 8, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 24,26% tổng dư nợ đối với nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, chiếm 18,67%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,21%, chiếm 3,16%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%, chiếm 2,91%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%, chiếm 0,41%.
Ngân hàng nhà nước cho biết tính đến tháng 8, tín dụng đối với bất động sản tăng tới 14,58% so với cuối năm ngoái - Ảnh: NAM TRẦN
Đối với các lĩnh vực rủi ro, đến tháng 8, tín dụng đối với bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế.
Lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 8,7%, chiếm 0,4%. Tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%, chiếm 20,69%. Ước đến tháng 9, các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4%.
Đối với cho vay dự án BOT, BT, Ngân hàng nhà nước cũng báo cáo hiện có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỉ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, Ngân hàng nhà nước đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành Ngân hàng hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, các cơ quan cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án. Mặt khác, các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng cần được tập trung xử lý.
Tính đến ngày 30-9-2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,86% so với cuối năm 2018. Về lãi suất, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định. Một số tổ chức tín dụng bao gồm các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; 6,6-7,3% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11% đối với trung và dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận