Tìm kịch bản cho giá vàng năm 2021
Giá vàng được dự báo có xu hướng tăng trở lại sau khi liên tục nằm ở vùng thấp nhất 12 tháng vào đầu tháng 3/2021. Trước chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, giới chuyên gia cho rằng cần có giải pháp để liên thông thị trường vàng.
Dự báo thị trường vàng 2021
Vàng đã có một năm 2020 đầy thành công khi tăng chọc đỉnh cao nhất mọi thời đại là 2.075 USD / ounce vào tháng 8/2020. Đầu năm 2021, vàng tiếp tục nhận được những dự báo tích cực từ giới phân tích. Chuyên gia đến từ các ngân hàng như Goldman Sachs, Commerzbank và CIBC có thời điểm dự báo,giá vàng có thể lên đến ngưỡng 2.300 USD/ounce.
Yếu tố dài hạn hỗ trợ giá vàng là chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của ngân hàng trung ương các nước; cùng với đó là áp lực lạm phát gia tăng do kinh tế phục hồi trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, giá vàng đã có khởi đầu khá chật vật cho năm 2021. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng và đồng USD mạnh hơn đã đè nặng lên kim loại quý này. Giá vàng thế giới đã giảm gần 200 USD/ ounce kể từ đầu năm 2021 đến nay - mức giảm mạnh khiến giá vàng rơi về mốc thấp nhất trong vòng một năm qua.
Giá vàng giao dịch hợp đồng tương lai tháng 6/2021 chốt phiên 9/4 ở mức 1.746 USD/ounce. Dự báo về chỉ số giá sản xuất tại Mỹ tăng 1% và lạm phát năm ước tính khoảng 4,3% - ngưỡng cao nhất tính từ tháng 9/2011. Mức tăng cao hơn đáng kể so với dự báo của giới chuyên gia có thể khiến cho lợi suất trái phiếu Mỹ tăng - là yếu tố bất lợi với giá vàng.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cho rằng, vàng có thể duy trì ở ngưỡng 1.750 USD/ounce, hoàn toàn có khả năng lên mức 1.800 USD/ounce trong ngắn hạn.
Một yếu tố được cho sẽ tác động tới giá vàng thời gian tới là tốc độ nợ công tăng cao và tăng trưởng cung tiền tại nhiều nước, các ngân hàng trung ương, đặc biệt Trung Quốc và Ấn Độ, nhiều khả năng sẽ mua mạnh vàng.
Trong khi thị trường thế giới điều chỉnh mạnh từ đầu năm, thì giá vàng trong nước lại khá “bình lặng”, treo ở quanh 55 triệu đồng/lượng, giảm gần 2% (khoảng 850.000 đồng/lượng) so với đầu năm, cao hơn giá thế giới khoảng 6 triệu đồng/lượng.
Đặt vấn đề khơi thông thị trường
Vàng trong nước thường có diễn biến cùng chiều với thị trường thế giới đi kèm độ trễ nhất định. Tuy nhiên, việc khoảng cách giá với thị trường quốc tế quá cao kéo dài trong thời gian gần đây dẫn tới nhiều lo ngại về rủi ro đối với các nhà đầu tư.
Giải thích cho hiện tương này, TS. Cấn Văn Lực cho biết, hiện nay không thể coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng, vì Chính phủ đã đưa vàng vào diện quản lý chặt chẽ và ổn định giá từ năm 2014. Hoạt động xuất nhập khẩu vàng được đưa về một mối là Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tuy nhiên, chênh lệch giá như hiện nay, theo ông Lực là một điểm cần lưu ý. Chi phí ở trong nước tương đối cao, từ công chế tác, tới thuế nhập khẩu và các loại phí giao dịch khác. Nhưng về lâu về dài, giá vàng trong nước không thể mãi “một mình một chợ”, cơ quan quản lý sẽ phải cân nhắc để làm sao giá vàng có sự cân bằng, liên thông với nhau.
“Hiện tượng giá vàng chênh lệnh quá lớn như hiện nay dẫn tới nguy cơ đầu cơ và nhập lậu”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính cũng cho rằng cần có giải pháp để thị trường vàng “mở” hơn với thị trường thế giới. “NHNN hiện nay là đơn vị duy nhất có thể xuất nhập vàng. Đây có lẽ là thời điểm nên xem xét có nên cho một số đơn vị khác cùng NHNN được nhập khẩu vàng, mua vàng trên tài khoản không? Theo tôi nên chọn từ 3 đến 4 nhà kinh doanh vàng có uy tín, thực lực về tài chính”, ông Hiếu nói.
Hiện nay có thể ví, NHNN như cái van của thị trường vàng, điều chỉnh lượng vàng nhập khẩu vào nền kinh tế. Khi nhập khẩu ít mà nhu cầu cao thì ắt giá vàng sẽ treo cao. Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, giá vàng treo cao tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả nhà đầu tư và nền kinh tế. Trong đó, nếu kiểm soát không tốt sẽ gia tăng nhập lậu vàng và chảy máu ngoại tệ.
Ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, hiện nay còn một lượng vàng lớn trữ trong dân, NHNN có thể nghiên cứu huy động bằng cách phát hành chứng chỉ vàng có lãi. Cùng với đó, để thị trường phát triển đúng nghĩa một kênh đầu tư cho người dân, cần có một sàn vàng như sàn chứng khoán, giúp thị trường vàng ổn định, liên thông với thế giới.
Dự báo về thị trường vàng thời gian tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vàng thế giới sẽ có xu hướng tăng trở lại vì lượng tiền lớn đưa vào lưu thông của Mỹ từ các gói cứu trợ sẽ làm tăng lạm phát, cùng với đó là chính sách nới lỏng tiền tệ của FED. Giá vàng trong nước được dự báo có diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới và có thể đạt mức khoảng 57-58 triệu đồng/lượng cho đến cuối năm.
Chiến lược gia cao cấp tại ngân hàng ANZ, ông Daniel Hynes nhận định yếu tố trực tiếp đẩy giá vàng tăng chính là kỳ vọng lạm phát. “Giá dầu tăng sẽ nhanh chóng tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu khi mà kinh tế thế giới cải thiện, kéo theo giá năng lượng tăng, giá vận tải hàng hóa và chi phí logistics chắc chắn sẽ tăng nhanh chóng. Kỳ vọng lạm phát đang tăng lên mang đến hỗ trợ quan trọng, và vàng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ các yếu tố này”, vị chuyên gia của ANZ nhấn mạnh.
Báo cáo của ANZ dự báo lạm phát, lãi suất thấp kết hợp với gói hỗ trợ tiền tệ và tài khóa sẽ khiến cho giá vàng đi ngang trong năm nhưng đến cuối năm sẽ bùng nổ ở mức 2.100 USD/ounce.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận