Tìm kênh đầu tư kinh doanh thời hậu dịch
Dù như thế nào đi nữa thì cơ hội cho NĐT vẫn luôn luôn có. NĐT vẫn kiếm được lợi nhuận nếu có khả năng dự báo tốt.
Chính phủ đang tập trung những giải pháp tái khởi động lại nền kinh tế thời hậu dịch. Theo đó, các nhà đầu tư (NĐT) cũng đang muốn tìm kênh đầu tư kinh doanh kiếm lời. Vậy kênh đầu tư có thể mang lại sinh lời tốt trong thời hậu dịch? Trao đổi với phóng viên, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank Kim Eng nhận định, vẫn có cơ hội kinh doanh đầu tư nhưng không nhiều vì tâm lý thị trường đang rất thận trọng.
Ông đánh giá tâm lý NĐT thời hậu dịch ra sao?
Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản đã phần nào được kiểm soát, kinh tế mở cửa trở lại, nhiều DN, cơ sở kinh doanh cùng các thành phần kinh tế khác cũng đã ngay lập tức bắt tay vào kinh doanh để bù lại “kỳ nghỉ tết” chắc là dài nhất thiên niên kỷ. Tôi nghĩ rằng, tình hình sau dịch có khả quan hơn, nhưng là từ mức thấp. Nên việc kinh doanh, đầu tư thời hậu dịch cần phải thận trọng một cách tối đa.
Thực tế người kinh doanh cũng như NĐT vẫn đang thận trọng với tâm lý phòng thủ nhiều hơn. Chẳng hạn như khi kênh BĐS vào thời điểm nóng chỉ cần sau một hồi trao đổi là giao dịch có thể thành công, NĐT xuống tiền. Nhưng giờ họ phải cân nhắc rất kỹ việc đầu tư đó có mang lại lợi nhuận hay không, độ chắc chắn có cao không. Hay nói ví von là NĐT phải “uốn lưỡi 7 lần chớp mắt cả trăm lần” để ra tiền đầu tư kinh doanh trong thời điểm này. Tất nhiên NĐT vẫn phải tìm kênh đầu tư nhưng với một tâm lý thận trọng hơn rất nhiều so với trước đây.
Vậy, theo ông, đâu là kênh đầu tư hội đủ tiêu chí của NĐT?
Tôi cho rằng, để tạo thanh khoản nhất định cho mình, các NĐT nên đa dạng hóa tài sản để họ không bị rơi vào thế bị động. Chẳng hạn chia một phần tài sản gửi tiết kiệm ngân hàng. Đây là kênh an toàn, có thanh khoản tốt. Hay có thể mua vàng đầu tư trung dài hạn. NĐT có thể đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán vẫn có cơ hội kiếm lời dù không phải quá nhiều. Bởi tuy triển vọng thị trường có vẻ đang tốt dần lên do kinh tế có dấu hiệu tích cực hơn, nhưng dòng tiền đang yếu dần, thanh khoản giảm đi. Đặc biệt, trong các nhóm NĐT trên thị trường, ngoại trừ các NĐT cá nhân trong nước là nhóm mua ròng duy nhất; các nhóm còn lại, từ NĐTNN, NĐT tổ chức trong nước cho tới các công ty chứng khoán tự doanh đều bán ròng. Tính từ thời điểm sau tết, NĐTNN đã bán ròng 14 tuần liên tiếp, NĐT tổ chức cũng bán ròng 5 tuần liên tục. Bởi thế, lực đỡ duy nhất của thị trường trong giai đoạn tăng vừa qua chủ yếu là từ nhóm NĐT cá nhân. Tuy nhiên, NĐT cá nhân thường ít vốn, tâm lý cũng yếu hơn NĐT khác vì tiền ít hơn và thường thích đầu tư ngắn hạn, lướt sóng, đầu cơ nhiều hơn. Do đó, với mức tăng quá khủng trong tháng 4 của TTCK, khả năng sẽ gặp đợt chốt lãi trong tháng tới nếu các nhóm NĐT khác không thay đổi quan điểm của mình, vẫn duy trì bán ròng mạnh.
Còn kênh BĐS, trong lịch sử thị trường này 4 lần trải qua cuộc khủng hoảng lớn và năm nay có thể là lần thứ 5. Nhưng những lần khủng hoảng trước thị trường này chỉ đóng băng, còn lần này, có thể kết hợp cả đóng băng và giảm giá. Giả dụ, thị trường BĐS có thể đóng băng ở những phân khúc có hạ tầng ổn định, còn phân khúc những dự án vướng pháp lý sẽ giảm giá. Thực tế, hiện nay dù nguồn cung BĐS đang giảm do nhiều dự án vướng mắc pháp lý chưa triển khai được, song lượng hàng tồn kho lại tăng do nhu cầu giảm sâu hơn cả cung hàng hóa mới. Khi cung cầu chưa cân bằng, thị trường sẽ gặp khó khăn. Tôi cho rằng, nếu kịch bản tốt nhất thì trong 1-2 quý nữa thị trường này mới bắt đầu hồi phục được còn không thì phải mất cả năm.
Nói như vậy, cơ hội kiếm lời từ các kênh đầu tư thời hậu dịch không mấy sáng sủa?
Dù như thế nào đi nữa thì cơ hội cho NĐT vẫn luôn luôn có. NĐT vẫn kiếm được lợi nhuận nếu có khả năng dự báo tốt. Ngay trên TTCK, cơ sở dòng tiền vẫn luôn nhịp nhàng ở các ngành và NĐT vẫn có thể nắm bắt cơ hội của mình như có thể mua nhóm cổ phiếu penny chip - nhóm cổ phiếu này đã giảm điểm một thời gian, sắp tới sẽ tăng trở lại. Ngoài ra, các NĐT có thể tham gia một số sản phẩm đầu tư an toàn khác như TPDN, TPCP, bảo hiểm kết hợp đầu tư...
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận