Tiêu dùng “yếu ớt”, Trung Quốc có nên học Mỹ tặng tiền cho dân?
Số lượng người ủng hộ việc Trung Quốc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân ngày một tăng.
Không ít người lên tiếng kêu gọi chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân, giống như những gì mà Mỹ và bản thân Hong Kong đã từng làm, nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến lược zero Covid.
Không thể phủ nhận Bắc Kinh đã nỗ lực rất nhiều nhằm đảo chiều xu hướng chi tiêu tiêu dùng “yếu ớt” kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hơn hai năm về trước, nhưng các chuyên gia kinh tế cho biết Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa để có thể thuyết phục người dân “mở rộng hầu bao”.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Trung Quốc đang ở mức thấp một cách đáng ngại, khi quốc gia này quyết tâm theo đuổi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, nhằm chặn đứng đà lây lan của biến chủng Omicron.
Một số chính quyền địa phương đã có những ý tưởng sáng tạo khi phát hành phiếu mua hàng ưu đãi nhằm kích cầu tiêu dùng.
Nhưng cơ quan quản lý tài chính của quốc gia này đã đưa ra cảnh báo về những tác động tiêu cực từ các biện pháp hỗ trợ kinh tế trên quy mô lớn, được áp dụng tại một vài quốc gia phương Tây.
Li Xunlei, Kinh tế trưởng tại Zhongtai Securities, là một trong số nhiều chuyên gia ủng hộ quan điểm Trung Quốc nên “học” theo Hong Kong phát phiếu mua hàng cho người dân.
Phiếu mua hàng được áp dụng tại Hong Kong. Ảnh: HKFP. |
Theo ước tính của ông, nếu chính phủ Trung Quốc và 20% những người giàu có nhất quốc gia này đóng góp 250 tỷ nhân dân tệ (tương đương 38 tỷ USD) mỗi năm, số tiền đó sẽ đủ để chu cấp cho khoảng 280 triệu người dân có thu nhập thấp, qua đó giúp đẩy chi tiêu tiêu dùng hàng năm của quốc gia này lên 750 tỷ nhân dân tệ.
Một phương án khác, ông cho biết, đó là chính phủ có thể hỗ trợ mỗi người dân của quốc gia này 1.000 nhân dân tệ (tương đương 153 USD). Đây là giải pháp dễ dàng và ít tranh cãi nhất, dù gánh nặng tài chính đè lên vai chính phủ là rất lớn.
“Phiếu mua hàng nên được phát hành bởi chính phủ trung ương càng sớm càng tốt”, Li chia sẻ trong một bài phỏng vấn công bố bởi China Finance 40 Forum.
Yang Weimin, phó giám đốc Ủy ban các vấn đề kinh tế, trực thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu tại quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng đồng tình với quan điểm này.
Chính quyền nên cân nhắc hỗ trợ tài chính cho những người mất thu nhập do đại dịch, ông chia sẻ trong một diễn đàn tổ chức với Tân Hoa Xã.
Quay trở lại thời điểm đầu năm 2020, Trung Quốc cho áp dụng một loạt các chính sách hỗ trợ tiền tệ, qua đó giúp nền kinh tế số 2 thế giới tăng trương tốt trong năm đó. Nhưng các biện pháp đó có quy mô không lớn như tại một số quốc gia phương Tây, làm dấy lên tranh cãi liệu Trung Quốc có nên làm điều tương tự hay không.
Washington hỗ trợ tài chính cho người dân Mỹ tổng cộng 3 lần, nhưng các nhà lập pháp lĩnh vực tài chính của Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo rằng những chính sách hỗ trợ đại dịch”khổng lồ” như vậy sẽ chỉ góp phần thúc đẩy lạm phát toàn cầu, đặt nặng gánh nặng tài chính lên vai các chính phủ và gia tăng tỷ lệ tiết kiệm.
Tuy nhiên, chính phủ trung ương lại lên tiếng tán thưởng ý tưởng phiếu mua hàng ưu đãi của nhiều địa phương trong năm 2020. Nhưng người tiêu dùng phải tiêu nhiều tiền hơn mới có thể sử dụng những tấm phiếu mua hàng đó. Và kết quả là, phương pháp này có thể ảnh hưởng tới các khoản chi tiêu cá nhân khác, theo báo cáo thực hiện bởi China International Capital Corporation.
“Hỗ trợ tiền mặt (tại Mỹ) giúp gia tăng thu nhập khả dụng của người dân. Tiết kiệm và tiêu dùng đều tăng lên, khiến cho nhu cầu hàng hóa tăng mạnh và đồng thời duy trì sự độ ổn định tài chính của người dân”.
Lãnh đạo Trung Quốc trong tháng 12/2021 nhấn mạnh “sự sụt giảm nhu cầu” là một trong “ba áp lực chính” mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ đã giảm 3,5% trong tháng 3 vừa qua, lần sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2020, khi Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm dịch bệnh tồi tệ nhất trong vòng hơn 2 năm.
“Việc giới hạn các hoạt động sản xuất, trong đó bao gồm các lệnh phong tỏa trên quy mô lớn, đã ảnh hưởng không nhỏ lên thu nhập của người dân”, Hung Yiping, giáo sư kinh tế tại trường Đại học Bắc Kinh, chia sẻ tại diễn đàn châu Á Bác Ngao hồi tuần trước.
Ông cảnh báo rằng tiêu dùng yếu sẽ kéo tụt lợi nhuận doanh nghiệp, ảnh hưởng tới đầu tư phát triển.
“Phương án khả dĩ nhất (nhằm kích thích tiêu dùng) đó chính là trợ cấp tiền mặt cho người dân, đặc biệt là những hộ gia đình có thu nhập thấp”, ông nói.
Ngày càng có nhiều người ủng hộ chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính cho người dân để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Xinhua. |
Nhưng ngay cả khi Trung Quốc làm được điều đó, thì khuynh hướng tiêu dùng tại đây cũng sẽ thấp hơn nhiều so với Mỹ, vì những vấn đề mang tính cấu trúc, theo Max Zenglein, kinh tế trưởng tại Mercator Institute for China Studies.
“Nếu như quan điểm phòng dịch hiện tại không thay đổi, sẽ rất khó để Trung Quốc có thể gặt hái được thành công khi áp dụng những giải pháp tương tự”, Zhenglein cho biết.
Đầu tháng 4, Chính quyền thành phố Bắc Kinh thông báo rằng lượng phiếu mua hàng trị giá hơn 300 triệu nhân dân tệ sẽ được phân phát tới người dân trong giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 9 năm nay. Tuy nhiên chúng là những phiếu mua hàng giảm giá, gắn liền với một số hàng hóa nhất định, khác nhiều so với phiếu mua hàng đã được áp dụng tại Hong Kong.
Hiện tại, một vài thành phố khác tại Trung Quốc đã hùa theo số đông, trong đó có cả Thâm Quyến và Ninh Ba, khi thông báo trong ngày 27/4 rằng họ sẽ phát hành lượng phiếu mua hàng trị giá lần lượt 500 triệu và hơn 300 triệu nhân dân tệ.
Các thông báo được đưa ra trước khi Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ ngày 30/4, quãng thời gian tiềm năng của ngành bán lẻ.
Wendy Liu, hiện đang là quản lý vận hành của một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Thâm Quyến, cho biết cô sẽ chỉ sử dụng phiếu mua hàng khi mua sắm các hàng hóa cần thiết thường nhật, để tiết kiệm chút tiền.
“Nhưng tôi sẽ không chi thêm tiền để tận dụng hết số phiếu mua hàng đó, vì thu nhập của tôi đã bị ảnh hưởng nhiều trong suốt 2 năm qua, và tôi còn phải tiết kiệm thêm tiền để chi trả học phí cho con và các khoản vay ngân hàng”.
Và Huang Weijie, chủ một tiệm quần áo tại tỉnh Quảng Đông, với doanh thu chưa tới 1.000 nhân dân tệ mỗi ngày vì đại dịch, cho biết: “Tôi không cần những phiếu mua hàng đó, dưới bất cứ hình thức này, vì tôi không có đủ điều kiện để dùng đến chúng”, anh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận