menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hoàng Tuấn

Tiết kiệm nhiều, nhưng tiền không ra được khỏi “tủ”!

Nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam khá mạnh với lượng tiết kiệm nhiều, nhưng vấn đề ở chỗ nguồn tiết kiệm này không được chuyển hóa hết vào đầu tư mà còn nằm ở dạng “tiền tệ”. Bên cạnh đó, nguồn lực của nền kinh tế cũng phụ thuộc không nhỏ vào kiều hối.

Nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam ra sao? Trả lời cho câu hỏi này, nếu chỉ nhìn vào quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) để đánh giá về nguồn lực của nền kinh tế thì có thể không phản ánh hết nguồn lực thực sự, vì theo nguyên tắc thường trú trong tính toán thì GDP bao gồm cả phần thặng dư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khoản này có thể được giữ lại nhưng cũng có thể các doanh nghiệp này chuyển lợi nhuận về công ty mẹ hoặc nước mẹ.

Theo Niên giám Thống kê, tăng trưởng bình quân của khoản chi trả sở hữu trong giai đoạn 2013-2018 cao hơn mức tăng trưởng GDP bình quân cùng giai đoạn khoảng 11 điểm phần trăm, điều này khiến thu nhập quốc gia (GNI) ngày càng chiếm tỷ trọng nhỏ đi so với GDP.

Năm 2013, thu nhập quốc gia bằng 96% GDP, đến năm 2018 tỷ lệ này còn 92% GDP. Số liệu của cơ quan thống kê dừng ở thu nhập quốc gia. Thu nhập quốc gia cộng thêm với khoản chuyển nhượng thuần (cơ bản là kiều hối) và thuế trực thu là thu nhập quốc gia khả dụng (NDI).

Ước tính từ số liệu của Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho thấy thu nhập quốc gia khả dụng so với GDP năm 2013 là 113%, đến năm 2018 tỷ lệ này còn 110%. Thu nhập quốc gia khả dụng trừ đi phần tiêu dùng cuối cùng của dân cư và chi thường xuyên của Chính phủ là tiết kiệm (saving) của nền kinh tế.

Theo ước tính, tiết kiệm của nền kinh tế trong GDP chiếm tỷ trọng cao hơn đầu tư thực hiện trong GDP.

Tuy nhiên khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư ngày càng bị thu hẹp: năm 2013 tỷ lệ tiết kiệm so với GDP là 41% trong khi đầu tư so với GDP là 31%, khoảng cách giữa hai tỷ lệ này chênh nhau 10 điểm phần trăm; đến năm 2018 tỷ lệ tiết kiệm so với GDP giảm xuống 36%, trong khi tỷ lệ đầu tư so với GDP tăng lên 33%.

Về nguyên tắc, tiết kiệm lớn hơn đầu tư cho thấy nguồn lực của nền kinh tế là ổn, tuy nhiên nguồn lực này ngày càng có xu hướng nhỏ đi. Như vậy có thể kết luận rằng: nguồn lực của nền kinh tế là khá mạnh, kinh tế Việt Nam còn dư địa để phát triển.

Tiết kiệm nhiều, nhưng tiền không ra được khỏi “tủ”!

Một nghịch lý là dù tiết kiệm của nền kinh tế lớn hơn đầu tư, nhưng vẫn vay quá nhiều. Theo Sách trắng công bố bởi Tổng cục Thông kê, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của cả nền kinh tế tăng từ mức 2,1 lần bình quân giai đoạn 2011-2016 lên 2,5 lần năm 2017, trong đó doanh nghiệp nhà nước tăng từ 3,02 lần bình quân giai đoạn 2011-2016 lên 4,24 lần năm 2017.

Điều này chỉ có thể lý giải lượng tiết kiệm nhiều nhưng cơ bản vẫn mang tính tiền tệ và không đi vào sản xuất. Vậy nút thắt là gì? Phải chăng nút thắt là trên nóng dưới lạnh; trên muốn kiến tạo nhưng ở phía dưới nạn tham nhũng vặt vẫn hoành hành ngày càng công khai.

Ví dụ, cứ đến Tết Nguyên đán là đào đường lấp đường nhằm được ngân sách giải ngân, là “xin đểu” doanh nghiệp. Như vậy, người dân sẽ không muốn đầu tư hoặc mở rộng sản xuất, không ít doanh nghiệp “sợ không dám lớn”. Đúng như nhận định của Thủ tướng Chính phủ trong hội nghị trực tuyến của Chính phủ và các địa phương ngày 31-12-2019 rằng khâu hành động là một trong những điểm nghẽn phải khắc phục trong thời gian tới.

Một nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế so với GDP ngày càng nhỏ đi là do việc chi trả sở hữu ngày càng lớn khiến lượng kiều hối không thể bù đắp nổi. Như vậy cần có chính sách hài hòa và cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là chính sách thuế và chính sách đất đai

Giả sử nguồn kiều hối không còn, thì tiết kiệm của nền kinh tế sẽ xấp xỉ lượng đầu tư hàng năm, thậm chí là từ năm 2015 tiết kiệm còn nhỏ hơn đầu tư.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả