Tiếp tục xem xét hạ lãi suất, giảm thuế phí
Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia thống nhất mục tiêu: ngành tài chính ngân hàng tiếp tục xem xét hạ lãi suất, giảm thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Các gói chính sách phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn
Sáng 9/7, tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, các thành viên hội đồng đều chung nhận định, mặc dù Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng trên thế giới dịch bệnh có thể chưa kết thúc trong năm nay nên nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu với Việt Nam và sẽ tiếp tục tác động đến nhiều phương diện của đất nước.
Do đó, một số ý kiến cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh thực hiện, các gói chính sách phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn, cho cả năm 2021, 2022, chứ không chỉ trong năm nay với tinh thần tiến công kinh tế trong khi phòng thủ dịch bệnh.
Theo TS. Trần Du Lịch, các gói chính sách phải mang tính dài hạn bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động phải sang quý III/2020 mới “thấm đòn” do đứt gãy các hợp đồng.
Đồng quan điểm, chuyên gia Bùi Đức Thụ cho rằng, cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho doanh nghiệp không thể chỉ làm trong một năm. Theo ông, ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của Covid-19, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn, không chỉ tái cơ cấu thị trường đầu vào, đầu tư mà cả lao động, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
Trong khi đó, nhận định thực lực doanh nghiệp còn yếu, đặc biệt đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, TS. Trần Đình Thiên đề xuất “không chỉ cứu cái cũ mà còn cần tạo ra cả cái mới”, tức là bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, ông cho rằng, Nhà nước phải là “người mua hàng lớn nhất” đối với các sản phẩm “Made in Việt Nam”.
Ngoài ra, một số thành viên hội đồng kiến nghị cần tăng quy mô các gói hỗ trợ, nhất là cho ngành hàng không. Đồng thời, kích cầu nội địa nên hướng vào kích cầu du lịch, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Ngành ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay.
Tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4 % GDP để có thêm nguồn lực
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Hội đồng thống nhất quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành thời gian tới là cần có quyết sách mới, chủ động hơn nữa, tích cực, trách nhiệm hơn nữa trước Đảng, trước nhân dân. Điều kiện tiên quyết là phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh trở lại.
Bên cạnh đó, Hội đồng cần điều hành chủ động, linh hoạt hơn nữa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để đạt hai mục tiêu: Kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống; giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì niềm tin chỉ đạo điều hành.
“Hội đồng chúng ta có trách nhiệm lớn lao trong việc tham mưu, đề xuất kịp thời vấn đề này”. Không chờ đến khi hội đồng họp, Thủ tướng cho biết, sẵn sàng nhận các ý kiến, khuyến cáo của các chuyên gia, thành viên hội đồng khi cần thiết để điều hành chính sách. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường quốc tế, thị trường trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời.
Về kịch bản tăng trưởng, lạm phát, với bối cảnh hiện nay, Thủ tướng cho biết hội đồng thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3-4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Hội đồng cũng đề xuất Chính phủ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị 11, Nghị quyết 42, Nghị quyết 84 của Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống của người dân. Đây là những biện pháp đúng, trúng nhưng chưa được triển khai đến nơi đến chốn.
Thứ hai, nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế, xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các ngành, lĩnh vực ngắn hạn, trung hạn.
Mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4 % GDP để có thêm nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết bảo vệ hệ thống doanh nghiệp, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Ngành ngân hàng tiếp tục xem xét hạ lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp.
Ngành tài chính tiếp tục xem xét giảm, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí.
Các bộ, các ngành, các địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung kích cầu nội địa, phát triển mạnh mẽ thị trường 100 triệu dân, đặc biệt không để mất thị trường quốc tế bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn, nhất là nghiên cứu những thị trường mới, đẩy mạnh thanh toán điện tử, kinh tế số…
Cuối cùng, cần đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong khu vực và quốc tế nhằm mục tiêu thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đặc biệt là không để đi sau thu hút nguồn dịch chuyển đầu tư khu vực quốc tế, đang có sự dịch chuyển lớn trên toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận