Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng
Các dự thảo báo cáo trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được chuẩn bị công phu, đã đề cập đến những vấn đề cơ bản, then chốt nhất liên quan đến vận mệnh, tiền đồ phát triển của đất nước, của dân tộc.
Một vài suy nghĩ, trăn trở
Dự thảo báo cáo chính trị ngoài mục tiêu đến năm 2025, còn xác định mục tiêu đến năm 2030 và 2045 là điều cần thiết vì chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XIII của Đảng có thông qua Chiến lược phát triển đất nước 10 năm 2021 - 2030. Hơn nữa, năm 2030 là năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, một dấu mốc rất quan trọng của Đảng, đất nước. Hơn nữa, Dự thảo báo cáo chính trị xác định tầm nhìn đến 2045 cũng rất cần thiết, bởi 2045 là mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Trong bối cảnh tình hình phức tạp trên thế giới, việc xác định tầm nhìn vừa thể hiện ý chí quyết tâm, khát vọng của đất nước, vừa là cơ sở định hướng, bảo đảm tính kế thừa, phát triển cho các Đại hội tới.
Năm 2020, kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề do đại dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đạt trên 2% trong 9 tháng đầu năm, dự kiến từ 2 - 3% trong năm 2020. Nhưng ngay trong trong giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục chịu tác động bất lợi của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm khoảng 7% liệu có khả thi không?
Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hầu hết các doanh nhân, nhà kinh tế cơ bản đều nhất trí với nội dung trong dự thảo. Ngoài ra, một số nhà kinh tế cho rằng Đảng và Nhà nước cần phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển ngành, lĩnh vực cho phù hợp yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời chú trọng phát triển liên kết vùng trong quá trình hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Về quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, khá nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua công tác quản lý, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế. Việc quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông trong đó có cảng biển, sân bay chúng ta làm chưa tốt, khiến cho tình trạng ách tắc, kẹt xe tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn ngày càng có chiều hướng tăng. Việc quản lý và phát triển đường sắt, trong đó có đường sắt cao tốc, đường sắt nội đô tiến hành chậm, đội vốn gấp nhiều lần khiến cho dư luận không khỏi lo ngại.Việc hoạch định chiến lược phát triển hệ thống đường sắt trong bài toán vận tải quốc gia không tốt dẫn đến kinh doanh thua lỗ, không thu hút được đầu tư bên ngoài.
Ngoài ra, việc chủ đầu tư các khu đô thị mới chỉ lo khai thác quỹ đất ở mà không chung tay đầu tư hạ tầng, trường học, bệnh viện, các khu vui chơi giải trí làm chất lượng cuộc sống không được cải thiện, môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy, đề nghị trong nhiệm kỳ tới Đảng, Nhà nước có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này.
Góc nhìn từ những con số
Tuy nhiên, cũng cần bổ sung việc thực hiện một số mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 mà Đại hội XI của Đảng đã quyết nghị như: Tốc độ tăng dân số, tuổi thọ bình quân; tỷ lệ cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn về môi trường; tỷ lệ xử lý rác thải; tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ dân cư thành thị, nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Mục tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2025 đạt trên 25% là quá thấp, phải tăng lên 35% vì dự báo kết quả thực hiện đến năm 2020 đã đạt khoảng 25%.
Trong dự thảo đưa chỉ tiêu về tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đến năm 2025 của dân cư thành thị là 95 - 100% và nông thôn là 93 - 95%. Nhiều nhà quản lý cho rằng ngay ở Hà Nội thì đây cũng là tỷ lệ khó thực hiện chứ không nói đến toàn quốc. Với góc độ quản lý cần tách thành 2 chỉ tiêu riêng biệt, gồm: Tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch và tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh, tạo thuận lợi trong quá trình theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện, đúng với thông lệ quốc tế.
Nghiên cứu nhiều báo cáo chính trị của các Đại hội trước đây, tôi cho rằng dự thảo được trình bày theo thể thức truyền thống. Điều này khiến cho các dự thảo báo cáo vẫn còn quá dài và dàn trải, chưa làm nổi bật được nội dung quan trọng nhất. Nên chăng có cách tiếp cận mới trong việc xây dựng các văn kiện, nêu cụ thể, sâu đậm hơn những vấn đề trọng tâm nhất, cần thiết nhất phải giải quyết trong nhiệm kỳ tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận