Tiền trợ giúp chảy sang 'thiên đường tài chính'?
Ngân hàng Thế giới (WB) đã phải công bố điều tra về khả năng những khoản tiền trợ giúp dành cho các nước nghèo nhất đã chảy một phần (lên đến 7,5%) sang các "thiên đường tài chính".
Bản báo cáo dài 45 trang, công bố trên website của Ngân hàng Thế giới vào ngày 18-2, có tựa đề chỉ thẳng vào vấn đề được điều tra: "Tiền trợ giúp đã bị giới lãnh đạo bớt xén". Các điều tra tập trung vào 22 quốc gia nghèo nhất, chủ yếu ở châu Phi, đang phụ thuộc vào các khoản tiền từ WB.
Có dấu hiệu biển thủ
Báo cáo cho biết những chuyển khoản đáng ngờ đến các "thiên đường tài chính" có thể do "các chính trị gia nắm quyền, các quan chức quan liêu và nhóm lợi ích" tiến hành bởi chúng nắm giữ vai trò quan trọng hơn ở các quốc gia bị đánh giá là tham nhũng nhất.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng có đến 19 trong số 22 quốc gia đang nhận trợ giúp tài chính nhiều nhất của WB thuộc về châu Phi và cũng chính các quốc gia này lại bị đánh giá là có nạn tham nhũng trầm trọng.
Các tác giả của báo cáo cũng chỉ rõ rằng một phần dòng tiền biển thủ từ tiền trợ giúp quốc tế đã chảy sang Thụy Sĩ, Luxembourg, quần đảo Cayman và Singapore, vốn là "những trung tâm tài chính bình phong nổi tiếng về chuyện che giấu và quản lý các tài sản tư nhân".
Tuy vậy, ba tác giả của báo cáo chỉ chỉ ra được hiện tượng có dòng chảy của tiền chứ chưa khẳng định được "lý do chuyển tiền". Họ thực hiện so sánh về những khoản tiền chuyển theo quý của Ngân hàng Thế giới cho các nước thông qua Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) và nhận thấy rằng cứ mỗi dịp chuyển tiền như thế thì họ cũng nhận thấy có hiện tượng tăng đáng kể của các tài khoản ở các "thiên đường tài chính".
"Cứ mỗi lần như thế, khi khoản tiền chuyển đến tương đương 1% GDP của nước nhận trợ giúp thì lại thấy số tài khoản liên quan nước đó ở thiên đường tài chính tăng 3,4% so với những nước không nhận tiền và lại không thấy có hiện tượng tăng thêm số tài khoản ở các nước không phải thiên đường tài chính".
Ba tác giả, là ba nhà kinh tế làm việc trong ban nghiên cứu của WB, khẳng định nghiên cứu của họ có tư liệu, số liệu dẫn chứng rõ ràng, chỉ là họ không biết ai đứng sau hưởng lợi từ những tài khoản gửi tiền mở mới kia.
Ém nhẹm?
Việc công bố báo cáo được cho là đã gây ra những chấn động trong giới lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Thế giới. Theo tạp chí The Economist, ban lãnh đạo cao cấp của WB từng tìm cách ngăn cản việc công bố báo cáo và đó cũng là lý do khiến bà Penny Goldberg - kinh tế gia trưởng của WB - quyết định rời bỏ công việc vào đầu tháng 2 này sau 15 tháng đảm nhận cương vị để phản đối.
Bản báo cáo được công bố nhưng thật ra đã bị trễ gần 18 tháng so với dự tính. Cũng có nguồn tin nói rằng chỉ sau khi một tác giả của báo cáo đăng tải nó lên trang blog của mình thì ban lãnh đạo Ngân hàng Thế giới mới quyết định công bố nó trên website chính thức. Điều đó khiến một số tờ báo tài chính uy tín đặt tên cho vụ bê bối này là "Papergate".
Lý giải về chuyện chậm trễ này, trong thông cáo phát đi ngày 18-2, Ngân hàng Thế giới cho biết ban lãnh đạo đã phải cho kiểm chứng một số thông tin cho chắc chắn bởi ban lãnh đạo "rất xem trọng về nạn tham nhũng và những hệ lụy có liên quan".
Những hệ lụy có liên quan là chuyện phải được tính đến bởi nó có thể chính là những phản ứng ngược lại đối với ban lãnh đạo WB về tính hiệu quả của những khoản tiền trợ giúp. Các tác giả của báo cáo cũng nói rõ rằng "tính hiệu quả của các khoản trợ giúp phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của các thể chế tài chính và các chính sách của các quốc gia tiếp nhận trợ giúp".
Tờ Financial Times bình luận thẳng thắn: Báo cáo này là bằng chứng cho thấy một tổ chức "tính cải thiện tình trạng kinh tế của các quốc gia đang phát triển, có thể vô tình lại đào sâu thêm hố ngăn cách giàu - nghèo ở các quốc gia nhận trợ giúp".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận