menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nam Hưng

Tiến sỹ dạy làm giàu, “miếng phomat trong bẫy chuột”

Mỗi vụ án được đưa ra xét xử lại là một hồi chuông để cảnh tỉnh nhà đầu tư, bởi “miếng phomat ở trong bẫy chuột”. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn cả là làm sao để nắn dòng “tiền tươi” của nhà đầu tư đi đúng hướng lại là câu hỏi khó với các nhà quản lý hoạch định chính sách...

TAND TP Hà Nội đang xét xử đối với bị cáo Phạm Thanh Hải (cựu Chủ tịch CTCP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế IDT, chủ trang mạng “dạy làm giàu”) về tội Lừa đảo chiếm đoạt. Phiên tòa diễn ra từ ngày 20/4, dự kiến kéo dài trong 20 ngày liên tiếp.

Có khoảng 600 bị hại và người liên quan được triệu tập, trong đó có 87 người có đơn xin xét xử vắng mặt. Trong số các bị hại, nhiều người đã cao tuổi, tóc bạc trắng.

Lần xét xử này, Viện kiểm sát giữ nguyên nội dung cáo buộc ông Hải tổ chức các cuộc hội thảo, lập trang web “học làm giàu”, tự xưng là tiến sỹ có tài đầu tư kinh doanh. Còn công ty IDT triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây macca để dụ dỗ nhà đầu tư ký hợp đồng với lãi suất từ 40-50% nhằm chiếm đoạt tiền.

Không khác phiên tòa cách đây 3 năm, lần này bị cáo Hải tiếp tục “diễn thuyết” về dự án tỷ USD và đôi khi những tràng pháo tay vang lên lạc lõng giữa cảnh công đường nghiêm trang.

Bị cáo cho rằng, cáo trạng buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa chính xác. Bị cáo là nhà khoa học làm kinh tế nên có thể có sai sót nhưng không lừa đảo.

Vị tiến sỹ này phân trần, mặc dù thu 2.700 tỷ đồng nhưng ông đã trả hơn 2.900 tỷ đồng cho các nhà đầu tư. Như vậy, bị cáo đã bỏ thêm tiền túi cả trăm tỷ và thực hiện “đúng nghĩa vụ với “hàng nghìn nhà đầu tư trên cả nước”. Công ty IDT “hoạt động hiệu quả bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu”.

Tiến sỹ dạy làm giàu, “miếng phomat trong bẫy chuột”
Bị cáo Hải.

Chủ trang mạng “dạy làm giàu” cũng phản bác quan điểm của cơ quan tố tụng về việc “quảng bá đầu tư, kinh doanh để tạo niềm tin cho người gửi tiền”. Bị cáo cho rằng đây là cách nói của mọi người với nhau chứ bị cáo chưa bao giờ nhận mình giỏi. Sau các buổi chia sẻ kiến thức làm giàu thì các nhà đầu tư “bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia góp vốn”.

Tuy nhiên, cáo trạng thể hiện, cả 8 dự án mà bị cáo quảng bá “sinh lãi triệu USD” đều không hiệu quả.

Đơn cử như khoản góp vốn vào CTCP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (IDVA) 9,9 tỷ đồng. Công ty IDVA sử dụng số tiền vào việc hợp tác đầu tư vào Tổng công ty cổ phần Linh Dương. Công ty IDVA chưa có lợi nhuận.

Ngoài ra, khoản góp 11 tỷ đồng vào Công ty cổ phần HC – phát triển công nghệ Smart Parking, đầu tư 3 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư và dịch vụ bất động sản đỉnh cao mới (New Peaks), góp vốn vào CTCP Đầu tư và phát triển dự án xanh Inter Green, CTCP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ cao Ánh Dương.

Tại CTCP Quản lý quỹ Bông Sen, bị cáo Hải góp 11,85 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và phát triển Macccadamia Quốc tế (IDAM), là 20 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Reenco Hòa Bình là 18,4 tỷ đồng….

Song phần lớn các khoản đầu tư chưa sinh lời, có Công ty New Peak có lợi nhuận nhưng cổ đông chưa nhận được cổ tức…

Chủ tọa truy hỏi: “Dựa vào đâu bị cáo trả lãi 40-50% cho người ta”, bị cáo khẳng định các dự án này đều có khả năng sinh lãi, có tiềm năng, đặc biệt là dự án “mạng xã hội dạy làm giàu”.

“Thời điểm bị cáo bị bắt, trang này đã có tới hơn 700.000 thành viên, dự kiến một năm sau sẽ có 2 triệu người và giá trị lên đến 2 tỷ USD nên chắc chắn sẽ có doanh nghiệp nước ngoài muốn mua lại", lời khai của bị cáo.

Hoặc dự án trồng cây mắc ca, được mệnh danh "cây trồng tỉ đô". "Nhưng đúng lúc cây sắp ra quả, sinh lời, tôi bất ngờ bị cơ quan điều tra bắt giữ, nhà đầu tư mất cơ hội thu lợi nhuận", bị cáo phân trần.

Tuy nhiên, vị tiến sỹ này cũng thừa nhận để có dòng tiền thì phải dựa vào nguồn tiền của nhà đầu tư tiếp theo để “đầu tư tiếp sức”.

Theo Viện kiểm sát, trong gần 1 năm từ 2014-2015, bị cáo huy động hơn 2.725 tỷ đồng, cắt lãi ngay khi nộp tiền. Nhà đầu tư còn được khuyến khích mở rộng mạng lưới với tiền thưởng kết nối từ 2-10%/hợp đồng. Đến khi các khoản gốc, lãi và chi phí “phình lên” thì Hải mất khả năng thanh toán.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các doanh nghiệp luôn “khát” vốn, thiếu tiền mặt thì việc một cá nhân huy động được hàng nghìn tỷ đồng luôn dấu hỏi bất thường. Bởi nếu không có những khoản lãi suất ngất ngưởng lên đến 40-50%, cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng cùng các khoản chi thưởng thì nhà đầu tư sẽ không mặn mà.

Mỗi vụ án được đưa ra xét xử lại là một hồi chuông để cảnh tỉnh nhà đầu tư, bởi “miếng phomat ở trong bẫy chuột”. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn cả là làm sao để nắn dòng “tiền tươi” của nhà đầu tư đi đúng hướng lại là câu hỏi khó với các nhà quản lý hoạch định chính sách.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
2 Bình luận 2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại