Tiến sĩ Cấn Văn Lực: DN quan tâm nhất là giảm chi phí cơ hội và chi phí xin cho
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cải cách thủ tục hành chính giúp giảm hai khoản chi phí, đó là giảm chi phí cơ hội và chi phí không chính thức từ cơ chế xin cho, thủ tục. Giảm chi phí cơ hội và chi phí xin cho là điều tất cả các doanh nghiệp đều rất quan tâm.
Cải cách thủ tục hành chính nếu ngại đụng chạm sẽ không làm được
Tại Hội nghị trực tuyến “Hiến kế cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19” vào ngày 26/5, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, cải cách thủ tục hành chính có tác động lớn, lợi ích rất lớn đối với doanh nghiệp. Thủ tục hành chính được rút gọn sẽ góp phần đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, quan trọng hơn nó tạo điều kiện thu hút đầu tư và kinh doanh, nhất là tạo được niềm tin của người dân và doanh nghiệp.
Cũng theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cải cách hành chính không chỉ giảm chi phí cho cả doanh nghiệp, mà còn giảm cả chi phí cho Chính phủ như chi phí giám sát, kiểm tra, đây là lợi ích từ hai phía cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Ông Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh đến một khoản chi phí nữa là chi phí cơ hội, tức là nếu thủ tục hành chính phức tạp thì chúng ta mất cơ hội kinh doanh, cái đó mới là chi phí nặng nề, mất mát khủng khiếp.
Ông Lực cũng đề cập đến cải cách thủ tục hành chính còn giúp giảm chi phí không chính thức từ cơ chế xin cho, thủ tục. “Giảm chi phí cơ hội và chi phí xin cho là điều mà tất cả các doanh nghiệp đều rất quan tâm”, ông Lực nhấn mạnh.
Ông Lực nêu ra hai rào cản quan trọng ảnh hưởng đến việc cải cách thủ tục hành chính, đó là thiếu sự quyết tâm của người đứng đầu, người lãnh đạo chính trị, cái này ở Việt Nam làm rất tốt. Nhưng ở nhiều nước khác, không có cam kết của người đứng đầu khó thành công được bởi vì đụng chạm, người ta không muốn đụng chạm thì rõ ràng rất khó thành công.
Rào cản thứ hai mà ông Lực nói tới đó là cải cách hành chính sẽ đụng chạm tới lợi ích nhóm. Nhiều bộ, ngành, địa phương muốn giữ lại điều khoản này, điều khoản khác cũng chính vì đây là lợi ích.
“Người ta lo rằng thả ra không quản lý được, giống như “thả gà ra đuổi”, tôi cho rằng không phải như vậy, cái này là tư duy rất quan trọng của người quản lý, chúng ta nới lỏng điều kiện kinh doanh, chứ không phải "thả gà ra đuổi", không phải là rào cản”, ông Lực nói.
Bên cạnh đó, một rào cản quan trọng đó là nhiều nước thiếu mất tiêu chí về cải cách thủ tục hành chính, tiêu chí đánh giá hiệu quả của cải cách, cái này Việt Nam đã làm tốt rồi nhưng rất mong là cần làm tốt hơn nữa.
Tại Hội nghị, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đưa ra ba đề xuất cơ bản đối với Chính phủ và các bộ, ngành để phục hồi kinh tế trong năm 2020:
Đó là, chống dịch không lơ là, chúng ta vẫn phải coi chống dịch là câu chuyện vô cùng quan trọng. Việt Nam phải sẵn sàng trong kịch bản trường hợp làn sóng Covid-19 xảy ra lần thứ hai.
Đồng thời, lần đầu tiên Chính phủ có gói hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ, vấn đề là chúng ta phải triển khai gói hỗ trợ đó làm sao cho đúng, cho trúng hơn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát huy những động lực tăng trưởng mới thay thế để bù đắp những thiếu hụt do Covid-19 năm nay. Ví dụ, thúc đẩy kinh tế tư nhân, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kích cầu nội địa.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 5% không phải là bất khả thi
Cũng theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế thế giới, năm 2020 kinh tế thế giới được dự báo là tăng trưởng âm. ADB đã dự báo nên kinh tế thế giới có thể thiệt hại từ 5,8 đến 8,8 tỷ USD. Thiệt hại do Covid-19 gây ra còn nghiêm trọng hơn cả đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, vào thời điểm đó kinh tế thế giới rơi vào đáy tăng trưởng âm khoảng 1,7%, năm nay dự báo là thiệt hại gấp đôi, tức là tăng trưởng âm từ 3,4-3,9%.
Tác động về thương mại, dự báo thương mại thế giới suy giảm 11-12% thậm chí là 32% theo WTO dự báo gần đây. Còn dự báo gần đây nhất IFM cho rằng, kinh tế thế giới năm nay có thể tăng trưởng âm 3,3%. Tuy nhiên, riêng Việt Nam dự báo vẫn tăng trưởng dương 2,7%, Chính phủ Việt Nam đang mong muốn sẽ tăng trưởng gấp đôi khoảng 5%.
“Tôi cho rằng khả năng tăng trưởng 5% có thể khả thi với điều kiện chúng ta phải quyết liệt 1 số vấn đề, những mục tiêu của Chính phủ không phải là bất khả thi, trong đó cải cách hành chính (CCHC) là khâu quan trọng”, ông Cấn Văn Lực nói.
Về triển vọng kinh tế 4 tháng đầu năm của Việt Nam còn nhiều điểm sáng. Trong đó phải kể đến xuất khẩu của Việt Nam vẫn dương (lần lượt tăng 4,7% và 2,1%) trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng âm, lạm phát kiểm soát tốt, Việt Nam cũng phòng chống dịch hiệu quả, nên nhờ đó đã sớm khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Covid-19 tác động thấy rõ lên khối doanh nghiệp, doanh nghiệp của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 33,6% (gấp 1,7 lần so với cùng kỳ 2019), cao nhất trong 10 năm vừa qua.
Vậy từng ngành kinh tế bị tác động thế nào? Theo ông Cấn Văn Lực, một nghiên cứu trong số 15 ngành kinh tế chiếm 78% GDP, lấy chỉ tiêu là xuất nhập khẩu, doanh thu, giá trị cổ phiếu của ngành đó trên sàn chứng khoán để đánh giá một cách chính xác nhất, thì có những ngành bị tác động nhẹ nhàng hơn như nông nghiệp. Có những ngành bị tác động rất nặng nề.
Ví dụ, dệt may, da giày, sản xuất kinh doanh thép, khai khoáng, dầu thô, du lịch, vận tải, tài chính ngân hàng, bảo hiểm bị ảnh hưởng rất lớn. Kinh doanh bất động sản cũng cực kỳ khó khăn, giáo dục đào tạo cũng thế, giá cổ phiếu của lĩnh vực này giảm tới 30% trong 4 tháng đầu năm. Do đó, khi Chính phủ cung cấp gói hỗ trợ cần tập trung vào những ngành bị tác động nhiều hơn sẽ được ưu tiên hỗ trợ trúng hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận