menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Đức

Tiền nhà băng 'rẻ'... nhưng xa tầm với doanh nghiệp

Nguồn vốn ngân hàng dồi dào, lãi suất cho vay đang thấp, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn này, bởi ngân hàng thận trọng xét duyệt hồ sơ cho vay do nợ xấu tăng.

Tiền nhà băng 'rẻ'... nhưng xa tầm với doanh nghiệp
Lãi suất thấp nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. Ảnh minh họa: TL

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn “rẻ”…

Trao đổi với KTSG Online, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may Dony, cho biết vừa qua công ty ông đáo hạn một khoản vay với lãi suất 6,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. “Đây là mức lãi suất thấp nhất mà chúng tôi nhận được sau 5 năm vay vốn kinh doanh ở các tổ chức tín dụng”, ông Quang Anh nói, và cho biết thời gian trước, Dony trả lãi suất 10-12%, hay mức thấp cũng từ 8-9%/năm.

Dù vậy, để được vay với lãi suất này, theo ông Quang Anh, bên cạnh hồ sơ công ty hoạt động tốt, Dony còn phải dùng tài sản cá nhân (chủ doanh nghiệp) là bất động sản nhà ở thế chấp cho khoản vay.

Trường hợp vay được vốn lãi suất thấp như Dony vì “sức khỏe” doanh nghiệp này còn tốt và có tài sản bảo đảm, trong khi nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa khác không còn tài sản bảo đảm thế chấp, và đây lại là điều kiện tiên quyết mà các tổ chức tín dụng xem xét cho vay.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đồ gỗ quy mô dưới 40 lao động ở Bình Dương (không muốn nêu tên) chia sẻ, từ đầu năm nay, đơn hàng nhỏ bắt đầu rục rịch trở lại, ông liền tiếp cận ngân hàng để có tiền mua nguyên liệu cũng như trả lương cho người lao động.

Qua tiếp xúc với nhân viên tín dụng cho thấy lãi suất vay ngân hàng thấp hơn trước khá nhiều, nhưng doanh nghiệp ông không được duyệt khoản vay 3 tỉ đồng vì không còn tài sản bảo đảm.

“Xưởng gỗ nhỏ là tài sản đã được thế chấp một khoản vay năm ngoái để trang trải hoạt động do một số đối tác không nhận hàng hóa vì kinh doanh ế ẩm và đơn hàng liên tục sụt giảm sâu”, ông chủ doanh nghiệp chia sẻ, và cho biết giờ rất khó khăn dù lãi suất vay ngắn hạn chỉ còn mức 5,5-7%/năm so với 10-12%/năm trước đây.

Cũng khó tiếp cận nguồn vay lãi suất thấp hiện nay, bà Thanh Vy, chủ một cơ sở da giày nhỏ ở TPHCM, cho biết cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hiện xa tầm với cơ sở của bà.

“Nhìn chung lãi vay hiện đã giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, các ngân hàng đều yêu cầu tài sản thế chấp. Trong khi tài sản là đất đai, nhà xưởng được ngân hàng định giá rất thấp nên không còn vay thêm được nữa”, bà Vy nói và cho rằng khả năng cao sẽ đóng cửa xưởng vì không còn nguồn lực vốn. Bởi lẽ, ngành da giày 2 năm qua bị sụt giảm mạnh đơn hàng nhưng bà vẫn cầm cự, vay mượn để trả lương công nhân.

Không tài sản thế chấp khó được vay

Trên thực tế, không chỉ hai doanh nghiệp trên mà theo Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA), trong 2 tháng đầu năm 2024, tình hình vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Đại diện HUBA cho rằng, dù ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận nguồn vốn do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay. Trong đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng…

Tiền nhà băng 'rẻ'... nhưng xa tầm với doanh nghiệp
Từ đầu năm 2024, hầu hết ngân hàng thương mại cắt giảm hạn mức cho vay với doanh nghiệp sợi. Ảnh minh họa: TL

Khảo sát của HUBA cho thấy có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.

Không chỉ doanh nghiệp quy mô nhỏ, mà ngay cả những doanh nghiệp lớn hơn cũng không dễ tiếp cận vốn.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết, từ đầu năm 2024, hầu hết ngân hàng thương mại cắt giảm hạn mức cho vay với doanh nghiệp sợi hoặc yêu cầu phải có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn.

Theo vị chủ tịch Vinatex, năm ngoái, doanh nghiệp chỉ cần khoảng 20% tài sản đảm bảo cho khoản vay là được giải ngân. Trong khi đó, năm 2024, ngân hàng yêu cầu tài sản đảm bảo phải có giá trị 100% khoản vay hoặc là áp dụng chính sách trả nợ cũ 10 thì sẽ được vay lại ở mức 8 hoặc 9.

Theo ông Trường, mỗi năm, ngành sợi đang trả nợ ngân hàng khoảng 300 triệu đô la Mỹ. Do đó, nếu ngân hàng giảm hạn mức tín dụng trong bối cảnh ngành sợi đang khó khăn có thể an toàn về vốn ngắn hạn, nhưng thực ra mất an toàn về vốn dài hạn vì không sản xuất thì không có tiền trả vay dài hạn trước đây.

Không riêng doanh nghiệp sợi, các doanh nghiệp khác phản ánh, ngân hàng dường như thận trọng hơn trong cho vay, yêu cầu khắt khe về tài sản đảm bảo. Nếu như trước đây, ngân hàng chấp nhận một phần tài sản đảm bảo là nhà xưởng, cổ phần…, thì hiện nay, hầu như chỉ còn chấp nhận tài sản đảm bảo là bất động sản. Do vậy, việc vay vốn tín chấp càng trở nên xa vời.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tín dụng tính đến cuối tháng 2-2024 giảm 0,72%, trong khi tiền gửi vào hệ thống ngân hàng ngày càng tăng. Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc, tín dụng giảm chủ yếu do sức hấp thụ của nền kinh tế yếu, song một phần do một số ngân hàng thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng vì nợ xấu tăng.

Quy trình thủ tục cho vay của một số ngân hàng chậm được cải tiến, thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng. Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác giữa khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn…

Giải pháp nào để hai bên “win – win”

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu, cho biết nguồn vốn tại các ngân hàng dồi dào và lãi suất đang giảm xuống dần, nhưng doanh nghiệp có vay được không vẫn còn là chuyện phải bàn.

“Các ngân hàng luôn có các điều kiện và điều khoản chặt chẽ và doanh nghiệp muốn vay được phải chấp nhận tuân thủ. Phía ngân hàng nên cân nhắc cởi mở hơn trong các điều khoản để hai bên cùng ‘win – win'”, ông Luận nêu ý kiến.

Tiền nhà băng 'rẻ'... nhưng xa tầm với doanh nghiệp
Dù lãi suất đã giảm nhiều nhưng việc tiếp cận vốn với doanh nghiệp hiện nay không dễ dàng vì họ đã “cạn kiệt” tài sản thế chấp. Trong ảnh là nhân công chế biến thuỷ sản tại một doanh nghiệp ở Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Trải qua một thời gian dài khó khăn, “sức khỏe” của doanh nghiệp đã suy kiệt nhiều. Vì thế, ông Luận cho rằng, các chính sách của Nhà nước hay các chương trình giảm lãi suất của ngân hàng cần cởi mở hơn, như vậy mới thúc đẩy doanh nghiệp vay vốn đầu tư, từ đó từng bước vực dậy được doanh nghiệp. “Nếu không tiếp cận được thì dù lãi suất có giảm cũng không có ý nghĩa nhiều với doanh nghiệp”, ông Luận lưu ý.

Dù vậy, đứng ở bên cho vay, theo các ngân hàng, dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhưng họ phải thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, không thể cho vay bằng mọi giá, nhất là tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp bấp bênh.

Đáng chú ý, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực, nhưng lại không được luật hóa đầy đủ vào Luật Các tổ chức tín dụng 2024, khiến việc đòi nợ của doanh nghiệp từ năm 2024 thêm khó khăn. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng không có nhiều điều khoản về thu hồi nợ có thể gây khó khăn cho ngân hàng trong thời gian tới.

Đại diện một ngân hàng thương mại cho rằng, làm ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại thì họ rất muốn cho vay vì không cho vay xem như bị “thất nghiệp”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các phân khúc khách hàng ảnh hưởng khó khăn nên giải ngân tín dụng là bài toán khó.

Vậy giải pháp nào để hai bên có thể “gặp nhau”? Ở phía doanh nghiệp, lãnh đạo HUBA kiến nghị ngân hàng nên xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai…

Với tình hình thị trường khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không vay vì không có hợp đồng hoặc doanh nghiệp vay vốn không chỉ cho nhu cầu đầu tư mới mà còn là để thanh toán các khoản vay cũ đã đến hạn. Do đó, theo đề xuất của HUBA, chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ. Tức doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn.

Tương tự, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Đức Nghĩa, cho rằng để khơi thông dòng vốn tín dụng cần đẩy mạnh kinh tế vĩ mô, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất, người lao động có thu nhập…

Theo ông Nghĩa, cần thay đổi chính sách liên quan đến tín dụng đặc biệt về tài sản thế chấp, nhất là tài sản thế chấp trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng giá trị cho vay trên tài sản thế chấp. Cuối cùng là hạ lãi suất vay, đặc biệt là những ngành khuyến khích đầu tư như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp…

Cũng liên quan đến vấn đề vốn, HUBA kiến nghị UBND TPHCM xem xét, đơn giản hóa thủ tục vay vốn kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và chính sách ưu đãi đối với các dự án lớn, hình thành hệ thống các nhà máy chuyên môn hóa, có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu.

Liên quan đến việc doanh nghiệp than thiếu tài sản thế chấp để vay ngân hàng, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng bản thân doanh nghiệp cần tăng cường “gia cố” năng lực của mình. Bây giờ ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn vì sẽ gây rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng cũng như doanh nghiệp.

Ở bên cho vay, đại diện các ngân hàng thương mại đề nghị, để ngân hàng yên tâm cho vay, giải pháp dài hơi là phải có một bộ luật riêng về xử lý nợ xấu. Trước mắt, cần sớm sửa Bộ luật Dân sự để đảm bảo công bằng quyền lợi của cả bên vay lẫn bên cho vay.

Tại hội nghị trực tuyến do NHNN tổ chức vào 20-2-2024, các ngân hàng cũng kiến nghị NHNN gia hạn Thông tư 02/2023 từ 6 tháng đến 1 năm, thay vì đến 30-6-2024, để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Thông tư 02 quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Nghĩa, cho biết sắp tới NHNN TPHCM ký cam kết với 17 ngân hàng thương mại đưa ra gói vay 509.000 tỉ đồng, trong đó có việc cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ. “Với gói vay này, tình hình thị trường vốn sẽ tốt hơn”, ông Nghĩa hy vọng.

UBND TPHCM cũng từng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách thay thế việc hỗ trợ 2%/năm lãi suất ngân hàng bằng các hình thức khác thiết thực hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại