'Tiền lớn' chưa vào, có nên nương theo 'sóng' cổ phiếu ngân hàng?
Từ diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng thời kỳ tháng 1/2017 - tháng 4/2018, nhìn sang năm 2024, có lẽ chưa nên phủ nhận ngay "sóng" ngân hàng nếu chỉ nhìn vào thanh khoản trước mắt.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu ngân hàng trở thành tâm điểm của giới đầu tư khi tăng khá mạnh sau một năm 2023 tương đối ảm đạm.
Thống kê đối với 5 cổ phiếu tiêu biểu gồm BID, CTG, MBB, ACB và SHB cho thấy thị giá các cổ phiếu này đều tăng mạnh hơn đáng kể chỉ số VN-Index. Cụ thể, trong khi VN-Index chỉ tăng 4% (từ đầu năm đến kết phiên 18/1/2024) thì thị giá BID tăng 9%, CTG tăng 16%, MBB tăng 16%, ACB tăng 7% và SHB tăng 12%.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng 2024 sẽ là năm mà nhóm ngành ngân hàng "nổi sóng". Tuy nhiên, một số nhà đầu tư khác lại cho rằng "sóng" cổ phiếu ngân hàng lần này không bền và một trong những lý do quan trọng nhất được đưa ra là do thanh khoản trên thị trường chứng khoán vẫn ở mức tương đối thấp, dòng tiền lớn chưa vào thì cổ phiếu ngân hàng khó có thể bứt phá.
Nhìn lại trong khoảng 10 năm gần đây, có 2 giai đoạn mà cổ phiếu ngân hàng chứng kiến sóng tăng mạnh. Gần nhất là giai đoạn 2020 - 2021 là thời kỳ "tiền rẻ", dòng tiền chảy rất mạnh vào thị trường chứng khoán, thanh khoản tăng bằng lần, khiến gần như tất cả các nhóm ngành tăng mạnh so với trước khi thị trường chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có cổ phiếu ngành ngân hàng.
Thời kỳ thứ hai mà cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh là giai đoạn 2017 - 2018. Nhiều cổ phiếu được cho là "nặng mông" trước đó đã tăng bằng lần trong giai đoạn này, tiêu biểu nhất là MBB ghi nhận mức tăng gấp 3 lần từ đầu năm 2017 đến ngày 9/4/2018 (ngày VN-Index tạo đỉnh 1.204 điểm).
Đi sâu hơn vào thời kỳ này, có thể thấy một thực tế: Đúng là dòng tiền lớn chảy vào thị trường chứng khoán thì cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng mạnh nhưng điều đó không có nghĩa là nếu chưa có dòng tiền lớn thì cổ phiếu ngân hàng không thể bứt phá.
Đi sâu hơn, có thể chia thời kỳ này ra làm 3 giai đoạn nhỏ. Giai đoạn đầu tiên là từ ngày 3/1/2017 đến ngày 28/2/2017, trong khi chỉ số VN-Index chỉ tăng 7% thì trong số 5 cổ phiếu trong diện thống kê ở trên, thị giá SHB tăng 15%, BID tăng 16%, CTG tăng tới 26%, ACB tăng tới 30%. Duy chỉ có MBB tăng 4%, kém hơn VN-Index. Nhưng nhìn chung, cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh hơn nhiều thị trường chung.
Điểm đáng chú ý là ở giai đoạn này, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE trung bình đạt khoảng trên 2.300 tỷ đồng/phiên, chỉ cao hơn khoảng 11% so với thanh khoản 6 tháng cuối năm 2016. Như vậy, cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng mạnh dù chưa xuất hiện dòng tiền lớn.
Sang đến giai đoạn thứ hai là từ ngày 1/3/2017 đến ngày 29/12/2017, các cổ phiếu ngân hàng cũng bứt phá rất mạnh. Cụ thể, VN-Index tăng mạnh 39% nhưng thị giá BID tăng 60%, ACB tăng 61%, SHB tăng 75%, MBB tăng 91%. Riêng CTG kém hơn VN-Index một chút khi ghi nhận mức tăng 38%. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE giai đoạn này trung bình ở mức khoảng trên 3.600 tỷ đồng/phiên, gấp rưỡi giai đoạn trước đó.
"Dòng tiền lớn" thực sự xuất hiện ở giai đoạn ba từ ngày 2/1/2018 đến ngày 9/4/2018 khi thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE trung bình lên đến trên 6.300 tỷ đồng, gấp 1,7 lần giai đoạn hai và gấp 2,7 lần giai đoạn đầu tiên. Chỉ số VN-Index tăng 22% trong khi thị giá MBB tăng 48%, ACB tăng 52%, SHB tăng 56%, CTG tăng 56%, BID tăng 74%. Ở giai đoạn này, thực sự "dòng tiền lớn" đã đẩy cổ phiếu ngân hàng tăng vượt trội so với thị trường chung trong thời gian ngắn.
Từ diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng thời kỳ tháng 1/2017 - tháng 4/2018, nhìn sang năm 2024, có lẽ chưa nên phủ nhận ngay "sóng" ngân hàng nếu chỉ nhìn vào thanh khoản trước mắt.
Nêu quan điểm về triển vọng cổ phiếu ngân hàng trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2024 vừa công bố, Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng sự hồi phục của nền kinh tế sẽ tăng tốc trong năm 2024 nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và môi trường lãi
suất thấp. Ngành ngân hàng vốn nhạy cảm với lãi suất sẽ là ngành hưởng lợi đầu tiên.
Theo VNDIRECT, đây là thời điểm tốt để có thể tích lũy các cổ phiếu ngành ngân hàng. VNDIRECT nêu ra 3 lý do: Thứ nhất, ngân hàng sẽ là ngành hưởng lợi đầu tiên từ bối cảnh kinh tế phục hồi và tiến vào giai đoạn phát triển; thứ hai, hệ số P/B của các cổ phiếu ngân hàng đang thấp hơn so với mức trung bình 3 năm, mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn so với các ngành khác; thứ ba, dòng vốn từ nước ngoài sẽ đóng góp vào đà tăng của giá cố phiếu ngân hàng.
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cũng nêu quan điểm khả quan về triển vọng ngành ngân hàng. ACBS nêu một loạt lý do: (1) Lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2024 (2) Thị trường BĐS dần phục hồi sẽ cải thiện tín dụng mua nhà (3) NIM đã tạo đáy trong quý III/2023 và sẽ phục hồi từ quý IV/2023 (4) Định giá cổ phiếu ngành ngân hàng ở mức hấp dẫn.
ACBS kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng mà công ty chứng khoán này theo dõi sẽ tăng trưởng 21,4% trong năm 2024, cao hơn mức tăng khiêm tốn (ước tính khoảng 3%) của năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận