Tiền kỹ thuật số hấp dẫn ngân hàng Phố Wall
Tiền kỹ thuật số đang tiếp tục có những bước tiến vững chắc trên con đường trở thành một trong những tài sản đầu tư chủ đạo tại Phố Wall. Điều này đang khiến các ngân hàng Mỹ, bao gồm cả những đại gia tên tuổi cố gắng tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này.
Bitcoin sẽ tiếp cận hàng trăm ngân hàng Mỹ
Hôm 5-5, CNBC cho biết, quỹ đầu tư NYDIG và Công ty Tài chính Fidelity National Information Services đã đạt thỏa thuận cung cấp dịch vụ trao đổi bằng tiền kỹ thuật số thông qua nhiều ngân hàng tại Mỹ. Điều này sẽ cho phép khách hàng của hàng trăm ngân hàng tại Mỹ mua, bán và giữ bitcoin bằng tài khoản hiện tại trong những tháng tới.
Đây được coi là một bước đi quan trọng, hướng đến việc loại tài sản kỹ thuật số này được chấp nhận rộng rãi như một loại tiền tệ.
Theo thỏa thuận giữa các bên, FIS sẽ xử lý liên kết với người cho vay, trong khi NYDIG chịu trách nhiệm lưu ký bitcoin và thực hiện giao dịch. “Những gì chúng tôi đang làm là giúp người Mỹ và các doanh nghiệp giao dịch bitcoin thông qua tài khoản ngân hàng hiện có một cách đơn giản”, ông Patrick Sells, Trưởng bộ phận giải pháp ngân hàng tại NYDIG cho biết.
CNBC cho biết, hiện nay phần lớn giao dịch bitcoin được thực hiện thông qua các ứng dụng như Robinhood, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán PayPal, Square hoặc các sàn mua bán tiền kỹ thuật số, chẳng hạn như Coinbase - công ty vừa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hồi tháng 4 với giá trị lên đến 85 tỉ đô la.
Theo ông Yan Zhao, Chủ tịch NYDIG, dựa trên dữ liệu, các ngân hàng nhận thấy ngày càng nhiều khách gửi tiền đến những sàn giao dịch tiền kỹ thuật số như Coinbase. Vì vậy, các ngân hàng rất muốn tham gia vào thị trường tiềm năng này. “Họ đang chứng kiến dòng tiền gửi đến Coinbase, Galaxies và Krakens”, ông Yan Zhao cho biết.
Ngân hàng lớn không đứng ngoài cuộc đua
Các ngân hàng lớn của Mỹ hiện vẫn chưa cung cấp những dịch vụ liên quan đến bitcoin cho các khách hàng cá nhân, mà chỉ tiến hành mở kênh đầu tư vào tiền kỹ thuật số dành cho những khách hàng giàu có. Tuy nhiên, khi hàng trăm ngân hàng nhỏ tại Mỹ chấp nhận bitcoin, các ông lớn như JPMorgan Chase và Bank of America sẽ đối mặt với áp lực cung cấp dịch vụ tương tự.
Theo CNBC, dù chưa chính thức chấp thuận giao dịch bằng tiền kỹ thuật số, các ngân hàng hiện cũng đã có những bước chuẩn bị cho tương lai. Trước đó, hồi tháng 3, Morgan Stanley đã trở thành ngân hàng lớn đầu tiên tại Mỹ cho phép khách hàng đầu tư trực tiếp vào các quỹ bitcoin. Một ngân hàng lớn khác là JPMorgan cũng đang xem xét hợp tác với quỹ đầu tư NYDIG để cung cấp dịch vụ riêng, liên quan đến tiền kỹ thuật số.
Mới đây nhất, hôm 7-5, trong một thông báo gửi đến nhân viên, ban lãnh đạo ngân hàng Goldman Sachs cho biết đã mở thành công quầy giao dịch hai loại phái sinh được liên kết với bitcoin. Cụ thể, Goldman Sachs sẽ cung cấp cho khách hàng hợp đồng tương lai và hợp đồng kỳ hạn không giao dịch (NDF) bitcoin. Ngân hàng cũng đang xem xét cung cấp quỹ hoán đổi giao dịch bitcoin (ETF) và lưu ký tài sản kỹ thuật số.
Dưới thời Giám đốc điều hành David Solomon, Goldman Sachs đang nỗ lực tham gia thị trường bằng cách “giới thiệu có chọn lọc” các kênh giao dịch tiền kỹ thuật số. Ngân hàng cũng tung ra một nền tảng phần mềm mới, cung cấp giá và tin tức mới nhất về tiền kỹ thuật số cho khách hàng.
Một tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực ngân hàng là Citigroup cũng đang xem xét việc cho ra mắt các dịch vụ giao dịch, lưu ký và tài trợ tiền kỹ thuật số. Chia sẻ với Financial Times hôm 7-5, ông Itay Tuchman, người đứng đầu bộ phận ngoại hối toàn cầu của Citigroup, cho biết ngân hàng đã nhận thấy sự quan tâm đáng kể từ các khách hàng lớn đối với bitcoin kể từ tháng tám năm ngoái, đặc biệt là các nhà quản lý tài sản lớn.
Một số khách hàng đã yêu cầu ngân hàng nghiên cứu việc triển khai các dịch vụ mới, trong khi những người khác muốn tiến hành giao dịch một loạt các loại tiền kỹ thuật số thông qua ngân hàng, và tài trợ cho các giao dịch nắm giữ tiền kỹ thuật số.
Theo ông Tuchman, hiện Citigroup vẫn chưa đưa ra quyết định về việc có cung cấp cho các khách hàng những dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số hay không, nhưng cho biết các dịch vụ giao dịch, lưu ký và tài trợ tiền kỹ thuật số đang được xem xét.
“Có nhiều lựa chọn khác nhau và chúng tôi đang xem xét lĩnh vực mà chúng tôi có thể phục vụ khách hàng tốt nhất. Đây sẽ không phải là một nỗ lực giao dịch tự doanh”, ông Tuchman chia sẻ. (Prop-trading - hoạt động giao dịch tự doanh xảy ra khi một công ty tài chính chọn cách kiếm lời từ thị trường thay vì thu những khoản phí nhỏ từ hoạt động giao dịch của khách hàng).
Trước đó, hồi tháng 3, Citigroup đã công bố một báo cáo, trong đó nhận định rằng “mặc dù có nhiều rủi ro và trở ngại ngăn cản sự phát triển của bitcoin, tiền kỹ thuật số có thể được định vị để trở thành loại tiền tệ được ưa thích trong thương mại toàn cầu”.
Theo ông Tuchman, Citigroup sẽ không vội vàng trong việc đưa ra quyết định về mức độ thâm nhập vào thị trường bởi tiền kỹ thuật số có tương lai lâu dài và những gì diễn ra hiện nay mới chỉ là giai đoạn đầu của một thị trường tiềm năng, với đủ không gian cho nhiều doanh nghiệp tham gia. Ông khẳng định: “Không nên làm bất cứ điều gì không an toàn và không lành mạnh. Chúng tôi sẽ nhảy vào cuộc một khi đã tự tin rằng mình có thể xây dựng một thứ gì đó có lợi cho khách hàng, và có thể nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý”.
Những thông tin tích cực liên quan đến sự ủng hộ của các tổ chức lớn tại Phố Wall đối với tiền kỹ thuật số đã góp phần thúc đẩy đà đi lên của bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số phổ biến khác. Hôm 8-5, giá bitcoin đã bật tăng hơn 3.000 đô la/bitcoin từ mức thấp nhất trong vòng 24 giờ lên gần 59.000 đô la/bitcoin. Theo số liệu trên Coinmarketcap, tính đến ngày Chủ nhật (9-5), giá bitcoin đã tăng 3,51% trong vòng một tuần qua, trong khi giá đồng Ethereum tăng vọt 36,23%.
Sự nhập nhằng khiến Phố Wall bối rối
Tuy nhiên theo CNN Business, mặc dù Phố Wall đã dần thay đổi quan điểm đối với tiền kỹ thuật số, sự thiếu chắc chắn về pháp lý vẫn là lý do chính khiến các ngân hàng lớn chưa thực sự cởi mở.
Trên thực tế, hiện nay Chính phủ Mỹ vẫn chưa thể xác định tiền kỹ thuật số là gì. Nếu là một loại tiền tệ, tiền kỹ thuật số chỉ phải đối mặt với rất ít quy định. Nhưng nếu bị coi là một loại chứng khoán, như cổ phiếu hay các công cụ đầu tư khác, thì tiền kỹ thuật số sẽ phải đối mặt với một mức độ giám sát rất khác.
Hồi tháng 12-2020, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã khởi kiện sàn tiền kỹ thuật số Ripple cùng ban giám đốc sàn này với cáo buộc giao dịch bất hợp pháp một lượng cổ phiếu không đăng ký - dưới dạng tiền kỹ thuật số XRP - với trị giá lên tới 1,3 tỉ đô la. Cho đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Trong vụ việc này, việc áp dụng luật chứng khoán để giải quyết đã cho thấy, tiền kỹ thuật số XRP được xem như một loại chứng khoán, chứ không phải tiền tệ. Tuy nhiên, phía Ripple đã phủ nhận điều này.
Theo các chuyên gia, những trường hợp như vậy, cộng với sự thiếu chắc chắn trong quy định đối với các loại tiền kỹ thuật số khác, vẫn đang khiến các ngân hàng Phố Wall, vốn bị giám sát chặt chẽ, khá e dè khi tham gia vào thị trường này. “Không còn nghi ngờ gì nữa, vụ việc của Ripple là ví dụ cho thấy “đám mây đen” pháp lý có thể che phủ các loại tiền kỹ thuật số khác như bitcoin hoặc Ether”, ông Ashley Ebersole, đối tác tại hãng luật Bryan Cave Leighton Paisner và là cựu luật sư của SEC, nhận định.
Dẫu vậy, sự quan tâm ngày càng gia tăng của giới đầu tư đối với tiền kỹ thuật số, được cho là sẽ thuyết phục các ngân hàng sớm dỡ bỏ sự ngại ngần này. Tại sự kiện công bố lợi nhuận của công ty hồi tháng trước, CEO David Solomon của Goldman Sachs cho biết sự trỗi dậy nhanh chóng của tiền kỹ thuật số là tín hiệu cho thấy “sẽ có sự xáo trộn và thay đổi lớn trong cách tiền tệ được lưu chuyển trên khắp thế giới”.
Trong khi đó, ông Daniel Pinto, Phó chủ tịch JPMorgan, cho biết nếu nhu cầu của khách hàng tiếp tục tăng và tiền kỹ thuật số không ngừng phát triển, các ngân hàng sẽ không thể đứng bên lề mãi.
“Tốt nhất chúng ta nên xem tiền kỹ thuật số như một sản phẩm tài chính mới mà các ngân hàng có thể giao dịch”, ông Ebersole của hãng luật Bryan Cave Leighton Paisner nhận ðịnh. “Vậy liệu nó có cần các biện pháp quản lý tài chính mới không? Điều đó là có thể”.
S&P Dow Jones Indices ra mắt các chỉ số tiền kỹ thuật số mới
Trước sự quan tâm ngày càng gia tăng của các ngân hàng và tổ chức tài chính Phố Wall đối với tiền kỹ thuật số, S&P Dow Jones Indices - nhà điều hành chỉ số S&P 500 nổi tiếng, hôm 4-5 vừa qua đã cho ra mắt ba chỉ số tiền kỹ thuật số mới. Các chỉ số S&P bitcoin Index, S&P Ethereum Index và S&P Crypto Mega Cap Index, sẽ đo lường hiệu suất của các tài sản kỹ thuật số gắn liền với chúng. Các chỉ số sẽ sử dụng dữ liệu từ công ty tiền kỹ thuật số Lukka có trụ sở tại New York.
Theo ông Peter Roffman, Trưởng bộ phận chiến lược và đổi mới toàn cầu tại S&P Dow Jones Indices, việc ra mắt các chỉ số này đặt nền móng cho một doanh nghiệp có thể tiếp cận hàng loạt công ty dịch vụ tài chính.
“Đây là bước đi đầu tiên”, ông Roffman nói. Công ty đang điều hành hàng trăm ngàn chỉ số trải dài trên nhiều loại tài sản chính, có kế hoạch tung ra các chỉ số gắn liền với các loại tiền kỹ thuật số hàng đầu khác trong những tháng tới. “Chúng tôi sẽ tung ra một bộ chỉ số rộng hơn”, Roffman nói thêm, và lưu ý rằng công ty muốn bắt đầu với hai “tài sản có tính thanh khoản cao nhất và được công nhận” là bitcoin và Ethereum.
Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, S&P Dow Jones Indices đã công bố kế hoạch về chỉ số mới, bao gồm hơn 550 đồng tiền kỹ thuật số được giao dịch nhiều nhất, đồng thời cho phép khách hàng của họ có thể thiết lập các chỉ số tùy chỉnh và các công cụ đo điểm chuẩn khác đối với tiền kỹ thuật số.
Theo chuyên gia Sharon Leibowitz của S&P Dow Jones Indices, nhà cung cấp chỉ số hàng đầu Phố Wall đã nhận thấy cơ hội lớn trên thị trường tài chính phi tập trung. Vị chuyên gia từng làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại các ngân hàng lớn như JPMorgan, Deutsche Bank và UBS, cho biết: “Tôi nghĩ vẫn còn sớm. Một số đồng tiền kỹ thuật số có thể sẽ đủ điều kiện để đưa vào các chỉ số của chúng tôi khi chúng tôi thực hiện các bước tiếp theo”.
Các chỉ số là một thành phần quan trọng trong cấu trúc thị trường của Phố Wall, hỗ trợ cho các sản phẩm có thể giao dịch như quỹ ETF và đóng vai trò là những chỉ dấu, để các nhà đầu tư phân bổ danh mục đầu tư của mình. Ông Roffman cho biết, sự quan tâm đến các sản phẩm này phản ánh sự phát triển của thị trường tiền kỹ thuật số rộng lớn hơn. Hồi năm 2017, một số ngân hàng đã nghiên cứu ý tưởng tung ra các sản phẩm gắn liền với bitcoin, ví dụ như Morgan Stanley với một sản phẩm hoán đổi. “Tôi không có bất kỳ thông tin cụ thể nào”, ông Roffman nói thêm. “Nói chung, mọi người đang xem xét nhiều giải pháp sáng tạo”.
Bên cạnh đó, danh sách ngày càng gia tăng các quỹ ETF bitcoin cũng sẽ mang đến một cơ hội khác cho S&P Dow Jones Indices. “Chúng tôi cố gắng tránh những sự so sánh trực tiếp với các đối thủ cạnh tranh nhưng điều tôi có thể nói là chúng tôi có một cách tiếp cận thực tế, chất lượng cao để giúp các nhà quản lý tài sản xây dựng các sản phẩm này”.
Nguồn: Financial Times, The Block Crypto, CNBC, Reuters, CNN Business
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận