Tiền gửi ngân hàng tăng đột biến, nhà đầu tư sẽ cần chờ bao lâu để giải ngân?
Bất chấp lãi suất giảm xuống mức thấp, dòng tiền vẫn chảy mạnh vào ngân hàng cho thấy, người dân đang có sự thận trọng cao và các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản vẫn chưa đủ hấp dẫn.
Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế bất ngờ tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm 2023. Xu hướng trên xảy ra trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã rơi xuống thấp và tiếp tục giảm trong tháng cuối năm 2023.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, thực trạng lượng tiền gửi tăng đột biến trong thời gian gần đây trong bối cảnh lãi suất huy động thấp kỷ lục không phải điều hiếm gặp, được gọi là nghịch lý của tiết kiệm trong kinh tế học.
Theo ông Huân, khi người dân lo lắng về tình hình kinh tế có thể xấu đi trong tương lai, họ sẽ thắt chặt chi tiêu, tăng tỷ lệ tiết kiệm. Điều này sẽ khiến tiêu dùng giảm, kéo theo sự giảm sút của tăng trưởng tổng cầu.
“Lãi suất dù thấp nhưng vẫn thực dương và an toàn nhất. Người có tiền gửi vào ngân hàng vẫn có lãi. Đó là lý do chính người dân vẫn đổ tiền vào ngân hàng”, vị chuyên gia này đánh giá và cho biết, đây là thực trạng đáng lo ngại khi mà hệ thống ngân hàng đang “thừa tiền”, lãi suất ở mức thấp tiếp tục hạ, nhưng người dân vẫn tiếp tục đổ tiền vào ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh hiện tượng dòng vốn đổ vào kênh tiền gửi nếu tiếp tục kéo dài có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Trường hợp ngân hàng có quá nhiều tiền mà không cho vay được, lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, hoặc ngân hàng có thể sử dụng sai mục đích. Điều này sẽ kéo nền kinh tế đi xuống.
Vị chuyên gia này kỳ vọng, thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ tăng tốc mạnh hơn vào giữa năm 2024. Từ đó, kéo dòng tiền trở lại với thị trường, thay vì bị “ứ đọng” tại ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận