Tiến độ 10 dự án cao tốc Bắc Nam
Bốn dự án cao tốc Bắc Nam phía đông dự kiến hoàn thành xây lắp cuối năm nay, sáu dự án khác sẽ hoàn thành trong hai năm tới.
Ngày 6/10, Chính phủ gửi báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Đây là dự án xây dựng 654 km đường bộ với tổng mức đầu tư hơn 97.660 tỷ đồng, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 8 đoạn sử dụng vốn đầu tư công và 3 đoạn theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Trong 11 dự án, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình) dài 15 km đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ đầu năm 2021. Còn lại 10 dự án đang triển khai, trong đó bốn dự án dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Dự án Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế) dài 98 km được khởi công tháng 9/2019 gồm 11 gói thầu xây lắp. Hiện khối lượng dự án đã thực hiện đạt khoảng 94% giá trị hợp đồng, trong đó 6 gói thầu xây lắp cơ bản hoàn thành, đang sơn kẻ mặt đường, 5 gói thầu khác sẽ hoàn thành vào 31/10. Tuyến đường dự kiến được khai thác cuối năm nay.
Đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 63 km, được khởi công tháng 9/2020, gồm 5 gói thầu xây lắp, tổng khối lượng thực hiện đạt khoảng 69%, chậm 1,5% so với kế hoạch. Dự án sẽ hoàn thành xây lắp vào cuối tháng 12.
Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100 km, được khởi công tháng 9/2020, có bốn gói thầu đều đang thi công với tổng khối lượng đạt khoảng 50%, chậm 2% so với kế hoạch. Dự án này dự kiến hoàn thành xây lắp vào cuối tháng 12.
Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, khởi công cách đây hai năm, gồm bốn gói thầu xây lắp với tổng khối lượng đạt khoảng 56%, dự kiến hoàn thành cuối tháng 12.
Sáu dự án có kế hoạch hoàn thành trong hai năm tới, gồm cầu Mỹ Thuận 2 dài 6 km, khởi công tháng 3/2020. Dự án có năm gói thầu xây lắp, trong đó một gói thầu đã hoàn thành, bốn gói thầu đang triển khai, tổng khối lượng đạt khoảng 59%, dự kiến hoàn thành thi công cuối tháng 12/2023.
Đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km, ba gói thầu xây lắp đã đạt khối lượng khoảng 52% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,7% so với kế hoạch, dự kiến hoàn thành xây lắp vào cuối tháng 8/2023.
Đến ngày 15/9, các chủ đầu tư đã giải ngân khoảng 8.550 tỷ đồng trong tổng số 15.480 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022, đạt 55% kế hoạch.
Lý giải nguyên nhân một số dự án chưa đạt tiến độ yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng do thiếu hụt nguồn cung vật liệu, tác động bởi bão lũ, thời tiết bất thường, dịch Covid-19, chậm trễ giải phóng mặt bằng. Một số nhà thầu chưa huy động kịp thời nhân lực, tài chính, máy móc để thi công bù khối lượng bị chậm.
Với các dự án được đầu tư theo hình thức PPP bị chậm, Bộ đánh giá đây là hình thức đầu tư phức tạp, quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có sự thay đổi từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước. Quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng diễn ra trong thời điểm có nhiều thay đổi về quy định pháp luật dẫn đến bị kéo dài. Một số dự án thành phần có công trình cầu, hầm xuyên núi quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp.
Để đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập tổ công tác đặc biệt theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm đôn đốc, kiểm tra, giải quyết các điểm nghẽn và xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận