Tiềm ẩn rủi ro khi diện tích trồng sầu riêng tăng quá nhanh
Thực trạng tăng nhanh diện tích trồng sầu riêng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người trồng loại cây này trong những năm tới nếu như thị trường lớn giảm nhập khẩu.
Diện tích trồng sầu tăng quá nhanh
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết hiện nay diện tích trồng sầu riêng đã vượt gấp đôi so với định hướng phát triển sầu riêng trong đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 (khoảng 65.000 - 75.000ha, sản lượng 830.000 - 950.000 tấn).
"Cùng với việc tăng trưởng nhanh về diện tích trồng, dự kiến trong các năm tới diện tích thu hoạch và sản lượng sầu riêng tiếp tục tăng nhanh bởi hiện nay mới chỉ có 76.000ha sầu riêng cho thu hoạch mà sản lượng đã đạt gần 1,2 triệu tấn.
Trong ngắn hạn, chúng tôi thống nhất với nhận định của nhiều chuyên gia rằng thị trường tiêu thụ sầu riêng vẫn còn tiềm năng, song về cơ bản khi nguồn cung tăng thì giá cả sẽ giảm.
Đặc biệt khi thị trường có biến động, địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất mà không chú trọng xây dựng thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, sản xuất theo yêu cầu thị trường thì có nguy cơ đi vào vết xe đổ "được mùa mất giá" giống như một số trái cây khác", ông Mạnh nhấn mạnh.
Năm 2023, cả nước đã xuất khẩu khoảng 600.000 tấn sầu riêng, đạt giá trị hơn 2,2 tỷ USD. 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thời điểm, giá sầu riêng tiến đến gần mức 200.000đ/kg. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nông dân ở nhiều nơi ồ ạt mở rộng diện tích trồng, theo VOV. Việc tăng nhanh diện tích trồng sầu riêng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bà con nông dân trong những năm tới nếu như thị trường lớn giảm nhập khẩu.
Những rủi ro khó lường
Theo Tuổi Trẻ, thông tin từ Hiệp hội Trái cây Việt Nam, không chỉ Việt Nam tăng diện tích trồng sầu riêng, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng chạy đua tăng diện tích loại cây trồng này để bán cho thị trường Trung Quốc. Ngay tại Trung Quốc cũng đã phát triển hàng ngàn héc ta loại cây này để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rất lớn của người dân.
Tuy nhiên, nhu cầu sẽ chỉ đến một mức độ nào đó, trong khi mỗi cây sầu riêng phải mất 6-7 năm mới cho thu hoạch. Đến khi lượng cây trồng mới của Việt Nam và các nước cho thu hoạch đồng loạt, sản lượng tăng đột biến thì nguy cơ sụt giá sẽ xảy ra như một số loại cây trồng khác là khó tránh khỏi.
Chưa kể, do giá sầu riêng tăng cao trong hai năm qua, nhiều nông dân đã bất chấp điều kiện đất đai, nguồn nước để phá bỏ các loại cây trồng khác chuyển qua trồng sầu riêng. Hạn hán, xâm nhập mặn thời gian qua khốc liệt ở Tây Nguyên và ĐBSCL là một cảnh báo rất nhãn tiền về việc nhiều vùng trồng sầu riêng không hợp thổ nhưỡng hoặc không đủ điều kiện sẽ dẫn tới năng suất, chất lượng kém hoặc không hiệu quả.
Chia sẻ với VOV, ông Bùi Văn Long - Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Công nghệ Sinh học Dona Techno cho biết ồ ạt chuyển sang trồng sầu riêng trong khi thị trường tiêu thụ này lại hẹp, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi thị trường Trung Quốc không còn dễ tính khi liên tục yêu cầu cao về chất lượng. Cụ thể, tần suất cảnh báo vi phạm chất lượng liên tục tăng và siết chặt hơn khi nhập khẩu. Sầu riêng Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước nên khả năng cung vượt cầu, nguy cơ ùn ứ, không bán được hàng hóa như nhiều nông sản khác là dễ xảy ra.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai chia sẻ: "Chuyển đổi cây trồng này hiện nay chúng tôi theo cảm giác thôi, không có định hướng nào hết. Nên từ chỗ đó, chúng tôi cũng rất sợ. Sợ sau khi mình trồng quá nhiều, mà không bán được như vừa rồi như cây bưởi, cây xoài…".
Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Chúng ta sẽ điều chỉnh lại. Những diện tích nào trước đây vì phát triển quá nóng, chạy theo thời cuộc, chạy theo giá cả nhưng nó không bảo đảm các điều kiện sinh thái, điều kiện tưới tiêu khác, có thể chúng ta phải chuyển đổi".
Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, diện tích sầu riêng của Việt Nam đã tăng gần 5 lần. Cụ thể, từ 32.000 ha vào năm 2015 đã lên hơn 150.000 ha vào năm 2023 tương ứng với sản lượng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn. Nhằm giúp nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp đang đàm phán để trái sầu riêng đông lạnh xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và xuất khẩu trái tươi sang Ấn Độ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận