Tỉ lệ nợ công giảm sâu trên nền tảng bền vững hơn
Các diễn biến và số liệu thực tế khẳng định ngân sách nhà nước của Việt Nam được cơ cấu lại ngày càng bền vững, các nỗ lực của Chính phủ đã giúp kéo giảm và giữ các tỷ lệ nợ công nằm trong giới hạn cho phép, tốc độ tăng nợ công giảm hơn một nửa trong thời gian qua.
Chính phủ Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công năm 2019 và chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2019-2021 nhằm đánh giá toàn diện các yếu tố chi phí-rủi ro của danh mục nợ, giám sát chặt chẽ công tác huy động, sử dụng vốn vay nợ công theo kế hoạch và các hạn mức được duyệt. Chính phủ cũng thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về việc công khai, minh bạch thu chi ngân sách cũng như vay, trả các khoản nợ.
Tương quan giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế đã “đảo chiều” trong thời gian qua, cùng các diễn biến như xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực, dự trữ ngoại hối liên tục tăng cao… đã tạo nền tảng bền vững cho công tác quản lý, huy động, và trả nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia.
Theo các báo cáo mới nhất của Chính phủ, dự kiến đến cuối năm 2019, nợ công ở mức 56,1% GDP (so với mức 58,4% GDP năm 2018) , nợ Chính phủ ở mức 49,2% GDP (năm 2018 là 50% GDP); nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN ước khoảng 19,5-20,5%.
Một chỉ tiêu quan trọng khác là nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP dự kiến cũng sẽ giảm xuống còn khoảng 45,8% (so với mức 46,0% của năm 2018).
Chính phủ khẳng định, trường hợp vay nợ nước ngoài tự vay, tự trả thực hiện trong phạm vi hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho năm 2019, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia đến cuối năm 2019 so với GDP về cơ bản vẫn được kiểm soát dưới mức trần được Quốc hội cho phép (không quá 50% GDP).
Như vậy, đến cuối năm 2019 dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép và tiếp tục xu hướng giảm của năm 2018.
Báo cáo cũng Chính phủ cũng cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 237.470 tỷ đồng (bằng 71,3% kế hoạch năm), trong đó trả nợ trong nước khoảng 196.281 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 41.189 tỷ đồng.
Việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ còn có thể thấp hơn so với kế hoạch, chủ yếu do kết quả vận động lùi thời điểm áp dụng điều khoản trả nợ nhanh vốn IDA vay WB đến 1/7/2020.
Về tình hình năm 2020, các chỉ tiêu nợ so với GDP nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm, khi Chính phủ dự báo đến cuối năm 2020 nợ công khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP khoảng 45,5%.
Trong bối cảnh dự báo điều kiện thị trường vốn quốc tế sẽ thắt chặt hơn trong thời gian tới, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ khả năng cũng sẽ tăng lên tương ứng. Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi suất bình quân nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn duy trì ở mức thấp (2,0%/năm tính đến 31/12/2019) do trên 96% khoản vay nước ngoài có điều kiện vay ODA, vay ưu đãi.
Yếu tố này góp phần quan trọng giúp duy trì chỉ tiêu trả nợ trên thu ngân sách nhà nước trong ngưỡng an toàn (cuối năm 2019 ở mức 19,5 -20,5% so với ngưỡng được Quốc hội cho phép là 25%, so với mức 15,9% cuối năm 2018), và được Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá tích cực khi phân tích tính bền vững danh mục nợ của Việt Nam.
Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 23%, tiến gần ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020.
Làm rõ hơn về tình hình thu chi ngân sách và nợ công, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định thời gian qua, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi và nợ công giảm sâu, tốc độ tăng nợ công đã giảm hơn một nửa, nếu như năm 2011 - 2015 là hơn 18% thì giai đoạn này chỉ hơn 8%.
“Quan trọng hơn là nợ công đã được cơ cấu lại tốt hơn trước rất nhiều. Kỳ hạn bình quân danh mục trả nợ vốn vay trái phiếu, vay trong nước lên gần 7 năm, trong khi năm 2011 - 2012 là là 2,9 năm. Lãi suất bình quân giai đoạn 2011 - 2013 phát hành là 12 - 13%/năm nhưng 2 năm gần đây xuống còn khoảng 4,6%, kỳ hạn 13 năm” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, ngân sách ngày càng bền vững hơn. Dự toán thu được tính trên cơ sở tăng trưởng kinh tế khoảng 6,8% và lạm phát khoảng 4%, nhưng thu ngân sách luôn tăng cao hơn tăng trưởng kinh tế.
Năm 2019 thu từ 3 khu vực kinh tế (thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và thu từ khu vực ngoài quốc doanh) đã tăng 10,9%, cao hơn dự kiến tăng trưởng kinh tế và lạm phát, cao hơn các năm trước (năm 2016 mới chỉ tăng 9,9%, năm 2017 tăng 5,6%, 2019 tăng 9,7%). Tỷ trọng thu của 3 khu vực trong tổng thu cũng tăng dần qua các năm. “Như vậy, 3 khu vực kinh tế đang phát triển rất nhanh, thể hiện tính bền vững là ở chỗ đó” - Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, một số khoản thu từ tài sản, tài nguyên, thu từ đất, khai thác khoáng sản… có tăng so với dự toán nhưng xét về mặt tổng thể, những khoản thu này chiếm tỷ trọng nhỏ và giảm dần. Tỷ trọng thu nội địa cũng tăng dần qua các năm.
Cùng với đó, chi ngân sách được điều hành tích cực. Chi đầu tư phát triển bố trí năm sau cao hơn năm trước và đến 2020 bố trí khoảng 26,9% tổng chi ngân sách và thực hiện cả giai đoạn là 27 - 28% trong tổng chi ngân sách, cao hơn mục tiêu đề ra. Còn chi thường xuyên, mục tiêu đề ra là dưới 64%, nhưng dự toán năm 2020 chỉ chiếm khoảng 60,5% tổng chi. Như vậy, chi thường xuyên đã giảm sâu.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy những thông tin đáng mừng về nền tảng vĩ mô, khi thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối hiện đạt khoảng 73 tỷ USD, trong khi đầu nhiệm kỳ là khoảng 31 tỷ USD.
Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; bảo đảm an toàn hệ thống. Đến cuối tháng 6/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,91%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 5,39%, giảm mạnh so với cuối năm 2016 (10,08%), năm 2017 (7,36%) và cuối năm 2018 (5,85%).
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, hệ thống tổ chức tín dụng xử lý ước đạt 937,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Về nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, đến cuối tháng 6/2019, ước tính toàn hệ thống xử lý được 264,06 nghìn tỷ đồng; trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 127,641 nghìn tỷ đồng. Đã có 09 tổ chức tín dụng được áp dụng chuẩn Basel II đáp ứng thông lệ quốc tế về an toàn vốn trước thời hạn.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, với tiến độ xử lý nợ xấu như hiện nay, nợ xấu sẽ giảm về dưới 3% vào cuối năm 2020, hoàn thành yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đóng góp tích cực vào cơ cấu lại tổ chức tín dụng và các chính sách vĩ mô khác, góp phần giúp giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, nâng hạng tín nhiệm quốc gia, tín nhiệm nhiều tổ chức tín dụng, củng cố nền tảng của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh diễn biến thế giới khó lường.
Cùng với đó, Chính phủ cũng không chủ quan khi tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đây cũng là một nguyên nhân khiến tương quan giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế đã “đảo chiều” trong thời gian qua.
“Trước đây, tăng trưởng tín dụng 33%/năm, nhưng GDP chỉ tăng từ 5-6%. Những năm gần đây, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ kiểm soát chặt chẽ chính sách tín dụng, nhất là tín dụng bất động sản, chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, nên tín dụng nói chung tăng khoảng 14%, nhưng tăng trưởng kinh tế cao hơn trước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Bên cạnh đó, bức tranh nợ công cũng có những vấn đề đặt ra. Báo cáo của Chính phủ thẳng thắn nêu rõ, tuy các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước, xu hướng này một phần phản ánh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn nước ngoài, rất chậm.
Bên cạnh đó, tuy quy mô danh mục nợ Chính phủ đến cuối năm 2019 được kiểm soát tốt ở mức 49,2% GDP (so với mức 52,7% vào năm 2016; 50,0% vào năm 2018), cùng với ảnh hưởng của việc Việt Nam tốt nghiệp IDA kể từ năm 2017, các chỉ tiêu chi phí-rủi ro danh mục nợ Chính phủ, có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây.
Báo cáo của Chính phủ nhắc đến một số vấn đề cụ thể như rủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm (10,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ sẽ đến hạn năm 2020), tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản cho NSNN. Rủi ro lãi suất danh mục nợ nước ngoài có xu hướng gia tăng do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng.
Một yếu tố khác là mặc dù tỷ lệ vay bằng đồng Việt Nam đã tăng lên (từ 55% vào cuối năm 2015 lên 62,3% dư nợ Chính phủ tính đến hết năm 2019), song danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn tập trung vào 3 loại tiền chủ đạo gồm USD, JPY và EUR, là những đồng tiền có biến động lớn trong thời gian vừa qua.
Về tổng thể, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý, huy động, và trả nợ công, nợ Chính phủ thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách. Công tác quản lý nợ công về cơ bản đã thực hiện tốt mục tiêu tổ chức huy động vốn với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý cho đầu tư phát triển. Các chỉ tiêu nợ được kiểm soát chặt chẽ và nằm trong giới hạn theo các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; bảo đảm công khai, minh bạch. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách; quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, tài sản công. Việc vay nợ nước ngoài phải tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, phát huy hiệu quả đồng vốn.
Thời gian qua, hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Trong đó, Fitch nâng triển vọng từ mức “Ổn định” lên “Tích cực” và tiếp tục duy trì mức xếp hạng BB (tháng 5/2019); Standard & Poor lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB (tháng 4/2019).
Về sự kiện gần đây khi Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s thông báo về việc xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam (hiện ở mức Ba3), với đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam đã khẳng định, đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ.
Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của Bên cho vay.
Bộ Tài chính khẳng định việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp. Theo Bộ Tài chính, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Bộ Tài chính cho rằng Moody’s chỉ trên một sự việc riêng lẻ mà bỏ qua các nỗ lực Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô là chưa thực sự thuyết phục và việc Moody’s đưa ra thông tin báo chí trong khi chưa chắc chắn về quy trình và cơ chế thanh toán các khoản vay được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có đối với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ và có thể ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ Tài chính mong Moody’s sớm có nhìn nhận, đánh giá đầy đủ về vấn đề trên và sẵn sàng trao đổi, làm việc và cung cấp thông tin cho Moody’s và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác để đảm bảo có thông tin đầy đủ và chuẩn xác
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận