Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực doanh nghiệp vừa và nhỏ
Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam khoảng 131,5 tỷ đồng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại và năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sáng 22/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ đã tổ chức ký kết văn bản trao đổi về việc cam kết và tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại giữa Bộ Công Thương và Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) Dự án “Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ.”
Dự án đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại và năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua tăng cường các điều kiện khung cho thương mại, cải thiện cơ chế đối thoại công tư và xây dựng hệ sinh thái cho xúc tiến thương mại.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2024 với tổng nguồn vốn thực hiện là 5,672 triệu CHF, tương đương 148 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn viện trợ không hoàn lại được Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ là 5 triệu CHF (khoảng 131,5 tỷ đồng), nguồn vốn đối ứng do Chính phủ và các đối tượng thụ hưởng đóng góp là 627 nghìn CHF (khoảng 16,5 tỷ đồng).
Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế sau hơn 35 năm đổi mới.
Cải cách kinh tế và tự do hóa thương mại đã có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Mặc dù thương mại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, các điều kiện khung về thể chế, chính sách về thương mại của Việt Nam vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện.
Các định hướng chiến lược về xúc tiến xuất khẩu và hệ sinh thái hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp còn hạn chế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, năng lực cạnh tranh vẫn còn chưa cao.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ” được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những thách thức thông qua hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương như: việc định hình Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu 10 năm tới của Việt Nam, nhất là xây dựng và hoàn thiện khung khổ về thể chế, chính sách để tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, thiết lập được kết nối một cách hiệu quả giữa Chính phủ với doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực thi chính sách qua các diễn đàn đối thoại công tư về phát triển xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại và xúc tiến thương mại.
Hơn nữa, còn giúp nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu cho các tổ chức hỗ trợ kinh doanh năng động để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và tham gia một cách hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Dự án cũng sẽ đặc biệt xem xét các ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thúc đẩy số hóa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Tại lễ ký kết, ngài Ivo Sieber, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, cho biết với dự án này, Thụy Sĩ cam kết tiếp tục hợp tác lâu dài trong phát triển thương mại với Việt Nam. Dự án sẽ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hỗ trợ phát triển thương mại hiệu quả hơn, bền vững và bao trùm hơn tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh Dự án hỗ trợ kỹ thuật Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ Bộ Công Thương trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Việc thực hiện dự án là dấu mốc quan trọng kỷ niệm nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao cũng như 30 năm hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Việt Nam-Thụy Sĩ, góp phần xây dựng và củng cố những cam kết của cả hai quốc gia đối với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của Việt Nam.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ do Bộ Công Thương là Cơ quan chủ quản với hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC).
Đây là một trong những dự án quan trọng nhất về hợp tác phát triển kinh tế của Thụy Sĩ với Việt Nam thuộc Chương trình Hợp tác giai đoạn 2021-2024, do Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ (SECO) thực hiện.
Điều này nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt tăng trưởng bền vững, thúc đẩy các điều kiện khung về kinh tế theo định hướng thị trường, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của khu vực tư nhân./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận