Thưởng Tết năm 2024 có cao hơn năm 2023?
Bức tranh kinh tế vẫn đang có nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang thiếu, giảm đơn hàng. Do đó thưởng Tết năm nay được nhận định không có nhiều kỳ vọng.
Bảo đảm cho người lao động có Tết
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 có xu hướng tích cực hơn so với năm trước nhưng vẫn còn có những khó khăn. Phần lớn số doanh nghiệp đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động song vẫn còn có những công ty thiếu đơn hàng phải tạm hoãn hợp đồng lao động.
Thông tin với Kinh tế & Đô thị về tình hình lương, thưởng Tết năm 2024, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Từ giữa năm, chúng tôi đã có dự báo tình hình khó khăn của năm nay. Chúng tôi đã triển khai tới Liên đoàn Lao động các tỉnh chỉ đạo trực tiếp đến công đoàn cơ sở doanh nghiệp nắm bắt tình hình, phân loại các doanh nghiệp khó khăn ở các mức độ khác nhau để từ đó có đối thoại, thương lượng với chủ sử dụng lao động. Với những doanh nghiệp nào có điều kiện thì vẫn đảm bảo đời sống cho người lao động.
Thưởng Tết với người lao động không chỉ có giá trị vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Vì vậy, Tổng Liên đoàn đã sớm xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động. Trong đó, cùng với việc triển khai nhiều hoạt động để đảm bảo tất cả đoàn viên, người lao động có Tết, tổ chức công đoàn cũng sẽ thương lượng với các doanh nghiệp về việc trả lương, thưởng Tết năm 2024 cho người lao động; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, từ giữa năm, Công đoàn đã có dự báo tình hình khó khăn của năm nay chính vì vậy phân loại các doanh nghiệp khó khăn ở các mức độ khác nhau để từ đó có đối thoại, thương lượng với chủ sử dụng lao động. Với những doanh nghiệp nào có điều kiện thì vẫn đảm bảo đời sống cho người lao động.
“Tổng Liên đoàn đã sớm xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động. Dự kiến ít nhất 10% người lao động khó khăn nhất trong tổng số đoàn viên của đơn vị để chăm lo cho họ bằng nhiều hình thức như quà tặng, tổ chức các chuyến xe, chuyến tàu, máy bay miễn phí 0 đồng, giảm phí. Cùng với đó, Tổng Liên đoàn huy động nguồn lực chung của xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp , địa phương nơi người lao động làm việc để chia sẻ, hỗ trợ, giúp họ vượt qua khó khăn”, ông Hiểu thông tin với Đại Đoàn Kết.
Về phía Bộ LĐTB&XH cũng đã có công văn đề nghị các địa phương chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người lao động theo quy định, nội dung đã thỏa thuận. Đồng thời, xây dựng phương án thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024 theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 theo quy định của pháp luật lao động và thông báo công khai cho người lao động trong doanh nghiệp biết. Bộ LĐTB&XH yêu cầu các địa phương báo cáo tổng hợp về lương, thưởng Tết trước ngày 25/12/2023.
Thưởng Tết năm 2024 tăng hay giảm?
Chia sẻ về việc chăm lo Tết cho người lao động, ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam cho biết, năm 2023 dù có nhiều khó khăn, tình hình sản xuất bị ảnh hưởng, tuy nhiên hiện nay phía Công đoàn công ty đã có đề xuất với Ban giám đốc công ty hỗ trợ thêm chính sách trợ cấp khác cùng với thưởng Tết năm 2024.
“Cả doanh nghiệp và người lao động đang cùng nhau trải qua một năm nhiều biến động. Đối với người lao động, việc làm bị ảnh hưởng khi có những thời điểm phải giãn việc. Thu nhập giảm sút nhưng giá cả, chi phí sinh hoạt lại tăng cao, điều này đã tạo áp lực rất lớn nên đời sống người lao động. Chính vì thế Công đoàn công ty đã kiến nghị nếu tình hình sản xuất từ nay hết năm còn khó khăn thì mức thưởng Tết sẽ vẫn như mức năm ngoái ”, ông Long chia sẻ với Công an Nhân dân.
Một số chủ tịch công đoàn cơ sở ở khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội cũng cho biết, dù phần lớn doanh nghiệp còn khó khăn nhưng vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết như mọi năm, bởi doanh nghiệp muốn giữ chân người lao động để chờ kinh tế phục hồi vào năm 2024. Dù khó khăn cũng vẫn cố gắng có thưởng Tết, điều này thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp với người lao động, cũng là để giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Dù chưa công bố phương án thưởng Tết nhưng doanh nghiệp khẳng định sẽ vẫn có thưởng.
Nhận định về thưởng Tết, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, tuy tình hình kinh tế - xã hội năm nay có xu hướng tích cực hơn so với năm trước, nhưng đến tháng 12, GDP chưa đạt được tiêu chí Quốc hội đưa ra là 6 – 6,5% vì phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng kinh tế. Đối với doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng tích cực hơn năm trước nhưng còn khó khăn bởi kinh tế thế giới tăng trưởng kém. Không ít doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước bị giảm đơn hàng hoặc không có đơn hàng.
“Thời gian qua các doanh nghiệp cố gắng duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động đã là cố gắng. Đối với một số doanh nghiệp ở một số lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu như may mặc, giày da, thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử… còn không giữ được việc làm cho người lao động thì nói đến thưởng Tết tăng hay giảm là rất khó. Tuy vậy, cũng có nhiều doanh nghiệp ở một số lĩnh vực không bị ảnh hưởng thì họ vẫn có thể chăm lo tốt cho người lao động. Nhưng về mặt bằng, tôi cho rằng chỉ các doanh nghiệp cố gắng lắm thì mức thưởng Tết năm 2024 mới bằng năm 2023, tức là khoảng từ 6 – 6,5 triệu đồng/người”, TS Nguyễn Hữu Dũng nhận định.
Còn đối với những doanh nghiệp có khó khăn lâu dài, hoạt động không có lợi nhuận, rất khó để cân đối nguồn tiền thưởng Tết cho người lao động. Thậm chí, những doanh nghiệp này còn chấm dứt hợp đồng với những người lao động trên 35 tuổi. Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, những doanh nghiệp khó khăn này rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước cho vay tiền với lãi suất ưu đãi để trả lương, thưởng Tết cho người lao động. Còn đối với những người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, trở về quê do doanh nghiệp ít đơn hàng, chỉ duy trì mức sản xuất bình thường thì tổ chức công đoàn giúp họ có cái Tết đầm ấm, vui vẻ.
Cũng nhận định về thưởng Tết năm 2024, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) cho rằng sẽ có doanh nghiệp thưởng Tết cao hơn năm ngoái, nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ cố gắng thưởng Tết bằng năm 2023.
“Các doanh nghiệp đều nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực chính vì vậy sẽ cố gắng lo Tết cho người lao động. Tùy vào điều kiện mỗi doanh nghiệp sẽ thưởng bằng tiền, hiện vật, thậm chí bằng sản phẩm do công ty sản xuất. Cùng với doanh nghiệp, địa phương, ngành chức năng cần sớm có chính sách để chăm lo tết cho người lao động”, ông Trung nói.
Pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết cho người lao động. Nhưng theo ông Ngọ Duy Hiểu, "trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đôi khi cũng có giá trị như quy định của pháp luật, nó được thôi thúc từ động lực bên trong và trách nhiệm của người sử dụng lao động với người lao động. Chúng tôi tin rằng, những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn ý thức được việc đó và khi họ làm tốt những việc này chính là cách để giữ chân người lao động, nhất là trong bối cảnh nhiều nơi đang thiếu nhân sự như hiện nay. Chúng tôi tin rằng, khi Công đoàn cơ sở tổ chức triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động sẽ được nhiều doanh nghiệp lớn thực hiện. Và hiện nay đã có nhiều công ty sẵn sàng thực hiện công khai thưởng Tết cho người lao động".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận