Thương mại thời ông Donald Trump có thật sự đáng lo ngại?
Là một trong số các quốc gia đạt thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ và có tốc độ tăng mạnh trong những năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ rơi vào tầm ngắm đánh thuế của Mỹ trong thời gian tới sau khi ông Donald Trump một lần nữa quay lại Nhà Trắng. Liệu điều này có thật sự đáng lo ngại?
Việt Nam vươn lên nhờ đâu?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là 98,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước; cao hơn lần lượt 1,9 lần và 2,3 lần kim ngạch xuất khẩu sang hai thị trường lớn ngay sau đó là Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập 12,3 tỉ đô la hàng hóa từ Mỹ, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên con số nhập khẩu này là thấp nhất trong số sáu thị trường Việt Nam nhập khẩu lớn nhất, gồm Trung Quốc (117,7 tỉ đô la), Hàn Quốc (46,3 tỉ đô la), ASEAN (37,9 tỉ đô la), Nhật Bản (17,8 tỉ đô la) và EU (13,8 tỉ đô la). Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư so với Mỹ cũng tăng mạnh 26,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 86,1 tỉ đô la.
Còn theo số liệu từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), Việt Nam là quốc gia xếp thứ ba trong số 15 quốc gia mà Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn nhất trong năm 2023, với giá trị lên đến 104,6 tỉ đô la, chiếm tỷ trọng 9,8% trong tổng giá trị thâm hụt thương mại với tất cả các nước của Mỹ (gần 1.065 tỉ đô la), chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico với tỷ trọng lần lượt là 26,2% và 14,3%.
Đáng lưu ý, giá trị xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2016 chỉ chưa đến 32 tỉ đô la, nằm trong tốp 5 quốc gia mà Mỹ nhập siêu nhiều nhất nhưng tỷ trọng mới xấp xỉ 4,4% trong tổng giá trị thâm hụt thương mại với tất cả các nước của Mỹ. Bốn năm sau đó, vào năm 2020, con số này đã tăng hơn gấp đôi lên 69 tỉ đô la, vươn lên vị trí thứ 3 và giữ nguyên vị trí này kể từ đó đến nay. Đặc biệt, tốc độ tăng đột biến kể từ năm 2019, sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khởi phát từ năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.
Cụ thể, nếu như năm 2016 Trung Quốc xuất siêu sang Mỹ tới 346,8 tỉ đô la thì đến năm 2018 con số này tăng vọt lên 418,2 tỉ đô la do các doanh nghiệp Mỹ tranh thủ nhập hàng từ Trung Quốc trước khi các sắc thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc có hiệu lực. Sau đó, trong giai đoạn 2019-2020 đã giảm trở lại, nhưng bất ngờ tăng liên tiếp trong hai năm 2021 và 2022, trước khi giảm mạnh trong năm 2023 vừa qua.
Trong cùng khoảng thời gian, xuất siêu của Mexico và Việt Nam duy trì xu hướng đi lên liên tiếp. Nếu như Mexico có đặc thù là quốc gia nằm sát Mỹ nên đã tận dụng lợi thế vị trí địa lý để giành lấy thị phần từ các quốc gia khác bỏ lại, Việt Nam lại hưởng lợi trước dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc sang. Ngoài ra, cũng có một số e ngại cho rằng một phần hàng hóa Trung Quốc đã lấy Việt Nam làm điểm trung chuyển để xuất vào Mỹ.
Với việc ông Donald Trump vừa tái đắc cử tổng thống Mỹ, nhiều ý kiến cho rằng chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump có thể gây khó khăn cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Với mục tiêu bảo vệ việc làm và ngành công nghiệp Mỹ, khuyến khích sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài, ông Trump trong giai đoạn tranh cử đã tuyên bố sẽ áp thuế 10-20% với tất cả hàng hóa nhập vào nước này, riêng với hàng Trung Quốc mức thuế có thể lên tới 60%.
Bức tranh có thay đổi?
Đầu tiên, cần lưu ý rằng có khả năng tất cả các hàng hóa nhập vào Mỹ sẽ bị đánh thuế - một kịch bản được cho là sẽ gây bất ổn lên thương mại toàn cầu chứ không chỉ riêng gì Việt Nam, do các nước khác có thể áp thuế trả đũa tương tự lên hàng hóa Mỹ, từ đó khiến cuộc chiến thương mại lan rộng hơn chứ không chỉ còn bó buộc giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh người dân Mỹ vừa trải qua giai đoạn giá cả tăng vọt, nếu tất cả các mặt hàng nhập khẩu bị áp các sắc thuế mới, bóng ma lạm phát có thể quay trở lại. Về cơ bản, các sắc thuế nhập khẩu tăng thu nhập cho chính phủ, nhưng gánh nặng lại đè lên các doanh nghiệp và đặc biệt là người tiêu dùng, vì mối quan hệ đối tác thương mại giữa các quốc gia, cũng như chuỗi cung ứng, không phải muốn là thay đổi trong một sớm một chiều.
Thực tế những mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu mạnh sang Mỹ là những mặt hàng thiết yếu, có lẽ sẽ không bị tác động quá lớn bởi các sắc thuế nhập khẩu, hoặc là những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam, nhờ vị trí địa lý, tài nguyên dồi dào và nguồn lao động giá rẻ, nên cũng khó có thể tìm nguồn cung khác thay thế.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ 97 tỉ đô la, sáu mặt hàng có kim ngạch lớn nhất đã lên tới hơn 72 tỉ đô la, chiếm tỷ trọng 74%. Trong đó, các sản phẩm thiết yếu có thể kể đến là hàng dệt may 7,9 tỉ đô la, gỗ và sản phẩm gỗ 7,3 tỉ đô la, giày dép 7,1 tỉ đô la, các mặt hàng máy móc, thiết bị điện tử...
Ngoài ra, với khả năng hàng hóa từ Trung Quốc bị áp thuế lên đến 60%, không loại trừ khả năng Việt Nam lại còn gia tăng lợi thế cạnh tranh hơn nữa, điều đã từng diễn ra trong quá khứ. Khi đó, Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia khác nói chung dù có bị đánh thuế nhưng với tỷ lệ chỉ từ 10-20%, vẫn sẽ có cơ hội tận dụng khoảng trống mà hàng hóa Trung Quốc để lại vì bị đánh thuế quá cao.
Một tác động khác là dòng vốn đầu tư tiếp tục xu hướng chuyển dịch, với các cơ sở sản xuất di dời từ Trung Quốc sang các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng để tìm đường vào Mỹ và tránh sắc thuế quá cao, như những gì đã diễn ra sau cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khởi phát từ năm 2018.
Theo đó, Việt Nam sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn hơn trong giai đoạn tới, nhưng hàng hóa xuất vào Mỹ sau đó cũng có thể tiếp tục gia tăng với sự đóng góp lớn từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đẩy xuất siêu với Mỹ mở rộng hơn nữa. Dù vậy, mối lo ngại lớn nhất vẫn là nguy cơ hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ thương mại từ Việt Nam để xuất vào Mỹ, mà hệ quả là khiến các doanh nghiệp trong nước bị vạ lây.
Tuy nhiên, Việt Nam và Mỹ đã nâng mối quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 9-2023, với những lợi ích gắn bó lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đây là một trong những chất xúc tác thúc đẩy Việt Nam có thể đẩy mạnh nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ Mỹ để bức tranh thương mại cân bằng hơn, tránh rủi ro bị áp thuế quá mức, song song với việc tiếp tục tăng cường ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận