Thương mại hồi phục mạnh mẽ, khu vực FDI xuất siêu hơn 23 tỷ USD
Theo các chuyên gia, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ giúp Việt Nam tăng cơ hội thu hút đầu tư mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 8 tháng vừa qua tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu nước ngoài (FDI) đã đóng góp rất lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Có 6 mặt hàng vượt 10 tỷ USD
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau 8 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, cùng thời gian trên, cả nước có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là lực đẩy chính dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành, khi đem về khoảng 215,39 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Nhiều mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tới 2 con số, như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,6%; Điện thoại các loại và linh kiện tăng 30,6%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 49,3%; giầy dép các loại tăng 5,6%...
Tuy vậy, theo đánh giá của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp FDI góp mặt trong toàn bộ các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó ưu thế gần như tuyệt đối ở 2 nhóm hàng lớn nhất là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Đơn cử, điện thoại và linh kiện chiếm đến 99,73%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 98,33%. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI cũng chiếm tỷ trọng cao hơn doanh nghiệp trong nước ở các nhóm hàng lớn khác là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…
Qua thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, với 250,8 tỷ USD thu về từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 8 tháng thì khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 66,14 tỷ USD (chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu) thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 184,66 tỷ USD chiếm tới 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, trong 8 tháng, khu vực kinh tế trong nước chi 85,58 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 161,26 tỷ USD.
Tuy vậy, đánh giá cho thấy, nhóm hàng tư liệu sản xuất vẫn chiếm nhiều nhất (chiếm 94%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,3%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7% và nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%.
Với kết quả trên, tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước xuất siêu khoảng 3,96 tỷ USD. “Trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,44 tỷ USD thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,4 tỷ USD,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ
Thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã có bước cải thiện tích cực và mạnh mẽ, được giới doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đánh giá cao.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ giúp Việt Nam tăng cơ hội thu hút đầu tư mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đây được coi là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng trong năm 2022 và những năm tới..
- Hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong 8 tháng 2022:
Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, một trong những ngành thu hút họ đầu tư mạnh mẽ là công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là sản xuất linh kiện điện tử.
Cụ thể, vào tháng 2 năm nay, tỉnh Thái Nguyên đã trao cho Samsung Electro-Mechanics Việt Nam giấy chứng nhận đăng ký mở rộng đầu tư cho dự án tăng vốn trị giá 920 triệu USD.
Với việc điều chỉnh lần này, vốn đầu tư của Samsung Electronics tại Thái Nguyên tăng từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD. Đây là nhà máy sản xuất và lắp ráp các linh kiện cho thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị di động tiên tiến và các sản phẩm điện và điện tử khác của Samsung.
Trong bối cảnh các công ty lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG đang mở rộng đầu tư vào toàn ngành công nghiệp điện tử và Việt Nam vươn lên trở thành công xưởng sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới, các nhà sản xuất linh kiện Hàn Quốc thâm nhập vào thị trường Việt Nam cũng đang có xu hướng mở rộng rộng từ vender cấp 1 như trước đây sang vender cấp 2, cấp 3.
Đánh giá về dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc, Andrew Lee, Giám đốc cấp cao bộ phận phát triển kinh doanh thị trường Hàn Quốc tại Savills Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm gần đây, xu hướng đầu tư vào chuỗi giá trị, đặc biệt vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao ngày càng mạnh mẽ.
Không những vậy, các tập đoàn lớn trên thế giới cũng đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình sản xuất, giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam.
Trong giai đoạn 2018-2021, Bộ Công Thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020-2023.
Qua nỗ lực tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng, số lượng doanh nghiệp cấp 1 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Năm 2014, số lượng doanh nghiệp cấp 1 chỉ có 4 doanh nghiệp thì con số này đã tăng lên thành 51 doanh nghiệp vào cuối năm 2021. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp cấp 2 cũng đạt 203 doanh nghiệp.
“Cục công nghiệp đang thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ ở cấp độ toàn quốc. Cho đến nay, các doanh nghiệp thụ hưởng từ chính sách này đã có những bước tiến rất tốt,” ông Phạm Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận